1. Nguyên nhân gây khô mắt
Khô mắt gây các triệu chứng rất khó chịu: Mỏi mắt, rát mắt, mờ mắt… làm giảm hiệu quả làm việc. Nếu bệnh không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây ảnh hưởng thị lực vĩnh viễn.
Khô mắt là hậu quả của mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt bao gồm: Số lượng nước mắt tiết không đủ; chất lượng nước mắt không tốt; do dùng một số thuốc gây khô mắt (kháng histamine, thuốc chống viêm, thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp…); do bệnh lý toàn thân hoặc tại mắt gây khô mắt (viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, viêm nhiễm mi mắt, nhãn cầu…)
Các nguyên nhân rất thường gặp đó là yếu tố môi trường (tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, môi trường hanh khô nhiều gió, làm việc quá nhiều với máy tính)… cũng góp phần gây khô mắt.
Các phẫu thuật lasik, phẫu thuật phaco... cũng có thể là nguyên nhân làm khô mắt tiến triển…
2. Bệnh khô mắt có nguy hiểm không?
Khi bắt đầu bị khô mắt, đa số bệnh nhân rất chủ quan cho rằng khô mắt chỉ là một triệu chứng khó chịu tạm thời ở mắt, chỉ cần nhỏ một vài loại thuốc chống khô mắt (như nước mắt nhân tạo) là đủ. Tuy nhiên thực tế là nếu khô mắt để lâu ngày không điều trị khiến mắt dễ bị nhiễm khuẩn gây viêm và có thể gây sẹo bề mặt giác mạc, làm giảm thị lực, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.
3. Điều trị khô mắt
Khô mắt là một hội chứng mạn tính nên không điều trị khỏi được hoàn toàn mà chỉ can thiệp vào các triệu chứng. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây khô mắt và chỉ định dùng thuốc để giúp các triệu chứng giảm và duy trì thị lực tốt nhất cho bệnh nhân.
Các phương pháp để điều trị khô mắt bao gồm:
- Bổ sung nước mắt nhân tạo
- Duy trì phim nước mắt trên bề mặt nhãn cầu,
- Làm tăng tiết nước mắt
- Điều trị viêm của mi mắt cũng như bề mặt nhãn cầu.
3.1. Khi nào bổ sung nước mắt nhân tạo?
Phương pháp này sử dụng với trường hợp khô mắt nhẹ, bệnh nhân có thể tra nước mắt nhân tạo hằng ngày và có thể sử dụng thường xuyên được.
Lưu ý nên chọn sản phẩm nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản. Bởi việc sử dụng nước mắt nhân tạo hằng ngày lâu dài mà có chứa chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt.
Những trường hợp khô mắt vừa và nặng, chỉ sử dụng nước mắt nhân tạo là không đủ mà cần có các phương pháp khác bổ sung.
3.2. Duy trì phim nước mắt
Đây là phương pháp làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô mắt bằng cách giữ nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt.
Bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp để ngăn không cho nước mắt chảy qua đường lệ bằng cách chặn các điểm lệ bằng nút silicon hoặc phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn.
3.3. Làm tăng tiết nước mắt
Tùy tình hình khô mắt, bác sĩ nhãn khoa có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt. Ví dụ như omega 3 tự nhiên.
3.4. Điều trị viêm mi mắt và bề mặt nhãn cầu
Trường hợp khô mắt do viêm mi mắt và bề mặt nhãn cầu, bệnh nhân được chỉ định sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt.
Ngoài ra, các phương pháp như chườm ấm, massage mi mắt, rửa sạch mi mắt cũng sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm quanh mắt, từ đó làm giảm triệu chứng khô mắt.
Các bước làm giảm triệu chứng khô mắt tự nhiên
- Uống đủ nước mỗi ngày (8-10 cốc nước lọc)
- Khi phải làm việc với máy tính hoặc đọc sách trong thời gian dài, tránh quá tập trung mà quên chớp mắt. Hãy ghi nhớ chớp mắt thường xuyên và để mắt nghỉ ngơi sau mỗi 20 phút tập trung với máy tính. Khi để mắt làm việc quá sức trên máy tính, sẽ khiến mắt khô và mắt phải điều tiết nhiều, gây nên cảm giác mệt mỏi cho mắt, không nên thức khuya để làm việc với máy tính.
- Tránh các tác động trực tiếp gây kích thích mắt, cọ xát vào mắt như dụi mắt.
- Không nên lạm dụng điều hòa, vì sử dụng điều hòa nhiều cũng gây khô mắt. Không để hướng điều hòa, quạt, gió thổi trực tiếp vào mặt, mắt…
- Tạo điều kiện cho đôi mắt được thư giãn khi nhìn vào không gian sạch, nhiều cây xanh, không khí trong lành cũng là cách chống khô mắt hiệu quả.
- Đeo kính mắt khi để bảo vệ mắt tránh tác động của nắng, gió, khói bụi, môi trường ô nhiễm.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C , E, kẽm, axit folic có lợi cho mắt (cà chua, cà rốt, đu đủ, nho, gấc, cá hồi, gà tây, cam, đậu phộng...).
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh viêm gan bí ẩn: Các chuyên gia nhận định có thể liên quan đến SARS-CoV-2