Hà Nội

Các thuốc thường dùng trong điều trị nhiệt miệng

23-03-2023 11:07 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Nhiệt miệng thường lành tính, không lây nhiễm, nhưng nếu để tình trạng nhiệt miệng kéo dài có thể khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, sốt, nổi hạch….

1. Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng là tình trạng xuất hiện vết loét trên màng nhầy, trong khoang miệng, chủ yếu ở nướu, bên trong má, môi, mặt dưới của lưỡi. Nhiệt miệng thường lành tính, không lây nhiễm và có thể xuất hiện dưới dạng vết loét đơn lẻ hoặc thành cụm. Mỗi đợt bị nhiệt miệng thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Loét thường gặp ở phụ nữ hơn và hầu hết mắc trong khoảng từ 10 đến 40 tuổi.

Lựa chọn thuốc trị nhiệt miệng - Ảnh 2.

Nếu để tình trạng nhiệt miệng kéo dài có thể khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, sốt, nổi hạch….

Các tác nhân có thể gây nhiệt miệng bao gồm:

  • Căng thẳng.
  • Các chất kích ứng.
  • Một số thực phẩm và đồ uống, bao gồm cà phê, sô cô la, trứng và pho mát, cũng như thực phẩm có tính axit hoặc cay...
  • Sự thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất bao gồm kẽm, B12, folate và sắt...
  • Phản ứng dị ứng với vi khuẩn trong khoang miệng.
  • Sử dụng hay đang trong quá trình bỏ thuốc lá.
  • Thay đổi nội tiết tố liên quan đến mang thai.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu, do một số bệnh mãn tính.
  • Một số thuốc cũng có liên quan đến sự phát triển của vết loét, ví dụ thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc độc tế bào, Nicorandil, thuốc chẹn beta...

2. Triệu chứng thường gặp của nhiệt miệng

Ngoài xuất hiện các vết loét, tình trạng nhiệt miệng có rất ít triệu chứng. Trước khi loét xảy ra, một số người có thể bắt đầu cảm thấy nóng rát hoặc ngứa bên trong miệng, có thể gây đau. Sau khi loét xảy ra, thường có đau cục bộ ở các mức độ khác nhau.

Các vết loét thường nông và bắt đầu có tâm màu trắng hoặc màu vàng nhạt, chuyển sang màu xám khi bệnh phát triển hoặc có thể có màu đỏ bao quanh hoặc có màu đỏ hoàn toàn khi bị viêm.

Tùy thuộc vào vị trí của vết loét, việc ăn, uống và nói chuyện trở nên khó chịu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, loét có thể dẫn đến sưng hạch bạch huyết, sốt và mệt mỏi.

Lựa chọn thuốc trị nhiệt miệng - Ảnh 3.

Có thể súc miệng bằng nước muối để giảm các triệu chứng của nhiệt miệng.

3. Điều trị nhiệt miệng như thế nào?

Không có phương pháp chữa trị nhiệt miệng, nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng. Trong phần lớn các trường hợp, các vết loét sẽ biến mất mà không cần điều trị. Chỉ cần tránh thức ăn cứng hoặc gây kích ứng, chẳng hạn như dứa; đắp chất lạnh lên vùng bị ảnh hưởng và nếu cần, sử dụng các chế phẩm gây tê, chẳng hạn như lidocaine hoặc benzocaine tại chỗ sẽ đủ để kiểm soát cơn đau.

3.1Thuốc giảm đau tại chỗ

Nước súc miệng chứa benzydamine và gel nha khoa salicylate choline tác dụng giảm đau rất ngắn, tuy nhiên hiệu quả trong các vết loét lớn, đau nhiều. Khi dùng có thể gây tê, ngứa ran và đau nhức. Pha loãng với nước trước khi súc để giảm đau nhức.

Lưu ý, không sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi. Mặc dù không khuyến cáo dùng aspirin ở trẻ dưới 16 tuổi vì liên quan đến Hội chứng Reye, nhưng gel nha khoa salicylate choline có thể làm giảm tác dụng của salicylate nên có thể dùng ở trẻ em.

3.2 Thuốc gây tê tại chỗ

Thuốc gây tê dạng kem hoặc gel bôi tại chỗ, trực tiếp lên vùng có vấn đề có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát các triệu chứng của loét, đặc biệt là loại nhẹ. Thuốc nên được bôi từ hai đến bốn lần mỗi ngày.

3.3 Thuốc sát trùng

Sử dụng nước súc miệng sát trùng, ví dụ có chứa chlorhexidine hai lần mỗi ngày hoặc theo khuyến nghị của bác sĩ. Thuốc giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của loét. Chlorhexidine giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát nhưng không ngăn chặn tái phát.

3.4 Thuốc kháng sinh

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh bôi hoặc uống, chẳng hạn như tetracycline hoặc minocycline, có hiệu quả trong điều trị loét.

Có thể dùng thuốc ở dạng nước súc miệng, với kháng sinh được hòa tan trong nước, súc quanh miệng và nhổ ra, từ 2-3 lần mỗi ngày. Nên tránh dùng nước súc miệng kháng sinh có chứa tetracycline cho trẻ em dưới 8 tuổi hoặc thậm chí lớn hơn, vì chúng có thể khiến răng bị đổi màu.

3.5 Corticosteroid tại chỗ

Sử dụng fluocinonide, beclomethasone tác dụng tại chỗ trên vết loét để giảm viêm, đau, rút ngắn thời gian điều trị, thường được sử dụng khi vết loét không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

3.6 Các phương pháp điều trị khác

Polyvinylpyrrolidone (PVP) trong các chế phẩm súc miệng, xịt hay gel, giúp tạo thành hàng rào bảo vệ vết loét, rút ngắn thời gian lành bệnh.

Ngoài ra, có thể bổ sung các chất dinh dưỡng có chứa folate, kẽm và vitamin B12... cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển vết loét.

4. Biện pháp hỗ trợ

một số biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến giúp nhanh lành nhiệt miệng bao gồm:

  • Giảm căng thẳng và ngủ đủ giấc.
  • Tập trung vào một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có đủ lượng chất dinh dưỡng và vitamin, tránh thức ăn cứng hoặc thức ăn có thể làm trầy xước bên trong miệng.
  • Duy trì vệ sinh răng miệng tốt và sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh kích ứng.

Nếu vết loét không lành trong vòng ba tuần hoặc kéo dài hơn ba tuần, nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ăn cá hay thịt tốt hơn?

DS. Hoàng Vân
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn