Các thuốc trị tăng huyết áp khi mang thai và cách dùng an toàn

13-08-2022 09:39 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Tăng huyết áp khi mang thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần theo dõi chặt chẽ. Việc sử dụng thuốc trị tăng huyết áp cho mẹ bầu cũng cần hết sức thận trọng…

Tăng huyết áp thai kỳ là gì? Thuốc nào điều trị?Tăng huyết áp thai kỳ là gì? Thuốc nào điều trị?

SKĐS - Tăng huyết áp thai kỳ hay còn gọi là tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai. Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp thai kỳ biện pháp hữu hiệu để giúp an toàn cho cả người mẹ và thai nhi.

1. Các loại tăng huyết áp trong thai kỳ

Đôi khi tăng huyết áp bắt đầu trước khi mang thai. Trong các trường hợp khác, tình trạng này phát triển trong thời kỳ mang thai.

- Tăng huyết áp mãn tính: Tăng huyết áp phát triển trước khi mang thai hoặc trong 20 tuần đầu của thai kỳ, thường không có các triệu chứng nên khó biết chính xác bắt đầu từ khi nào.

- Tăng huyết áp mãn tính chồng lấp tiền sản giật: Xảy ra khi tăng huyết áp mãn tính dẫn đến tình trạng huyết áp cao trong thai kỳ ngày càng trầm trọng hơn. Những người bị tình trạng này có thể xuất hiện protein trong nước tiểu hoặc các biến chứng khác.

- Tăng huyết áp thai kỳ: Huyết áp cao sau 20 tuần của thai kỳ, không có protein trong nước tiểu và không có dấu hiệu tổn thương cơ quan nào khác. Nhưng trong một số trường hợp, tăng huyết áp thai kỳ cuối cùng có thể dẫn đến tiền sản giật.

- Tiền sản giật: Xảy ra khi tăng huyết áp phát triển sau 20 tuần của thai kỳ, liên quan đến các dấu hiệu tổn thương các hệ thống cơ quan khác, bao gồm thận, gan, máu hoặc não... Nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong, cho cả mẹ và con.

Các biến chứng có thể bao gồm sản giật, trong đó các cơn co giật phát triển.

photo-1660277150037

Tăng huyết áp thai kỳ cần được phát hiện sớm để có phương pháp xử trí kịp thời.

2. Tăng huyết áp khi mang thai nguy hiểm thế nào?

Tăng huyết áp khi mang thai gây ra những nguy cơ sau:

  • Lượng máu đến nhau thai ít hơn.
  • Nhau bong non.
  • Hạn chế tăng trưởng trong tử cung.
  • Tổn thương não, mắt, tim, phổi, thận, gan và các cơ quan khác. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Sinh non.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này.

3. Các thuốc trị tăng huyết áp khi mang thai

3.1. Các thuốc không nên dùng khi tăng huyết áp thai kỳ

Phụ nữ bị tăng huyết áp khi mang thai không nên điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II hoặc thuốc ức chế renin trực tiếp.

Thuốc ức chế men chuyển (ACEI)

Các thuốc bao gồm captopril, cilazapril, enalapril maleate, lisinopril, perindopril arginine, imidapril hydrochloride, quinapril, ramipril...

Thuốc ACEI là lựa chọn đầu tay trong điều trị tăng huyết áp nguyên phát cũng như có kèm theo các bệnh lý khác như bệnh thận mạn, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim, đột quỵ.

Sử dụng thuốc trong 6 tháng cuối thai kì có thể gây ra một số tác dụng trên thai nhi: Tổn thương thận; chậm phát triển thai nhi; còn ống động mạch (động mạch máu vẫn mở sau khi sinh); thiếu ối (gây kém phát triển xương sọ, phổi, bàng quang; biến dạng xương sọ và xương chân; khuôn mặt "dẹt" do thiếu nước ối làm đệm cho thai nhi).

photo-1660277153245

Việc sử dụng thuốc khi tăng huyết áp thai kỳ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB):

Các thuốc bao gồm candesartan, irbesartan, losartan, telmisartan, valsartan...

Thuốc có thể sử dụng được ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc nhồi máu cơ tim với phân số tống máu thất trái dưới 0,40 (40%) không dung nạp được thuốc ức chế men chuyển. Uống thuốc ARB trong 6 tháng cuối thai kì (đặc biệt từ khoảng tuần thứ 20 của thai kì) có thể gây ra các vấn đề tương tự như khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển. Ngoài ra còn có thể gặp khớp bị co cứng.

Thuốc ức chế renin trực tiếp:

Các thuốc bao gồm aliskiren, tekturna, rasilez. Đây là nhóm thuốc hạ huyết áp mới, được chỉ định trong bệnh tăng huyết áp nguyên phát, là lựa chọn mới điều trị khả thi.

Sử dụng thuốc trong 6 tháng cuối thai kì có thể dẫn đến giảm chức năng thận của thai nhi dẫn đến vô niệu và suy thận, thiểu ối, giảm sản phổi thai nhi và biến dạng xương bao gồm giảm sản hộp sọ, hạ huyết áp và thai lưu.

3.2. Các thuốc nên dùng

Phụ nữ bị tăng huyết áp có thai hoặc dự định có thai nên chuyển sang dùng methyldopa, nifedipine và/hoặc labetalol trong thời kỳ mang thai.

Methyldopa có thể ngăn ngừa các biến chứng do tăng huyết áp trong thai kỳ và tình trạng tiền sản giật. Sử dụng methyldopa trong thai kỳ là phổ biến và ít có khả năng gây hại. Hầu hết phụ nữ mang thai dùng methyldopa sẽ bắt đầu điều trị sau 3 tháng đầu thai kì khi thai nhi đã phát triển đầy đủ. Do đó, điều này không gây ra dị tật bẩm sinh.

Nifedipin: là thuốc thuộc nhóm chẹn kênh calci với nhiều thông tin dữ liệu nhất nên thường được sử dụng trong thai kì. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy thuốc chẹn kênh calci khác có hại khi sử dụng trong thai kì.

Aspirin liều thấp hàng ngày thường được khuyến cáo để giảm nguy cơ tiền sản giật ở những người có nguy cơ cao. Các nghiên cứu đã phát hiện ra aspirin an toàn trong thai kì, bắt đầu ở giai đoạn sau 3 tháng đầu thai kì.

4. Những lưu ý để giảm nguy cơ biến chứng trong thai kỳ?

  • Thăm khám định kì trong suốt thai kỳ.
  • Uống thuốc đúng theo quy định. Không ngừng dùng hoặc tự ý thay đổi liều lượng.
  • Duy trì các hoạt động thể chất theo sự tư vấn của chuyên gia và bác sĩ.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tránh hút thuốc, rượu và các chất kích thích. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc không kê đơn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cảnh báo cà chua xanh có thể gây ngộ độc.

DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn