1. Các thuốc trị viêm họng
1.1. Thuốc kháng sinh trị viêm họng do vi khuẩn
Các loại kháng sinh thường dùng để điều trị viêm họng bao gồm:
- Thuốc kháng sinh nhóm Beta-lactam: Penicillin, amoxicillin, cephalexin, ceftriaxon…
- Thuốc kháng sinh nhóm Macrolid: Clarithromycin, azithromycin, erythromycin…
- Tác dụng: Thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Thuốc được chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi…
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như mẩn ngứa, nổi mề đay, tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói… Ngoài ra, việc sử dụng thuốc dài ngày hoặc liều cao có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, ví dụ như giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng gan…
- Chống chỉ định:
- Người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc
- Người gặp các vấn đề về gan, thận như suy gan, suy thận
- Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ sơ sinh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng...
Hầu hết các trường hợp viêm họng đáp ứng nhanh với liệu pháp kháng sinh.
1.2. Thuốc hạ sốt, giảm đau
- Tác dụng: Paracetamol, ibuprofen, aspirin… là các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không kê đơn khá phổ biến. Thuốc có tác dụng cải thiện tình trạng đau từ nhẹ đến trung bình, do đó thuốc thường được sử dụng để điều trị những triệu chứng đi kèm do bệnh viêm họng gây ra như đau rát cổ họng, đau cơ, sốt, đau đầu…
- Tác dụng phụ: Trong trường hợp sử dụng đúng liều và điều trị ngắn ngày, thuốc gần như không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc giảm đau không đúng cách có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.
- Dùng paracetamol quá liều gây tổn thương trên gan thận, dẫn đến suy gan, suy thận, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
- Ngoài ra, thuốc aspirin có thể gây ra một số phản ứng nghiêm trọng như khó thở, tổn thương niêm mạc dạ dày (xuất huyết dạ dày, loét)…
- Chống chỉ định:
+ Người mẫn cảm với thành phần của thuốc.
+ Với aspirin không dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên, bệnh nhân có tiền sử hen do sử dụng salicylat, phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ đang cho con bú, bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng, có bệnh liên quan đến các yếu tố đông máu, suy gan, suy thận…
+ Với paracetamol không dùng cho người say rượu, suy gan…
Khi sử dụng thuốc, cần thận trọng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Lưu ý liều lượng, đặc biệt là đối với trẻ em.
1.3. Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
- Tác dụng: Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như diclofenac, ibuprofen… được sử dụng phổ biến trong trường hợp viêm họng có kèm theo sốt và đau nhức nhẹ. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế quá trình sản sinh các chất gây viêm trong cơ thể, giúp giảm đau, giảm sưng và sốt.
- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây các tác dụng phụ như ù tai, nhìn mờ, phát ban da, ngứa da, nhức đầu, chóng mặt, căng thẳng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, dạ dày khó chịu…
- Chống chỉ định: Đối với các bệnh nhân mắc các vấn đề như bệnh lý chảy máu không được kiểm soát, tiền sử dị ứng, mẫn cảm với thuốc, loét dạ dày tá tràng đang tiến triển...
Trước khi sử dụng thuốc, cần đọc kỹ hướng dẫn và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tránh lạm dụng, sử dụng thuốc trong thời gian dài ngày. Cần thông báo cho bác sĩ các thuốc đang sử dụng (nếu có) để tránh nguy cơ tương tác thuốc bất lợi.
1.4. Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid
Thuốc kháng viêm corticosteroid được sử dụng trong trường hợp viêm họng chuyển sang mức độ nặng hoặc viêm họng mạn. Các thuốc thường dùng như: Dexamethason, betamethason, prednisolone…
- Tác dụng: Corticoid hay corticosteroid là một loại thuốc giảm viêm. Tùy mức độ nghiêm trọng của viêm họng, một số đơn thuốc có chỉ định thêm corticosteroid với mục đích giảm đau nhanh và mạnh hơn, giảm các triệu chứng đau, sưng rát họng....
- Tác dụng phụ:
Corticoid khi sử dụng liều cao, hoặc sử dụng kéo dài sẽ gây ra những tác dụng phụ nặng nề như:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Loãng xương.
- Loét dạ dày tá tràng.
- Teo da, chậm lành vết thương.
- Rậm lông, phù giữ nước.
- Tăng nhãn áp.
- Hội chứng Cushing (lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng, chân tay teo nhỏ, mặt tròn như mặt trăng).
- Teo tuyến thượng thận.
- Chống chỉ định: Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, sử dụng đồng thời vaccine sống hoặc vaccine sống giảm độc lực (khi sử dụng liều ức chế miễn dịch), nhiễm nấm toàn thân, loãng xương, tăng đường huyết không kiểm soát trong đái tháo đường, tăng nhãn áp, nhiễm trùng khớp,
Khi sử dụng kháng viêm corticosteroid, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng thuốc. Thuốc có tác dụng nhanh nhưng cũng có nguy cơ gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là khi sử dụng liều cao hoặc kéo dài.
1.5. Thuốc long đờm
Thường dùng các thuốc N-acetylcystein, carbocystein ambroxol, bromhexin…
- Tác dụng: Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là làm thay đổi cấu trúc đờm, làm đứt hoặc bẻ gãy các cầu nối liên kết khiến cho đờm giảm độ nhớt, độ đặc... Từ đó giúp dễ tống đờm ra ngoài hơn.
Cần lưu ý một số điều sau đây khi sử dụng thuốc long đờm:
- Các thuốc long đờm là các thuốc điều trị triệu chứng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, do đó không nên tự ý dùng thuốc, thông thường thời gian dùng thuốc từ 8 – 10 ngày, tránh dùng kéo dài.
- Khi sử dụng các thuốc long đờm, cần phối hợp vỗ rung hoặc hút đờm (nếu cần thiết) để đờm có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
- Người bệnh hen suyễn, có bệnh lý về dạ dày cần thận trọng khi sử dụng thuốc.
- Tác dụng phụ: Rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu, tăng men gan nhẹ, phát ban ở da, buồn nôn, nôn, buồn ngủ…
- Chống chỉ định: Tránh dùng ở người bị viêm loét dạ dày-tá tràng, người bị hen suyễn (lưu ý ho cũng có thể xảy ra khi lên cơn huyễn) vì thuốc có thể khởi phát cơn co thắt phế quản
1.6. Thuốc súc họng
- Tác dụng: Thuốc súc họng là các thuốc có chứa acid boric, NaCl, xylitol… có tác dụng loại bỏ mảng bám trong miệng, họng và khử mùi hôi do các loại vi khuẩn gây ra; giúp làm sạch đường thở, thông thoáng cổ họng để loại trừ các tác nhân gây bệnh.
- Tác dụng phụ: Thuốc súc họng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như ngứa họng và miệng, phát ban, phồng rộp vùng môi...
Việc sử dụng thuốc sát khuẩn họng quá dài ngày có thể gây mất cân bằng sinh thái lớp thảm vi khuẩn tại họng. Từ đó, gây ra một số bệnh lý như nấm họng, viêm loét họng hoặc mất sức đề kháng vùng họng, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Khi sử dụng thuốc súc họng, người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không dùng quá thời gian hoặc liều lượng được khuyến nghị.
2. Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm họng
Viêm họng là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Người bệnh không nên chủ quan khi bị viêm họng bởi nếu tình trạng viêm nhiễm tiến triển nặng thì có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc sử dụng thuốc cần được tham khảo ý kiến của bác sĩ và đảm bảo tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định.
Khi được bác sĩ kê đơn người bệnh cần dùng đùng liều lượng, khoảng cách giữa các liều dùng và thời gian sử dụng thuốc. Không được bỏ thuốc giữa chừng khi thấy các triệu chứng thuyên giảm.
Đối với phụ nữ mang thai, chỉ sử dụng thuốc theo chỉ đinh của bác sĩ.
Nếu viêm họng do virus không cần dùng kháng sinh vì không mang lại hiệu quả, lúc này chỉ cần dùng các thuốc trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau… và/hoặc áp dụng các biện pháp tự nhiên để giảm triệu chứng.
Luôn theo dõi và báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng trong quá trình sử dụng thuốc.