Các thuốc trị sốt rét

14-05-2024 06:35 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Sốt rét là một bệnh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Việc dùng thuốc điều trị sớm, đúng cách giúp hạn chế bệnh lây lan, tái phát, giảm biến chứng nguy hiểm…

1. Các thuốc thường dùng trong điều trị sốt rét

Các thuốc điều trị sốt rét được chỉ định sử dụng tùy từng loại ký sinh trùng gây bệnh, vùng bị nhiễm bệnh, tình trạng kháng thuốc.

Các thuốc thường được dùng là:

1.1. Nhóm alkaloid của cây canh - ki - na

Gồm các thuốc quinin, quinidin...

Tác dụng: Các thuốc nhóm này có tác dụng tiêu diệt thể phân liệt và giao bào trong hồng cầu. Thuốc thường được sử dụng qua đường tĩnh mạch, điều trị bệnh sốt rét do P.falciparum gây ra ở những vùng đa kháng thuốc.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ù tai, giảm thính lực tạm thời, nhức đầu, buồn nôn, mờ mắt hoặc rối loạn màu sắc.

Lưu ý: Quinin độc, tác dụng kém hơn cloroquin trong phòng và điều trị sốt rét nhưng có giá trị đặc biệt để điều trị sốt rét nặng và sốt rét ác tính do P. falciparum kháng cloroquin hoặc do các chủng đa kháng gây ra. Nên uống thuốc quinin trong bữa ăn để giảm kích ứng đường tiêu hoá. Trong trường hợp nôn, nên dùng đường tiêm.

Các thuốc trị sốt rét- Ảnh 1.

Muỗi Anophen cái làm lây truyền ký sinh trùng gây bệnh sốt rét từ người bệnh sang người lành.

1.2. Nhóm quinolin methanol

Gồm các thuốc mefloquin, halofantrin, lumefantrin...

Tác dụng: Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt thể phân liệt trong máu của những loại ký sinh trùng sốt rét; được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị sốt rét.

Tác dụng phụ: Thường gặp chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, mất ngủ, rối loạn thăng bằng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng.

1.3. Nhóm dẫn chất 4 aminoquinolin

Gồm các thuốc cloroquin, hydroxycloroquin...

Tác dụng: Nhóm thuốc này được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị sốt rét, có tác dụng tiêu diệt thể phân liệt trong hồng cầu của những loại ký sinh trùng sốt rét. Cloroquin thuộc nhóm 4-aminoquinolin, được dùng rộng rãi trong điều trị và dự phòng sốt rét.

Tác dụng phụ: Thường gặp là đau đầu, ban da, ngứa, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy).

Lưu ý: Thận trọng khi dùng cloroquin với người mắc bệnh gan, thận, bệnh đường tiêu hóa, giảm thính lực, nghiện rượu, bệnh vảy nến, rối loạn chuyển hóa porphyrin, tiền sử động kinh, hoặc khi kết hợp với các thuốc có độc tính trên gan.

Cloroquin có thể gây độc với tim, cần truyền chậm khi tiêm truyền tĩnh mạch. Nếu người bệnh dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng liều cao, cần theo dõi công thức máu, kiểm tra mắt và thính giác.

Nhận biết dấu hiệu bệnh sốt rét sớm để được điều trị càng sớm càng tốt, ngay sau khi các triệu chứng bệnh xuất hiện (trẻ em trong vòng 12 giờ, người lớn trong vòng 24 giờ).

1.4. Nhóm dẫn chất 8 aminoquinolin

Gồm các thuốc primaquin, tafenoquin...

Tác dụng: Nhóm thuốc này được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị sốt rét, có tác dụng tiêu diệt thể phân liệt trong gan của những loại ký sinh trùng sốt rét. Primaquine được dùng sau khi đã tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu bằng thuốc khác như chloroquine.

Tác dụng phụ: Cũng như các thuốc khác, primaquine có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trong khi sử dụng, thường gặp như: Chóng mặt, buồn nôn, đau vùng thượng vị hoặc đau quặn bụng, khó chịu ở dạ dày.

1.5. Nhóm thuốc kháng sinh

Gồm các thuốc kháng sinh tetracyclin, doxycyclin, clindamycin...

Tác dụng: Các thuốc kháng sinh này có tác dụng tiêu diệt thể phân liệt của những loại ký sinh trùng sốt rét, thường được kết hợp với các loại thuốc khác trong điều trị sốt rét.

Tác dụng phụ: Các thuốc này có thể gây một số khó chịu tại dạ dày, nổi mày đay, khó thở, hạ đường huyết…

1.6. Nhóm thuốc antifolates

Gồm các thuốc pyrimethamin, proguanil, sulfadoxin...

Tác dụng: Các thuốc này có tác dụng ức chế tổng hợp acid folic, là nguyên liệu cần thiết để tổng hợp acid nucleic (ADN hay ARN) cần thiết cho sự phát triển của các ký sinh trùng sốt rét. Thuốc tiêu diệt thể phân liệt trong máu của những loại ký sinh trùng sốt rét, dùng trong phòng ngừa và điều trị bệnh.

Tác dụng phụ: Có thể gặp một số tác dụng phụ như thiếu máu, nhức đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phát ban…

Lưu ý: Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh nhân suy gan, thận, bệnh nhân đang thiếu acid folic

Các thuốc trị sốt rét- Ảnh 2.

Người bệnh cần đến khám ngay khi có các dấu hiệu của bệnh sốt rét để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

1.7. Nhóm thuốc artemisinin

Gồm các thuốc artesunat, artemether, arteether...

Tác dụng: Đây là những hoạt chất được chiết xuất từ cây Thanh hao hoa vàng, có tác dụng tiêu diệt thể phân liệt trong máu của những loại ký sinh trùng sốt rét.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa nhẹ, chóng mặt, ù tai, giảm bạch cầu trung tính, Hội chứng QT kéo dài…

Lưu ý: Thận trọng dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, nên trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang dùng.

2. Lưu ý khi điều trị bệnh sốt rét

- Điều trị sớm: Nhận biết dấu hiệu bệnh sớm để được điều trị càng sớm càng tốt, ngay sau khi các triệu chứng bệnh xuất hiện (trẻ em trong vòng 12 giờ, người lớn trong vòng 24 giờ).

- Điều trị đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian (theo đúng phác đồ). Phải đảm bảo người bệnh uống được và uống đủ liều thuốc cần thiết.

- Điều trị chống lây lan và điều trị chống tái phát.

- Theo dõi chặt chẽ kết quả điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời và thích hợp.

- Để tránh các tác dụng phụ nguy hiểm, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc. Không được tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Sốt rét: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trịSốt rét: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Sốt rét có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi Anopheles đốt, đây cũng là trường hợp thường gặp nhất. Ngoài ra, sốt rét có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai, do nguồn máu được truyền có chứa ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét, sử dụng chung bơm kim tiêm có chứa ký sinh trùng sốt rét.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tăng cường phòng chống bệnh sốt rét.


BS. Đặng Xuân Thắng
Ý kiến của bạn