1. Cách điều trị hắc lào
Hầu hết các thuốc điều trị bệnh hắc lào đều không cần kê đơn, bao gồm: Clotrimazole, miconazole, ketoconazol.
Tuy nhiên, tùy vào vị trí trên cơ thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà lựa chọn dạng thuốc và nồng độ thích hợp để điều trị.
- Hắc lào hay nhiễm trùng da do nấm là những bệnh nhẹ có thể được điều trị thành công bằng thuốc chống nấm tại chỗ, hoặc terbinafine đường uống (loại thuốc chống nấm đường uống hàng đầu dành cho bệnh nấm ngoài da, trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng).
- Hắc lào ở bàn chân và vùng háng (bẹn) thường có thể được điều trị bằng các loại kem, lotion hoặc bột chống nấm không kê đơn bôi lên da trong 2 đến 4 tuần.
- Hắc lào da đầu thường cần được điều trị bằng thuốc chống nấm theo toa uống trong 1 đến 3 tháng. Kem, lotion hoặc thuốc bột không có tác dụng điều trị. Thuốc chống nấm theo toa dùng để điều trị nấm da đầu bao gồm: Griseofulvin, terbinafine, itraconazol, fluconazol.
2.Các thuốc trị hắc lào
2.1.Clotrimazole
Tác dụng: Clotrimazole là loại thuốc chữa bệnh hắc lào bằng cách tiêu diệt nấm gây nhiễm trùng. Clotrimazole 1% ở dạng kem, thuốc mỡ hoặc chất lỏng. Thoa clotrimazole lên vết phát ban 2 lần mỗi ngày cho đến khi phát ban biến mất và sau đó thêm vài ngày nữa để chắc chắn rằng nấm đã được tiêu diệt hoàn toàn. Clotrimazole không có tác dụng trên da đầu hoặc móng tay.
Tác dụng phụ: Clotrimazole có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm phồng rộp, cảm giác châm chích hoặc nóng rát, sưng tấy, vết nứt trên da.
Lưu ý: Sau khi bôi thuốc, phải rửa tay thật sạch. Không quấn, che hoặc băng vùng bệnh trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Không bôi thuốc vào mắt, mũi, miệng hoặc âm đạo.
2.2. Miconazole
Tác dụng: Miconazole là một loại azole khác có tác dụng giống clotrimazole. Thuốc có sẵn dưới dạng kem, thuốc mỡ, chất lỏng và bột. Nồng độ miconazole 2% được khuyến nghị để điều trị bệnh hắc lào. Các nồng độ khác có sẵn cũng có thể điều trị các bệnh nhiễm nấm khác.
Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho tất cả các phương pháp điều trị bằng azole: Bôi miconazole 2 lần ngày cho đến khi phát ban biến mất, sau đó bôi thêm vài ngày nữa. Có thể mất từ 1 đến 3 tuần để tình trạng nhiễm trùng hết hẳn.
Một số tác dụng phụ của thuốc bao gồm: Phồng rộp, lột da, đỏ, kích thích, tiêu chảy hoặc buồn nôn.
2.3. Ketoconazol
Tác dụng: Ketoconazole 2% chỉ được bán theo đơn. Thuốc có sẵn dưới dạng kem, gel hoặc bọt. Không có bằng chứng nào cho thấy một trong những loại azole này hoạt động tốt hơn loại khác. Nhưng một ưu điểm của ketoconazole là chỉ phải bôi một lần mỗi ngày.
Lưu ý: Nên bôi ketoconazole cho đến khi vết phát ban biến mất hoàn toàn và sau đó bôi thêm vài ngày nữa. Clotrimazole, miconazole và ketoconazole là những thuốc chống nấm azole bôi tại chỗ dùng phổ biến nhất.
2.4. Itraconazol
Tác dụng: Itraconazol là thuốc uống dành cho những người bị bệnh hắc lào lan rộng hơn ở nhiều vị trí mà thuốc bôi không thấy đỡ. Dùng thuốc một lần mỗi ngày trong ít nhất là một tuần. Tuy nhiên, một số người cần tiếp tục dùng thuốc lâu hơn.
Tác dụng phụ: Khi dùng thuốc, có thể bị buồn nôn, nôn, khó tiêu, tiêu chảy hoặc đau đầu. Itraconazole có thể gây suy tim, vì vậy thuốc không phù hợp với những người bị đau tim, nhịp tim không đều, bệnh về phổi, gan hoặc thận...
Lưu ý: Thuốc không được sử dụng cho trẻ em, người già. Uống thuốc sau khi ăn no để đạt được sự hấp thụ tối đa. Nên uống cả viên thuốc, không được tán nhuyễn hoặc bẻ đôi trước khi uống.
2.5.Terbinafine
Tác dụng: Terbinafine là một loại thuốc khác gọi là allylamine. Thuốc tiêu diệt nấm ngoài da theo cách khác với azole. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, cả azole và allylamine đều có tác dụng chống nấm ngoài da tốt như nhau. Terbinafine 1% có sẵn ở dạng không kê toa và theo toa.
Thuốc ở dạng kem và dạng xịt: Thoa terbinafine lên vết phát ban 1 - 2 lần/ngày cho đến khi hết phát ban và sau đó thoa thêm vài ngày nữa để tránh tái phát. Có thể mất từ 1 đến 3 tuần.
Ở dạng viên uống: Dạng uống được sử dụng để điều trị cho những người bị hắc lào ở nhiều vị trí trên cơ thể. Uống terbinafine mỗi ngày một lần trong 1 đến 2 tuần.
Tác dụng phụ thường nhẹ và không kéo dài. Chúng có thể bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, khó tiêu và phát ban. Không dùng thuốc nếu bị bệnh gan hoặc bệnh lupus.
2.6.Griseofulvin
Tác dụng: Thuốc được chỉ định dùng trong điều trị hắc lào. Thuốc có tác dụng ức chế quá trình phân chia, lây lan của các tế bào nấm, cải thiện tình trạng bệnh: Giảm triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu trên da.
Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhẹ, nhức đầu và khó tiêu.
Lưu ý: Griseofulvin có thể gây dị tật bẩm sinh, vì vậy không dùng thuốc nếu đang mang thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú. Nam giới nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục tối đa 6 tháng sau khi ngừng điều trị. Thuốc cũng có thể khiến thuốc tránh thai không có tác dụng. Nếu đang sử dụng thuốc, nên dùng bao cao su hoặc một hình thức tránh thai khác, ngoài ra không nên lái xe hoặc uống rượu.
2.7.Fluconazol
Tác dụng: Thuốc dùng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng do nấm candida, trong đó có hắc lào. Thuốc có các dạng viên nang, hoặc dung dịch dùng qua đường uống. Ở dạng thuốc tiêm, thuốc chỉ dùng cho những người không dung nạp hoặc không thể uống thuốc. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc qua tĩnh mạch phải được thực hiện ở cơ sở y tế.
Tác dụng phụ: Có thể xảy ra của fluconazol bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, bệnh tiêu chảy, đau bụng. Hiếm khi người ta gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm khó thở hoặc khó nuốt.
Lưu ý: Tránh dùng thuốc cho các trường hợp quá mẫn với thành phần thuốc hoặc các hợp chất khác thuộc nhóm triazol. Thận trọng dùng điều trị cho bệnh nhân suy gan, thận, phụ nữ mang thai và cho con bú.
2.8. Ciclopirox
Tác dụng: Ciclopirox là thuốc có tác dụng kháng nấm tại chỗ. Thuốc chỉ dùng theo toa. Thuốc được biết đến nhiều nhất như một phương pháp điều trị nấm móng tay, nấm da, lang ben. Nhưng thuốc cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh hắc lào. Nó có sẵn dưới dạng kem, gel và chất lỏng. Thuốc được dùng 2 lần/ngày trong vòng 2 đến 3 tuần.
Tác dụng phụ: Sau khi bôi lên vùng da bị hắc lào có thể gây nóng rát nhẹ, nhói đau thoáng qua.
3. Lưu ý khi dùng thuốc
- Có thể xảy ra tình trạng nấm ngoài da kháng thuốc chống nấm rất khó điều trị. Cần đặc biệt lưu ý, các trường hợp nhiễm nấm ngoài da kháng thuốc ở những bệnh nhân có tổn thương nấm ngoài da lan rộng, đặc biệt khi các tổn thương không cải thiện bằng thuốc chống nấm tại chỗ hoặc terbinafine đường uống.
Việc điều trị nấm ngoài da kháng thuốc có thể cần các đợt điều trị kháng nấm kéo dài (hơn 3 tháng) bằng itraconazole hoặc các thuốc chống nấm toàn thân khác. Để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc, cần tuyên truyền cho bệnh nhân cách phòng ngừa sự lây lan của nấm ngoài da kháng thuốc. Bệnh nhân tuân thủ điều trị vì việc lạm dụng thuốc chống nấm có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ: Bôi thuốc 2 - 3 lần/ngày liên tục đến khi tổn thương lành hẳn và bôi thêm ít nhất 2 tuần nữa để tránh tái phát.
- Chỉ bôi lên vùng bị hắc lào, tránh để nấm lây lan sang dùng da khác trên cơ thể.
- Thông thường các phản ứng dị ứng sau khi bôi thuốc trị hắc lào là những phản ứng nhẹ. Sau khi ngừng thuốc, các phản ứng này sẽ hết.
- Trong thời gian dùng thuốc điều trị, nếu không cải thiện hoặc có bất kỳ triệu chứng nào bất thường (bệnh nặng hơn, bội nhiễm, xuất hiện mụn mủ, sưng đau…), cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Ngoài ra cần thực hiện:
- Bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.
- Giặt khăn tắm và ga trải giường thường xuyên.
- Giữ cho làn da sạch sẽ và rửa tay sau khi chạm vào động vật hoặc đất.
- Thường xuyên kiểm tra da nếu đã tiếp xúc với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
- Đưa thú cưng đến bác sĩ thú y nếu nghi ngờ chúng bị hắc lào (ví dụ nếu chúng bị mất một mảng lông). Không dùng chung khăn tắm, lược hoặc ga trải giường với người bị bệnh hắc lào.
- Đừng gãi vết phát ban vì có thể lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi nồm ẩm dễ mắc những bệnh nào về da?