Hà Nội

Các thuốc trị đau nửa đầu

BS. Nguyễn Huy Hoàng

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng

08-04-2024 07:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đau nửa đầu (hay còn gọi là đau đầu Migraine) là tình trạng đau một nửa bên đầu đột ngột và dữ dội. Đau giật từng cơn theo nhịp mạch có cường độ trung bình hoặc nặng.

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

Cơn đau nửa đầu có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên đầu hoặc luân chuyển lúc bên này lúc bên kia; có thể thay đổi cường độ từ đau nhẹ thoáng qua đến đau dữ dội và kéo dài từ nhiều giờ đến vài ba ngày.

Theo Hiệp hội Rối loạn đau nửa đầu Hoa Kỳ, những người mắc chứng đau nửa đầu có hệ thống thần kinh quá nhạy cảm, phản ứng thái quá với một số kích thích như căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, thiếu ngủ, mất nước hoặc một số thực phẩm, đồ uống… dẫn đến các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn.

Sau khi được chẩn đoán, đau nửa đầu cần được điều trị để kiểm soát mức độ và tần suất xuất hiện cơn đau. Dưới đây là các thuốc có thể dùng trong điều trị đau nửa đầu.

1. Các thuốc điều trị đau nửa đầu

1.1. Thuốc giảm đau không kê đơn

Các thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, aspirin, ibuprofen… có thể giúp giảm thiểu cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, vì việc dùng loại thuốc này quá thường xuyên (trên 15 ngày mỗi tháng) có thể gây phản tác dụng, dẫn đến đau đầu do lạm dụng thuốc.

Ngoài ra, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như kích ứng niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận… Vì vậy, chống chỉ định dùng thuốc với các trường hợp có bệnh lý về dạ dày (như chảy máu dạ dày, viêm loét dạ dày), người bệnh gan, thận…

Lưu ý: Không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi do nguy cơ làm gia tăng hội chứng Reye (là một dạng hiếm gặp của bệnh não cấp tính và gan nhiễm mỡ, hầu như chỉ xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi).

1.2. Thuốc kê đơn trị đau nửa đầu

- Triptan: Các thuốc nhóm triptans như sumatriptan, zolmitriptan, rizatriptan, naratriptan, almotriptan, eletriptan… Các thuốc này được dùng khi có cơn đau từ trung bình đến nặng. Triptan nên được giới hạn dưới 10 ngày sử dụng trong vòng một tháng để tránh lạm dụng thuốc.

Khuyến cáo không sử dụng thuốc ở bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, đau thắt ngực, mang thai. Ở những bệnh nhân này, với các nguy cơ tim mạch, thuốc thích hợp nhất là thuốc chủ vận thụ thể serotonin 1F chọn lọc không gây co mạch lasmiditan.

Cần theo dõi điều trị nếu bệnh nhân dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin-noradrenaline vì nguy cơ mắc hội chứng serotonin.

- Thuốc chống nôn: Metoclopramide, chlorpromazine, prochlorperazine được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ với NSAID hoặc triptan để giảm buồn nôn và nôn, đặc biệt là trong cấp cứu.

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như khô miệng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ, choáng váng… Trong đó, chóng mặt và choáng váng có thể làm tăng nguy cơ té ngã, đặc biệt ở người cao tuổi. Do đó hãy đứng dậy từ từ khi đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm.

1.3. Thuốc điều trị dự phòng ngăn ngừa cơn đau nửa đầu

Ngoài thuốc giảm đau, bác sĩ có thể kê thêm thuốc điều trị dự phòng cho những người bị chứng đau nửa đầu mạn tính để ngăn chặn cơn đau tái phát, lặp đi lặp lại.

- Thuốc chẹn beta: Lựa chọn đầu tiên trong số các loại thuốc dự phòng cho chứng đau nửa đầu là thuốc chẹn beta (ví dụ metoprolol và propranolol).

Thuốc chẹn beta ngăn chặn việc sản xuất angiotensin II, kiểm soát sự mở rộng và co thắt của các mạch máu, ảnh hưởng đến hóa chất serotonin, chặn chuyển động của cơn đau trong cơ thể. Vì thế, thuốc chẹn beta không chỉ giúp kiểm soát huyết áp cao mà còn có thể giảm đau và ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu.

Các tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra là suy nhược (mệt mỏi), huyết áp thấp, ác mộng và rối loạn tình dục. Thuốc chẹn beta không sử dụng cho bệnh nhân hen suyễn.

- Thuốc chống động kinh: Thuốc chống động kinh như topiramate hoặc valproate đã được chứng minh hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

Thuốc chống động kinh không sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Thuốc có các tác dụng phụ là tăng hoặc giảm cân, rụng tóc, đau quặn thận, viêm gan…

- Thuốc chống trầm cảm: Các thuốc này cũng thường được sử dụng như phương pháp điều trị có tác dụng kép có thể xảy ra đối với chứng trầm cảm thứ phát sau chứng đau nửa đầu và đau mạn tính. Phổ biến nhất là thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) và chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI).

Thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu một số hóa chất trong não bao gồm serotonin, norepinephrine hoặc cả hai. Đây là lý do mà thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu.

Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tác dụng phụ đáng chú ý bao gồm buồn ngủ, tăng cân, khô miệng, táo bón và hạ huyết áp.

- Kháng thể đơn dòng: Những kháng thể này bao gồm erenumab, galcanezumab, fremanezumab và eptinezumab ở dạng tiêm dưới da, là một loại thuốc trị đau nửa đầu mới. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm phản ứng tại chỗ tiêm, táo bón và chuột rút.

Các thuốc trị đau nửa đầu- Ảnh 1.

Người bệnh đau nửa đầu cần dùng đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.

1.4. Các chất bổ sung

- Magiê có vai trò quan trọng cho hơn 300 phản ứng enzym trong cơ thể con người. Do đó, nó là một khoáng chất đóng vai trò quyết định trong việc điều chỉnh nhiều chức năng như co cơ, huyết áp, chuyển hóa insulin.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị chứng đau nửa đầu thường có lượng magiê thấp. Sự thiếu hụt này tạo ra sự kích thích tế bào thần kinh sau synap. Do đó, magiê cũng được lựa chọn để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Mặc dù bổ sung magiê thường được dung nạp tốt, nhưng có thể gây rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.

Nếu bị tiêu chảy, nên bắt đầu với liều thấp. Khuyến cáo tốt nhất là nên dùng thuốc trong 3 đến 4 tháng. Hãy thông báo với bác sĩ nếu đang dùng magiê vì nó có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác. Đặc biệt, magiê có thể làm giảm huyết áp do đó có thể khuyếch đại tác dụng của các loại thuốc này. Magiê cũng có khả năng cản trở sự hấp thụ của thuốc kháng sinh.

- Riboflavin (còn gọi là vitamin B2) cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Vitamin B2 cải thiện quá trình chuyển hóa năng lượng và hình thành năng lượng có liên quan trực tiếp đến rối loạn chức năng ty lạp thể thường thấy ở những người mắc chứng đau nửa đầu. Các hướng dẫn lâm sàng cho rằng riboflavin (400mg một ngày) có thể có hiệu quả trong việc giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu.

- Co-enzyme Q10 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng tế bào trong cơ thể. Cho đến nay, các nghiên cứu đã chứng minh coenzyme Q10 có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các cơn đau nửa đầu. Các tác dụng phụ của việc sử dụng coenzyme Q10 rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra là rối loạn tiêu hóa, tức bụng hoặc chán ăn.

2. Lưu ý khi dùng thuốc

Do bệnh đau nửa đầu hay tái phát nên bệnh nhân có xu hướng lạm dụng thuốc, tự ý tăng liều. Đây là điều rất nguy hiểm, không những làm tăng tác dụng phụ của thuốc tăng mà việc điều trị lần sau sẽ khó hiệu quả hơn. Do đó người bệnh cần dùng đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ.

Với điều trị phòng ngừa có thể kéo dài hơn 3 tháng, bệnh nhân nên kiên trì dùng thuốc. Ngoài ra, các chất bổ sung vitamin không được quy định là thuốc và chất lượng khác nhau giữa các nhà sản xuất. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin, đặc biệt với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể nằm nghỉ trong phòng tối, yên lặng với đầu kê gối; đắp khăn lạnh bên nửa đầu bị đau; tránh khói thuốc lá và mùi hôi nồng nặc; thư giãn, ngủ nếu có thể; cũng có thể dùng kỹ thuật thiền, yoga…

Bệnh nhân cần tái khám đều đặn để bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh theo dõi trong thời gian dùng thuốc một cách cẩn thận, nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc do dùng thuốc không đúng cách, làm bệnh chuyển sang dạng nặng, và khó trị.

Mời bạn đọc tham khảo thêm:

Đau nửa đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhĐau nửa đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Đau nửa đầu (hay còn gọi là migraine) được xếp vào một trong những bệnh đặc biệt, xuất hiện thành đợt chiếm khoảng 10% dân số. Triệu chứng thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể trầm trọng.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đau nửa đầuCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đau nửa đầu

SKĐS - Đau nửa đầu tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng chứng bệnh này gây phiền toái đến sức khỏe cũng như đời sống của người mắc.


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng
Ý kiến của bạn