Các thuốc trị mụn nhọt mùa hè

15-06-2022 14:32 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết nắng nóng vào mùa hè làm phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó, mụn nhọt là một vấn đề rất nhiều người mắc phải.

Mùa nóng, coi chừng bệnh ngoài daMùa nóng, coi chừng bệnh ngoài da

SKĐS - Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, vào mùa hè số lượng bệnh nhân khám các bệnh về da luôn cao hơn mức bình thường,

1. Vì sao mụn nhọt hay xảy ra vào mùa hè?

Mụn nhọt là một bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè. Đây là tình trạng viêm cấp tính vùng nang lông và các mô xung quanh do nhiễm trùng (thường là tụ cầu) gây ra, có thể tạo thành áp-xe dưới da. Mụn nhọt có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận ngoài da nào ở trên cơ thể con người. Nhọt chính là những vết sưng to, đỏ, có thể gây đau nhức khó chịu. Chính vì vậy, các vết mụn nhọt cần phải được quan tâm và chăm sóc thật kỹ lưỡng.

Ba nguyên nhân chính khiến mụn nhọt hình thành trong mùa hè:

- Do vi khuẩn: Nguyên nhân gây ra mụn nhọt thường là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Trong điều kiện bình thường, tụ cầu vàng sống ký sinh trên da, thường trong các nang lông ở nếp gấp như rãnh liên mông, rãnh mũi má hoặc các hốc tự nhiên (tai, mũi...). Khi nang lông bị tổn thương kết hợp với điều kiện thuận lợi như miễn dịch của vật chủ suy giảm, dinh dưỡng kém…vi khuẩn này sẽ phát triển và gây bệnh.

- Các tuyến bã nhờn hoạt động quá mức: Lỗ chân lông ở trên khắp bề mặt da, chúng hoạt động với nhiệm vụ chính là giúp cho làn da được thoáng khí. Nếu không vệ sinh làn da một cách kỹ càng thì các tế bào chết ở trên da cùng mồ hôi, bụi bẩn... sẽ khiến cho lỗ chân lông bị bít tắc. Từ đó mụn nhọt sẽ dễ xuất hiện hơn.

- Những sự biến đổi trong suốt quá trình sừng hóa các nang lông: Da bị viêm nang lông chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho mụn nhọt xuất hiện.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng viêm nang lông xuất hiện là do mặc quần áo với chất liệu vải quá thô cứng, khiến chúng cọ xát vào da thường xuyên và tác động không tốt đến các nang lông.

photo-1655214525023

Mụn nhọt khiến người bệnh đau đớn, khó chịu…

2. Điều trị mụn nhọt như thế nào?

Đây là bệnh lý lành tính nên có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, mụn nhọt có thể trở nên trầm trọng và gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, mọi người nên nhận biết những dấu hiệu xấu và nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu cảnh báo thường là mụn nhọt chưa khỏi hoặc tiến triển nặng (đau nhức dữ dội, kích thước lớn nhanh, da xung quanh chuyển sang màu đỏ tươi hoặc vệt đỏ dài hơn) hơn sau một tuần điều trị tại nhà, nhọt tái phát liên tục hoặc nhọt nổi nhiều hơn khắp người và người bị nhọt có bệnh nền đái tháo đường và suy giảm miễn dịch.

2.1. Điều trị mụn nhọt không dùng thuốc

- Khi mụn, nhọt mưng mủ, nên lau sạch và vệ sinh bằng chất khử trùng như betadine rồi dùng gạc vô trùng băng lại. Vệ sinh sạch sẽ và tránh không để dính sang những bộ phận khác của cơ thể. Để ngăn chặn tình trạng lây lan của mụn nhọt, cần thay băng thường xuyên và bỏ vào thùng rác ngay sau khi dùng xong.

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào mụn nhọt, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ ra. Cho người bệnh dùng khăn lau mặt riêng, đồng thời thường xuyên giặt khăn lau mặt, khăn tắm ở nhiệt độ cao. Nếu tình trạng mụn nhọt không có dấu hiệu cải thiện trong vòng 2 tuần, nên đi khám tại cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp.

- Chườm nóng - nhiệt độ giúp tăng lưu thông máu tại chỗ tạo điều kiện cho nhiều tế bào bạch cầu và kháng thể đến khu vực đó để chống lại nhiễm trùng. Đắp một miếng gạc ấm lên vùng da bị nhọt trong vòng 15-20 phút mỗi lần, 3 đến 4 lần/ngày cho đến khi hết nhọt.

Lưu ý, khi bị mụn nhọt không nên tự ý chữa bệnh bằng cách đắp lá theo kinh nghiệm truyền miệng, vì như vậy có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm.

2.2. Điều trị dùng thuốc

Thuốc kháng sinh tại chỗ 

Thuốc kháng sinh có thể dùng một trong các thuốc như: Mupirocin 2%, mỡ neomycin, acid fusidic 2%...

- Mupirocin là một loại kháng sinh có tác dụng đối với các loại nhiễm trùng ngoài da như mụn nhọt. Mỗi đợt điều trị không quá 7 ngày để giảm sự đề kháng thuốc. Tuy nhiên, nếu sau điều trị 3-5 ngày mà tình trạng bệnh tồi tệ hơn hoặc không cải thiện, cần đến ngay bác sĩ. Lúc này có thể cân nhắc thay thuốc khác như kem neomycin và clorhexidin. 

Tác dụng phụ hiếm gặp: Cảm giác nóng rát, buốt, phù nề, ngứa, ban đỏ ở vị trí bôi thuốc; hoặc bị khô da, thay đổi vị giác, viêm mô tế bào, viêm da tiếp xúc.

photo-1655214530260

Dùng thuốc bôi trị mụn nhọt cũng cần có chỉ định của thầy thuốc.

- Neomycin dạng mỡ bôi được chỉ định dùng tại chỗ trị mụn nhọt. Khi sử dụng cần tránh bôi thuốc lên vùng da rộng hoặc da bị nứt nẻ (nguy cơ hấp thu toàn thân nhiều) và dùng lâu gây phát triển vi khuẩn kháng thuốc. Đồng thời, tránh dùng thuốc kéo dài vì có thể gây chóng mặt, rung giật nhãn cầu và điếc, ngay cả sau khi đã ngừng thuốc. Ngoài ra, khi dùng neomycin bôi ngoài da có thể gặp một số tác dụng phụ: Ngứa, viêm da, sốt, phản vệ, mẫn cảm với thuốc...

-Acid fusidic được chỉ định để điều trị nhiễm khuẩn da do nhiễm virus hay tụ cầu, liên cầu khuẩn và các vi sinh vật khác nhạy cảm với acid fusidic. Sử dụng acid fusidic dạng kem hoặc dạng thuốc mỡ natri fusidate có tác dụng làm sạch nhiễm trùng trên bề mặt da nhanh chóng, đặc biệt là các vùng nhiễm trùng nhỏ. 

Axit fusidic tương tác với paracetamol liều cao hoặc trường diễn sẽ gây độc với gan. Khi sử dụng thuốc kèm với các thuốc đái tháo đường dùng đường uống hoặc insulin có thể làm tăng nồng độ đường trong máu.

 Dùng kháng sinh tại chỗ cần giới hạn thời gian điều trị vì có thể tạo chủng vi khuẩn kháng thuốc và gây bội nhiễm những vi khuẩn không nhạy cảm. Lưu ý, không hút thuốc hay đến gần ngọn lửa vì có nguy cơ bị bỏng. Vải (quần áo, bộ đồ giường, băng gạc…) tiếp xúc với sản phẩm này dễ bị cháy hơn và là một nguy cơ hỏa hoạn nghiêm trọng.

Thuốc kháng sinh toàn thân:

Trong trường hợp mụn nhọt nặng, nhiều và có nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn lan rộng, cần sử dụng kháng sinh toàn thân. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh và liều lượng dùng phù hợp. 

3. Phòng ngừa mụn nhọt

Để phòng tránh mụn nhọt, cần:

- Cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Thay đổi chế độ ăn của mình: Ăn nhiều rau, trái cây có nhiều vitamin C, E (cam, bưởi, bơ...), hạn chế ăn chất nóng như vải, sầu riêng, chôm chôm... Ăn ít đồ ăn có chứa nhiều mỡ, đường, cay, nóng.

- Không ăn đồ ăn có chứa chất bảo quản, phẩm màu, đồ uống có chứa nhiều gas, chất phụ gia tạo mầu, tạo mùi và uống nhiều nước.

- Hạn chế bia rượu, thuốc lá.

- Tránh tức giận, căng thẳng.

- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý không thức khuya, tập thể dục vừa sức để nâng cao đề kháng...

- Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc khi đã được sự tư vấn của bác sĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C.

BS. Đặng Xuân Thắng
Trường đại học y dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Ý kiến của bạn