Hà Nội

Các thuốc trị đa u tủy xương

22-09-2024 17:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Đa u tủy xương là bệnh hiếm gặp và chưa có phương pháp chữa khỏi. Tuy nhiên có thể kiểm soát bệnh nếu được điều trị sớm, kịp thời và đúng cách.

Thuốc điều trị bệnh đa u tủy xươngThuốc điều trị bệnh đa u tủy xương

Đa u tủy xương hay bệnh Kahler do tăng sinh tương bào đơn dòng và rối loạn globulin miễn dịch. Là một bệnh máu ác tính thường có kèm tổn thương thận.

Đa u tủy xương là một loại ung thư máu hiếm gặp ảnh hưởng đến các tế bào plasma. Các tế bào plasma khỏe mạnh trở thành các tế bào bất thường, nhân lên và sản sinh ra các kháng thể bất thường. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến xương, thận và khả năng sản xuất các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu khỏe mạnh của cơ thể.

Không có cách chữa khỏi bệnh đa u tủy xương. Tuy nhiên, điều trị có thể giúp kiểm soát bệnh. Mỗi phương pháp có tác dụng khác nhau, nhưng mục tiêu chung là kiểm soát và tiêu diệt các tế bào đa u tủy.

Các thuốc trị đa u tủy xương- Ảnh 2.

Đa u tủy xương là một loại ung thư máu hiếm gặp ảnh hưởng đến các tế bào plasma.

1. Các thuốc điều trị bệnh đa u tủy xương

1. 1. Chất ức chế proteasome

Tác dụng: Đây là một nhóm quan trọng trong điều trị bệnh đa u tủy và được sử dụng ở mọi giai đoạn của bệnh. Các thuốc bao gồm velcade (bortezomib) tiêm dưới da, kyprolis (carfilzomib) tiêm tĩnh mạch và ninlaro (ixazomib) dùng đường uống.

Tác dụng phụ phổ biến của velcade là bệnh thần kinh ngoại biên: Đau, ngứa ran, nóng rát, tê, giảm cảm giác, run rẩy, vấp ngã hoặc loạng choạng khi đi bộ, nhạy cảm với nhiệt độ.

Kyprolis gây các phản ứng sau tiêm bao gồm sốt, ớn lạnh, đau nhức, đỏ bừng, sưng mặt, nôn, yếu, khó thở, huyết áp thấp, ngất xỉu, tức ngực và đau ngực. Kyprolis cũng có thể có tác dụng phụ về tim mạch, bao gồm suy tim sung huyết.

Ninlaro có thể gây tiêu chảy, táo bón, giảm tiểu cầu, buồn nôn, phù ngoại vi, nôn mửa, đau lưng…

1.2. Thuốc điều hòa miễn dịch

Tác dụng: Thuốc điều hòa miễn dịch là một nhóm thuốc điều trị tiêu chuẩn quan trọng được sử dụng để điều trị bệnh đa u tủy xương. Thuốc kích hoạt một số tế bào nhất định trong hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa sự phát triển và thậm chí tiêu diệt trực tiếp các tế bào u tủy.

Các thuốc bao gồm: Revlimid (lenalidomide), pomalyst (pomalidomide) và thalomid (thalidomide). Các thuốc này được dùng kết hợp với dexamethasone để điều trị tất cả các giai đoạn của bệnh. Dùng kết hợp thêm với thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Pomalyst mạnh hơn revlimid và thalomid. Thalomid là một loại thuốc cũ, ít được sử dụng hơn.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, khó ngủ, mệt mỏi, đau đầu, chảy máu mũi, đau khớp…

Các thuốc trị đa u tủy xương- Ảnh 3.

Có nhiều phương pháp điều trị đa u tủy xương.

1.3. Kháng thể đơn dòng

Tác dụng: Kháng thể đơn dòng hoạt động bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch, nhắm mục tiêu vào các tế bào u đa tủy. Các kháng thể được sử dụng phổ biến nhất là empliciti (elotuzumab), darzalex (daratumumab) và sarclisa (isatuximab).

Tác dụng phụ: Kháng thể đơn dòng có thể gây sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, nôn, phát ban…

Ngoài ra có thể dùng kháng thể bispecific, một loại liệu pháp miễn dịch dựa trên kháng thể khác. Hiện có ba liệu pháp kháng thể bispecific được FDA chấp thuận cho bệnh nhân u tủy xương, ở người đã được điều trị ít nhất bốn liệu pháp trước đó: Tecvayli (teclistamab), talvey (talquetamab) và elrexfio (elranatamab).

1.4. Liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm (CAR)

Tác dụng: Liệu pháp sử dụng tế bào bạch cầu của chính cơ thể người bệnh để chống lại bệnh u tủy.

Tác dụng phụ: Sốt cao, ớn lạnh, khó thở, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy…

1.5. Hóa trị truyền thống

Tác dụng: Hóa trị sử dụng thuốc tiêu diệt các tế bào đang trong quá trình phân chia, chuẩn bị cho việc ghép tế bào gốc tự thân, nhưng cũng có thể được sử dụng khi bị tái phát hoặc trở nên kháng thuốc với các phương pháp điều trị trước đó.

Có thể sử dụng doxil (liposomal doxorubicin), adriamycin (doxorubicin), alkeran, evomela (melphalan), cytoxan (cyclophosphamide), VP-16 (etoposide), platinol (cisplatin), treanda (bendamustine).

Tác dụng phụ: Việc dùng hóa chất có thể khiến người bệnh mệt mỏi, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc…

Không có cách chữa khỏi bệnh đa u tủy xương. Tuy nhiên, có nhiều phương án điều trị để kiểm soát bệnh hiệu quả.

1.6. Steroid

Tác dụng: Steroid là một loại thuốc quan trọng khác trong điều trị bệnh đa u tủy và được sử dụng ở mọi giai đoạn của bệnh. Ở liều cao, steroid có thể tiêu diệt các tế bào đa u tủy. Thuốc cũng có thể làm giảm viêm, giúp giảm đau... Ngoài ra, steroid được sử dụng để giảm buồn nôn và nôn do hóa trị và các hình thức điều trị khác. Hai thuốc thường được sử dụng là dexamethasone và prednisone.

Tác dụng phụ của steroid bao gồm lượng đường trong máu cao, tăng cân, khó ngủ và thay đổi tâm trạng. Theo thời gian, steroid có thể ức chế hệ thống miễn dịch và làm yếu xương. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi bệnh nhân ngừng dùng những loại thuốc này.

2. Cách xử trí các tác dụng phụ

Liệu pháp điều trị bệnh đa u tủy có thể gây ra các tác dụng phụ khác nhau ở mỗi người. Có thể xử trí những tác dụng phụ thường gặp bằng cách:

2.1. Táo bón

- Có thể dùng thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng để giúp giảm táo bón.

- Chế độ ăn nhiều chất xơ với nhiều trái cây, rau, đậu lăng, ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc cám.

- Uống nhiều nước là điều quan trọng và đồ uống nóng như cà phê hoặc trà có thể giúp kích thích nhu động ruột.

- Nên tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ hoặc bơi lội.

2.2. Tiêu chảy

Nếu bị tiêu chảy nghiêm trọng (hơn 6 lần đi ngoài phân lỏng mỗi ngày trong hai ngày):

- Có thể dùng thuốc chống tiêu chảy hoặc dùng thuốc bổ sung chất xơ.

- Uống nhiều nước khi bị tiêu chảy và tránh cà phê, rượu.

- Nên ăn các bữa ăn nhỏ, nhẹ nhàng trong suốt cả ngày.

2.3. Buồn nôn và nôn

Những người mắc bệnh đa u tủy thường bị buồn nôn do chính căn bệnh này hoặc do một số phương pháp điều trị.

- Có thể dùng thuốc chống nôn: Tùy thuộc vào phương pháp điều trị bệnh đa u tủy, có thể dùng thuốc chống nôn để ngăn ngừa buồn nôn và nôn trước liệu pháp.

- Uống nhiều nước và ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày cũng có thể giúp kiểm soát tình trạng buồn nôn và nôn.

Các thuốc trị đa u tủy xương- Ảnh 4.

Cần tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

2.4. Giảm số lượng tế bào máu

Số lượng tế bào máu giảm có thể do bệnh đa u tủy và nhiều liệu pháp điều trị bệnh đa u tủy gây ra. Do đó cần:

- Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt là điều quan trọng để giúp số lượng tế bào máu duy trì ở mức bình thường.

- Có thể dùng các yếu tố tăng trưởng như erythropoietin để kích thích sản xuất hồng cầu và/hoặc các yếu tố kích thích khuẩn lạc như G-CSF hoặc GM-CSF để kích thích sản xuất bạch cầu.

2.5. Nhiễm trùng

Bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy xương thường có nguy cơ nhiễm trùng cao, nhưng nhiều phương pháp điều trị bệnh đa u tủy cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nguyên nhân là do tác động của chúng lên số lượng tế bào máu, cụ thể là tế bào bạch cầu, giúp chống lại nhiễm trùng.

2.6. Hội chứng giải phóng cytokine

Hội chứng giải phóng cytokine là một tác dụng phụ phổ biến và nghiêm trọng, gây sốt, ớn lạnh và huyết áp thấp. Để xử trí có thể dùng thuốc giảm viêm, hoặc phương pháp điều trị khác tùy thuộc vào các triệu chứng.

2.7. Độc tính thần kinh

Độc tính thần kinh là một biến chứng nghiêm trọng khác có thể xảy ra. Hầu hết bệnh nhân đều gặp các triệu chứng nhẹ như lú lẫn, nghiêm trọng hơn là mê sảng hoặc co giật.

3. Lưu ý khi dùng thuốc trị đa u tủy xương

Để điều trị an toàn, hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ:

- Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Không tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc ngừng dùng thuốc có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị thậm chí có thể làm cho bệnh nặng lên, khó điều trị hơn gây tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. 

- Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào cần báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Quyết định mang tính thách thức trong điều trị ung thư xương _ SKĐS



DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn