Các thuốc trị bệnh vẩy nến

PGS.TS.BS Wynn Huỳnh Trần

PGS.TS.BS Wynn Huỳnh Trần

01-10-2022 13:24 | Thông tin dược học

SKĐS - Bệnh vảy nến là một bệnh của hệ miễn dịch. Mục tiêu chữa trị là giảm tốc độ phát triển của tế bào sừng, giảm vảy, giảm ngứa và tăng chất lượng cuộc sống. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh vảy nến mà bác sĩ sẽ có cách chữa trị phù hợp...

Bệnh vảy nến là một bệnh mạn tính, thường xảy ra theo chu kỳ lên xuống: Có những lúc bệnh nhân bớt nổi đỏ gần như lành hẳn và có những lúc nổi ngứa dữ dội, đôi khi phải nhập viện. 

Thường các cơn nổi mảng da đỏ đi kèm khi bệnh nhân có những thay đổi kích thích hệ miễn dịch như bị cảm, nhiễm trùng, tổn thương hay bị bỏng và đôi khi do bị tác dụng phụ của thuốc

Mỗi bệnh nhân bị vảy nến có thể bị nổi mảng mẩn đỏ khác nhau. Các mẩn đỏ này thường kèm theo ngứa rất nhiều, cảm giác ngứa bỏng rát. Nhiều bệnh nhân mô tả mảng đỏ ngứa như muốn bứt ra. Có người mắc bệnh vảy nến chỉ với những đốm đỏ nhỏ li ti trên đầu, có gàu trắng, cho đến những mảng da đỏ dày lan khắp người với các vảy trắng nhỏ (vì vậy bệnh gọi là vảy nến).

 Các mẩn trên da đôi khi cũng có nhiều màu khác nhau do thời gian phát mẩn, nổi mảng khác nhau. Do bệnh nhân gãi sẽ khiến vùng da bị biến dạng, nhưng điểm chung là thường có những vảy mỏng bạc, hay các miếng da khô bị nứt nẻ...

Đây không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó không lây lan. Tuy nhiên, cha mẹ có bệnh vảy nến sẽ tăng rủi ro con cháu bị bệnh vảy nến. Nếu chỉ có cha hoặc mẹ mắc vảy nến thì con sẽ có khoảng 10% mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu cả cha lẫn mẹ mắc vảy nến thì con có thể có đến 50% khả năng mắc bệnh.

Bệnh vảy nến và biện pháp chữa trị - Ảnh 1.

Tổn thương da do bệnh vảy nến.

Điều trị bệnh vảy nến yêu cầu chẩn đoán đúng loại, tìm ra các tác nhân gây lên cơn cấp và tìm ra thuốc để chữa ổn định trong khi ngăn ngừa các biến chứng khác của vảy nến. Lưu ý, bệnh vảy nến vẫn có thể trở lại mặc dù đã được chữa trị hoàn toàn các triệu chứng. 

1. Thuốc bôi

Nhiều loại thuốc bôi khác nhau có thể dùng kết hợp với nhau để có hiệu quả tốt nhất. Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân dùng kết hợp hay nhiều lần với nhau. Thời gian và cách bôi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thuốc. 

- Thuốc bôi corticosteroid (steroid) ức chế hệ miễn dịch và làm giảm viêm sưng là loại thuốc hay dùng nhất cho bệnh nhân mắc vảy nến. Kem steroid thường chỉ dùng cho bệnh nhân bị vảy nến dạng nhẹ hay vừa.

Thuốc bôi corticosteroid có nhiều dạng như kem, dầu, lotion, gel, foams, xịt và dầu gội. Tùy vào vị trí của vùng da bị vảy nến mà bác sĩ sẽ cho loại bôi phù hợp. Ví dụ như vảy nến có gàu trên đầu sẽ thích hợp với dầu gội steroid thay vì kem bôi, vì dầu gội sẽ thẩm thấu tốt hơn. 

Các vùng da nhạy cảm như da mặt hay vùng bẹn sẽ cần kem steroid nhẹ hơn như hydrocortisone. Vùng da dày như đầu gối hay khuỷu tay có thể sẽ cần steroid loại nặng hơn. Điều quan trọng là dùng thuốc steroid chỉ nên trong lúc vảy nến bùng phát. Dùng thuốc bôi steroid lâu ngày sẽ làm da mỏng đi, tăng mạch máu dưới da, và nhờn thuốc. Khi dùng thuốc steroid nên kết hợp với các loại kem bôi khác (kem dưỡng ẩm). 

- Thuốc bôi vitamin D như calcipotriene hay calcitriol làm giảm tốc độ sản sinh của tế bào da, giúp giảm viêm sưng mà không có những tác dụng phụ nguy hiểm như thuốc bôi steroid. Vấn đề là các loại thuốc này thường đắt tiền hơn thuốc bôi steroid. 

- Thuốc bôi retinol là loại kem dùng để tẩy tế bào chết, tạo ra lớp da mới. Thường kem retinol ít dùng hơn so với steroid và vitamin D. Kem retinol không nên dùng cho phụ nữ có thai hay đang cho con bú.

- Thuốc bôi ức chế calcineurin để giảm chuỗi phản ứng viêm sưng (tacrolimus, pimecrolimus). Các loại thuốc này thường rất đắt tiền nên cũng không phải bệnh nhân nào cũng chi trả được.

Thuốc dạng này rất tốt ở các vùng da nhạy cảm như da xung quanh mắt hay da vùng sinh dục vì ít tác dụng phụ. Thuốc cũng được dùng nhiều ở trẻ em do ít tác dụng phụ hơn steroid. Không dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai và cho con bú và không nên dùng lâu dài vì tăng rủi ro ung thư lymphoma. 

- Dầu gội salicylic acid giảm gàu và giảm độ tăng trưởng của tế bào da, từ đó làm mỏng da và giảm viêm. Thuốc loại này có thể mua không cần toa và thường dùng kèm theo các loại thuốc bôi khác. 

- Thuốc bôi coal tar giảm viêm sưng và giảm vảy tạo thành được bán không cần toa. Thuốc coal tar có nhiều dạng, như dầu gội đầu, kem… Dùng thuốc này đôi khi làm da bị ngứa và có mùi khó chịu. Coal tar không nên dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. 

- Thuốc bôi anthralin là loại thuốc bôi làm giảm tốc độ phát triển của tế bào, cũng có thể chữa các vảy và làm làn ra trở nên mềm mại hơn. 

Bệnh vảy nến và biện pháp chữa trị - Ảnh 3.

Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.

2. Liệu pháp ánh sáng

Trị liệu này thường dùng cho bệnh nhân mắc vảy nến vừa cho đến nhẹ. Trị liệu ánh sáng có thể dùng kèm với thuốc bôi, thuốc uống, hay chỉ dùng riêng.

 Trị liêu ánh sáng dùng ánh sáng mặt trời (ngắn hạn) các tia UVB dải hẹp hay tia UBV dải rộng. Bệnh nhân sẽ được chiếu ánh sáng 2-3 lần trong tuần và sẽ mất vài tuần cho đến 1-2 tháng mới có kết quả. Vì lý dó này, nhiều bệnh nhân không theo các trị liệu ánh sáng do tốn thời gian.

Một trị liệu khác là dùng thuốc psoralen kết hợp với tia UVA (PUVA). Bệnh nhân sẽ uống thuốc làm tăng độ nhạy cảm của ánh sáng lên da, khiến vùng da bị vảy nến mau phản ứng khi tiếp xúc với tia UVA. Dùng trị liệu ánh sáng lâu dài có thể tăng rủi ro làm da khô, nám da, thậm chí rủi ro về ung thư da.

Excimer laser là trị liệu mới gầy đây, dùng kỹ thuật laser để tập trung tia UBV vào vùng da bị ảnh hưởng. Cách này các tia UVB tập trung nhiều hơn trị liệu UBV thường quy nên các buổi trị liệu có thể ít hơn. 

3. Thuốc uống hay thuốc tiêm steroid

Với bệnh nhân bị vảy nến nặng hay vừa, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc steroid đường toàn thân dạng uống nếu bệnh nhân bị tái phát nhằm kiểm soát bệnh. 

Thuốc steroid không nên uống lâu dài vì có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, làm tăng cân và ảnh hưởng đến hệ nội tiết. Thuốc uống steroid chỉ nên dùng theo sự hướng dẫn của bác chuyên khoa. Với các mảng vảy nến nhỏ, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp steroid vào để chữa trị. 

4.Thuốc uống DMARD

Là các thuốc ức chế hệ miễn dịch, thường được kê toa để chữa trị bệnh vẩy nến lâu dài (methotrexate, cyclosporin). Bệnh nhân dùng các thuốc này nên được xét nghiệm trước các bệnh mạn tính lây nhiễm như viêm gan siêu vi B/C hay lao phổi để tránh bị tái phát các bệnh này. Bệnh nhân nên ngưng thuốc ít nhất 3 tháng trước khi có thai vì tác dụng phụ của thuốc. 

5. Thuốc sinh hiệu Biologics

Là thuốc được dùng nhiều gần đây để chữa trị bệnh vảy nến, bao gồm apremilast, etanercept, adalimumab hay infliximab… Các thuốc này ức chế chuỗi phản ứng viêm sưng, dẫn đến kiểm soát viêm của làn da và mạch máu. Các thuốc này khá đắt tiền. Đa số các thuốc biologic thường được tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch. 

6. Thuốc uống retinoid

Dùng cho các ca vảy nến khó và dày sừng. Thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai hay cho con bú. 

Bệnh nhân mắc vảy nến cần phải được chữa trị ngay vì để lâu ngày bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm. Do bệnh vảy nến là bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, nên sẽ ảnh hướng đến nhiều cơ quan khác:

- Viêm khớp vảy nến với các khớp ngón chân, tay sưng vù, đỏ và móng tay, móng chân bị biến dạng. Thường viêm khớp vảy nến có thể xảy ra vài năm sau khi viêm da vảy nến và cũng có thể xảy ra trước khi bị viêm da vảy nến.

- Đổi màu da do viêm vảy nến khiến bệnh nhân mất tự tin về hình dáng màu da.

- Viêm sưng mắt và các tổn thương về mắt.

- Béo phì và các bệnh về chuyển hóa và nội tiết.

- Đái tháo đường type 2

- Tăng huyết áp

- Bệnh nhân vảy nến có rủi ro cao hơn các bệnh về miễn dịch khác như viêm ruột Celiac, viêm sưng ruột (IBD) như bệnh Crohn's.

- Bệnh tâm thần, trầm cảm, do các ảnh hưởng của hình dáng khiến bệnh nhân bị tự ti...

Mời độc giả xem thêm video:

5 thói quen đơn giản có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư

PGS.TS.BS. Wynn Tran
Ý kiến của bạn