Hà Nội

Các thuốc trị sán lá gan

PGS. TS. Trịnh Thị Ngọc

PGS. TS. Trịnh Thị Ngọc

06-05-2024 07:15 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Khi bị bệnh, tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc trị sán lá gan phù hợp. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng hoặc tự ý ngưng hay tăng, giảm liều khiến bệnh không khỏi, gây khó khăn cho điều trị và ảnh hưởng tới sức khỏe…

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

1. Dùng thuốc trị sán lá gan như thế nào?

Sán lá gan gây bệnh cho người có hai loại là sán lá gan nhỏsán lá gan lớn. Nguyên tắc chung trong điều trị sán lá gan là cần điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu theo chỉ định của bác sĩ.

1.1. Sán lá gan nhỏ

Sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan. Người bị nhiễm bệnh do ăn cá nước ngọt còn sống như gỏi cá hoặc chưa được nấu chín kỹ có nang ấu trùng sán. Khi ấu trùng sán đến tá tràng, ấu trùng sẽ thoát nang và sau 15 giờ ấu trùng sán đi ngược lên đường dẫn mật hoặc đường dẫn tụy. Sau 1 tháng phát triển thành sán trưởng thành, chúng sẽ ký sinh ở đó và có thể sống trong cơ thể người từ 15 - 25 năm.

Thuốc điều trị bệnh sán lá gan nhỏ có nhiều loại khác nhau như: Chloroquine diphosphate, hexachloroparaxylol, bithionol, praziquantel… Thuốc được bác sĩ chỉ định tùy theo từng trường hợp.

Hiện nay, praziquantel là thuốc được các bác sĩ chỉ định điều trị bệnh sán lá gan nhỏ khá phổ biến. Nên uống thuốc sau bữa ăn, thường uống chia làm 3 lần mỗi ngày, cách nhau tối thiểu khoảng 4 - 6 giờ, nên uống viên thuốc với 1 ly nước đầy, không nên nhai hoặc ngậm viên thuốc vì có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó chịu dạ dày, sốt nhẹ, phát ban nhẹ… Khi phát hiện có dấu hiệu phát ban nặng, khó thở, sưng mặt và môi, lưỡi, họng... thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí.

Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em, người bị dị ứng, đang dùng các thuốc điều trị và mắc các bệnh lý khác…

Các thuốc trị sán lá gan- Ảnh 1.

Cần tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi sán lá gan cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu.

1.2. Sán lá gan lớn

Người có thể bị nhiễm bệnh do ăn phải các loại rau thủy sinh hoặc uống nước lã có nang ấu trùng sán, sau đó ấu trùng sán phát triển thành sán trưởng thành ký sinh ở gan. Tuổi thọ của sán lá gan lớn sống ở người khoảng từ 9 - 14 năm. Sán lá gan lớn chủ yếu ký sinh ở gan nhưng cũng có thể ký sinh ở các nơi khác như ở đường tiêu hóa, dưới da; ở tim, mạch máu phổi và màng phổi…

Khi bị nhiễm sán lá gan lớn, có thể gặp các biểu hiện như sốt, đau bụng, có triệu chứng viêm đường mật, viêm gan thể u và có liên quan đến tiền sử ăn sống các loại rau thủy sinh.

Thuốc điều trị sán lá gan lớn cũng có nhiều loại khác nhau như: Emetine, dehydroemetine, bithionol, hexachloroparaxylol, niclorofan, mebendazole, triclabendazole... Tùy theo mỗi loại thuốc số ngày dùng và cách dùng sẽ khác nhau. Ví dụ: emetine, dehydroemetine dùng trong 10 - 14 ngày; bithionol uống cách nhật trong 20 - 30 ngày và chia ra 3 đợt điều trị; hexachloroparaxylol uống trong 5 hoặc 7 ngày liên tục...

Triclabendazol hiện nay được sử dụng khá phổ biến để điều trị sán lá gan lớn cả thể cấp và mạn tính vì có tác dụng tốt, có hiệu quả cao và an toàn. Thuốc dùng bằng đường uống sau bữa ăn và nên nuốt viên thuốc cùng với nước uống đun sôi để nguội, không được nhai nát viên thuốc. Không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú, có tiền sử mẫn cảm với thuốc.

Thuốc có thể gây các tác dụng phụ như ra mồ hôi, sốt, đau bụng vùng thượng vị, chán ăn, tiêu chảy, nôn hoặc buồn nôn, vàng da, gây cơn đau quặn mật, chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, nổi mề đay...

Ngoài ra, có thể điều trị hỗ trợ thêm cho bệnh nhân bằng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm, thuốc hạ sốt, giảm đau...

2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị sán lá gan

Khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cần tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ bởi sán lá gan cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy bất kỳ một biểu hiện nào khác thường cần được tư vấn kịp thời của bác sĩ điều trị.

Để phòng bệnh sán lá gan, không ăn sống các loại rau thủy sinh và uống nước lã, không ăn gỏi cá, không ăn sống các loại cá nước ngọt hoặc chưa được nấu chín kỹ. Thực hiện giữ vệ sinh bằng cách rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với rác thải…

Mời bạn đọc xem thêm:

Người bệnh sán lá gan cần lưu ý gì trong tập luyện?Người bệnh sán lá gan cần lưu ý gì trong tập luyện?

SKĐS - Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích tích cực cho tất cả mọi người, bao gồm người bệnh sán lá gan. Tuy nhiên, cần lưu ý gì trong quá trình tập luyện để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe?


PGS. TS. Trịnh Thị Ngọc
Phó chủ tịch Hội gan mật Việt Nam
Ý kiến của bạn