1. Thuốc nào dùng trị mất ngủ?
- Thuốc benzodiazepin: Làm tăng thời gian ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách giảm độ trễ khởi phát giấc ngủ, tăng hiệu quả giấc ngủ. Các loại thuốc benzodiazepin đã được FDA chấp thuận để điều trị chứng mất ngủ mạn tính bao gồm estazolam, flurazepam (dalmane), temazepam (restoril), quazepam (doral) và triazolam (halcion).
Các thuốc tác dụng nhanh có thời gian bán hủy ngắn hơn (ví dụ: estazolam, triazolam và temazepam) được ưa chuộng hơn. Temazepam khởi phát tác dụng chậm hơn và ít hiệu quả hơn trong việc bắt đầu giấc ngủ. Flurazepam và quazepam có thời gian bán hủy dài hơn 24 giờ.
Mặc dù vẫn được sử dụng rộng rãi nhưng thuốc benzodiazepin được coi là một trong những loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ gây nghiện hơn. Chúng thường không được kê đơn lâu dài. Các thuốc này có thể gây ức chế thần kinh trung ương khi dùng rượu hoặc các thuốc an thần khác...
Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi…
-"Thuốc Z" không phải benzodiazepine: Các loại thuốc 'Z' mới hơn có tác dụng tương tự như các thuốc benzodiazepin, ít tác dụng phụ và ít nguy cơ lạm dụng hơn benzodiazepine. Các thuốc này bao gồm: Zolpidem (ambien), zaleplon (sonata) và eszopiclone (lunesta)… được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ ngắn hạn.
- Thuốc đối kháng thụ thể orexin: Orexin là chất hóa học có liên quan đến việc điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức và đóng vai trò giữ cho con người tỉnh táo. Loại thuốc này làm thay đổi hoạt động của orexin trong não, bao gồm daridorexant (quviviq), lemborexant (dayvigo) và suvorexant (belsomra). Nguy cơ phụ thuộc vào thuốc đối kháng thụ thể orexin thấp hơn so với các thuốc khác. Cho đến nay, tác dụng phụ chính của phương pháp hỗ trợ giấc ngủ mới hơn này là buồn ngủ.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc dùng để điều trị chứng lo âu và trầm cảm có thể được sử dụng để điều trị mất ngủ, vì buồn ngủ là một trong những tác dụng phụ chính của chúng. Các thuốc này bao gồm: Mitazepine (remeron), quetiapine (seroquel) và trazodone (desyrel)… thường được kê đơn ở liều thấp hơn, ít gây ra tác dụng phụ hơn.
- Barbiturat: Trước đây thuốc này được dùng rất phổ biến, nhưng hiện này đã được chứng minh là gây nghiện với nguy cơ quá liều cao. FDA khuyến cáo không nên sử dụng những thuốc này, ngoại trừ những trường hợp rất cụ thể.
- Thuốc kháng histamin: Thành phần hoạt chất trong thuốc ngủ không kê đơn thường là thuốc kháng histamine. Đây là thuốc trị dị ứng có thể khiến bạn buồn ngủ. Các thuốc này bao gồm: Diphenhydramine (benadryl) và doxylamine (unisom)…
- Melatonin: Melatonin được coi là một trong những loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn an toàn nhất, ít tác dụng phụ… được dùng khi mất ngủ do thay đổi múi giờ (đi du lịch)…
Nhiều người cho rằng thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn (OTC) là thuốc ngủ an toàn nhất vì chúng được bán mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, thuốc hỗ trợ giấc ngủ OTC vẫn có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng. Hơn nữa, các loại thuốc và thảo dược bổ sung không được FDA chấp thuận cho chứng mất ngủ.
2. Tác dụng phụ của thuốc ngủ là gì?
Giống như hầu hết các loại thuốc, thuốc ngủ cũng có tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ngủ theo toa như ambien, halcion, lunesta, rozerem và sonata bao gồm:
- Thay đổi khẩu vị, khô miệng hoặc cổ họng
- Táo bón, tiêu chảy
- Vấn đề về thăng bằng
- Chóng mặt
- Buồn ngủ ban ngày
- Đau đầu
- Ợ nóng
- Yếu đuối…
Điều quan trọng là người bệnh phải nhận thức được các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc ngủ để có thể ngừng dùng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay lập tức, xử lý kịp thời, tránh vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Dùng thuốc trị mất ngủ theo chỉ định của bác sĩ.
3. Những lưu ý khi dùng thuốc trị mất ngủ
- Nên cân nhắc trước khi dùng thuốc ngủ: Thuốc ngủ chỉ là một phần trong kế hoạch điều trị tổng thể chứng mất ngủ, vì thuốc có thể gây nghiện và tác dụng phụ. Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyên bạn nên sử dụng các kỹ thuật khác trước khi chuyển sang sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ bằng dược phẩm như trị liệu hành vi nhận thức (CBT-I) – đây thường là phương pháp điều trị đầu tiên được ưu tiên điều trị chứng mất ngủ.
- Cách dùng thuốc an toàn: Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Không sử dụng quá liều lượng và thời gian theo khuyến cáo. Khi uống thuốc ngủ không nên làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao độ như lái xe, vận hành máy móc…
Có thể mất vài đêm thuốc mới có tác dụng, vì vậy đừng thay đổi liều lượng mà không nói chuyện với bác sĩ trước. Một số loại thuốc ngủ có thể gây mất ngủ trở lại nếu ngừng thuốc quá đột ngột. Nếu bạn nhận thấy tác dụng phụ hoặc nếu có bất kỳ mối lo ngại nào khác, hãy nói chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt để giúp bạn ngừng thuốc một cách an toàn.
Không nên sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ lâu dài. Thuốc ngủ được sử dụng tốt nhất cho các tác nhân gây căng thẳng ngắn hạn, lệch múi giờ hoặc các vấn đề về giấc ngủ tương tự.
Nhiều người sử dụng thuốc ngủ mà không gặp vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, hầu như tất cả các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ hiện có trên thị trường đều tiềm ẩn những tác dụng phụ, chẳng hạn như uể oải, buồn nôn và đau đầu vào ngày hôm sau. Dùng liều thấp nhất có thể có thể giúp hạn chế những tác dụng phụ này.
- Tương tác với các loại thuốc khác: Cần hết sức thận trọng khi trộn thuốc ngủ với rượu, thuốc phiện, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc kháng histamine. Đặc biệt, việc kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến thở chậm. Dùng quá liều một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể dẫn đến mê sảng, suy hô hấp và tuần hoàn, thậm chí tử vong.
Người lớn tuổi dễ bị tổn thương hơn trước các tác dụng phụ của thuốc ngủ và chấn thương do té ngã, nên cần dùng hết sức thận trọng cho đối tượng này. Cho đến này rất ít nghiên cứu được thực hiện về việc sử dụng thuốc ngủ cho trẻ em và hầu hết các chuyên gia đều khuyên không nên sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ ở lứa tuổi này.