Các thuốc thường dùng trị động kinh

13-09-2024 10:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dùng thuốc là phương pháp điều trị chủ yếu và phổ biến nhất đối với bệnh động kinh và hầu hết bệnh nhân có thể kiểm soát bệnh thành công...

1. Các loại thuốc điều trị bệnh động kinh thường dùng

Động kinh là một bệnh não mạn tính không lây nhiễm, đặc trưng bởi các cơn động kinh não tái phát. Trong thời gian khởi phát bệnh, một bộ phận nhất định hoặc toàn bộ cơ thể sẽ bị co giật không chủ ý trong thời gian ngắn, đôi khi kèm theo mất ý thức. Động kinh não có nhiều nguyên nhân, trong đó có di truyền và tổn thương não.

Thuốc chống động kinh là thuốc kiểm soát cơn động kinh. Khi dùng thuốc thường xuyên có thể ngăn chặn cơn động kinh. Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp tùy theo tình trạng của bệnh nhân, xem xét các yếu tố cụ thể liên quan đến bệnh nhân (như tuổi, giới tính, các bệnh đi kèm, chức năng gan thận, các thuốc dùng đồng thời…) và các yếu tố cụ thể liên quan đến thuốc (như hiệu quả, phản ứng phụ, đường dùng). 

Có nhiều loại thuốc trị động kinh, nhưng phổ biến bao gồm:

  • Natri valproat 
  •  Carbamazepin 
  •  Lamotrigine 
  •  Levetiracetam
  • Topiramate

Thuốc trị động kinh có nhiều dạng bao gồm: Viên nén, viên nang, chất lỏng và xi-rô... dù được kê đơn dạng nào, người bệnh cần uống thuốc mỗi ngày.

Thông thường bác sĩ sẽ bắt đầu cho người bệnh dùng liều thấp và tăng dần cho đến khi cơn động kinh được kiểm soát. Trong trường hợp loại thuốc đầu tiên không hiệu quả, bác sĩ có thể thay thuốc khác cho đến khi tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với người bệnh. 

Các thuốc thường dùng trị động kinh- Ảnh 1.

Hầu hết bệnh nhân động kinh có thể kiểm soát thành công bệnh thông qua việc dùng thuốc.

2. Các tác dụng phụ của thuốc điều trị động kinh

Tác dụng phụ thường gặp khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chống động kinh. Một số có thể xuất hiện ngay sau khi bắt đầu điều trị và hết sau vài ngày hoặc vài tuần, trong khi một số khác có thể xuất hiện muộn hơn. Các tác dụng phụ cũng có thể gặp tùy thuộc vào loại thuốc người bệnh đang dùng.

Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc trị động kinh bao gồm:

  • Buồn ngủ
  • Thiếu năng lượng
  • Kích động
  • Đau đầu
  • Run rẩn không kiểm soát được
  • Rụng tóc hoặc mọc tóc không mong muốn
  • Sưng nướu 
  • Phát ban...

Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc người bệnh nên đi khám hoặc thông báo cho bác sĩ điều trị biết để được xử lý thích hợp, kịp thời.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc

- Người bệnh cần tuân theo các chỉ dẫn về dùng thuốc của chuyên gia y tế như liều dùng, thời điểm dùng thuốc. Người bệnh nên uống thuốc đúng giờ và đều đặn mỗi ngày.

- Không bao giờ được đột ngột ngừng dùng thuốc, vì làm như vậy có thể gây bùng phát cơn động kinh.

- Nếu bạn không bị co giật trong vài năm, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể ngừng điều trị không. Nếu họ nghĩ rằng điều đó an toàn, liều dùng của bạn sẽ được giảm dần theo thời gian.

- Trong quá trình dùng thuốc trị động kinh, không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, bao gồm thuốc không kê đơn hoặc thuốc bổ sung, mà không trao đổi với bác sĩ, vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thuốc trị động kinh.

- Thuốc chống động kinh hiếm khi gây tổn thương dạ dày và có thể uống ngay cả khi bụng đói. Nếu có tiền sử loét dạ dày, tốt nhất nên đợi 2 giờ giữa lúc dùng thuốc dạ dày và thuốc chống động kinh để tránh ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, làm giảm nồng độ thuốc chống động kinh trong máu.

- Một số thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc, cần lưu ý.

Các thuốc thường dùng trị động kinh- Ảnh 2.

Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp tùy theo tình trạng của bệnh nhân.

Dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng giúp giảm co giật ở bệnh nhân động kinhDùng thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng giúp giảm co giật ở bệnh nhân động kinh

SKĐS - Kết hợp chế độ ăn kiêng Atkins sửa đổi với việc dùng thuốc, có thể làm giảm các cơn co giật ở những người mắc chứng động kinh khó điều trị, theo một nghiên cứu được công bố của Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ mới đây.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS


DS. Lê Thanh Hoà
Ý kiến của bạn