Hà Nội

Các thuốc nhỏ mắt dùng trong điều trị Glaucom

24-12-2022 08:00 | Y học 360
google news

Glaucom là tên gọi chung của nhóm bệnh gây ra những thương tổn không thể hồi phục cho thần kinh thị giác. Các dây thần kinh thị giác này là một hệ thống với số lượng lên đến hơn 1 triệu giữ vai trò kết nối võng mạc với não bộ của chúng ta.

Tổn thương xảy ra khi áp lực bên trong mắt (còn gọi là nhãn áp) cao tới một mức đủ để ảnh hưởng tới sức khỏe của dây thần kinh thị giác, làm cho nó không thể thực hiện được chức năng dẫn truyền tín hiệu hình ảnh bình thường, dẫn tới người bệnh bị mất thị lực dần dần.

photo-1671763848020

Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống, điều trị bằng tia laser, phẫu thuật hoặc kết hợp các biện pháp trên. Trong đó, thuốc nhỏ mắt dùng trong điều trị Glaucom đóng vai trò quan trọng trong điều trị, và có nhiều loại. Tùy vào mỗi loại Glocom, bác sĩ sẽ có các chỉ định phù hợp.

Nhóm thuốc tăng lượng thủy dịch thoát ra khỏi mắt

Khi dùng nhóm thuốc này, người bệnh có thể bị đỏ mắt nhẹ hoặc nóng rát trong vài tuần đầu sau đó các triệu chứng sẽ giảm và biến mất. Thuốc cũng có thể gây châm chích một thời gian ngắn sau khi nhỏ. Nhóm thuốc này cũng làm lông mi mọc dài, dày và sẫm màu hơn, da xung quanh mắt trở nên thẫm màu hơn. Một số người có thể thấy thay đổi màu mống mắt theo thời gian, tác dụng này là vĩnh viễn. Thuốc nhóm này thường chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày.

Nhóm thuốc chẹn beta

Gồm các thuốc như timolol, betaxolol giúp làm giảm sản xuất thủy dịch trong mắt. Cũng giống như thuốc nhóm tăng lượng thủy dịch thoát ra khỏi mắt, người bệnh nhân sử dụng thuốc chẹn beta có thể bị đỏ mắt, nóng rát, châm chích trong vài tuần đầu tiên sử dụng. Thuốc có thể gây co thắt phế quản, người bệnh hen không nên sử dụng loại thuốc này. Bác sĩ có thể kể đơn cho bệnh nhân dùng thuốc 1 hoặc 2 lần/ngày tùy theo tình trạng bệnh.

Thuốc ức chế men carbonic anhydrase

Thuốc này có tác dụng giúp làm giảm sản xuất thủy dịch. Các tác dụng phụ thường gặp là châm chích, đỏ, nóng rát mắt trong vài tuần đầu. Người bệnh có thể nhìn mờ và cảm thấy vị đắng ngay sau khi nhỏ, những tác dụng này sẽ mất đi sau vài phút. Nhóm thuốc này thường được kê đơn 2 lần/ngày nhưng đôi khi có thể được dùng 3 lần/ngày.

photo-1671763851237

Thuốc kích thích adrenergic

Thuốc nhóm này giúp giảm sản xuất thủy dịch và tăng thoát thủy dịch khỏi mắt. Các tác dụng phụ thường gặp là châm chích, đỏ, nóng rát mắt trong vài tuần đầu sử dụng. Một số bệnh nhân bị nhức đầu sau khi dùng thuốc. Liều dùng thông thường là 2 lần/ngày, đôi khi bác sĩ kê đơn 3 lần/ngày.

Thuốc ức chế Rho kinase

Thuốc làm giảm nhãn áp do làm tăng thoát thủy dịch. Thuốc được sử dụng 1 lần/ngày. Các tác dụng phụ có thể gặp như đỏ mắt, khó chịu ở mắt và hình thành cặn trên giác mạc.

Thuốc gây co đồng tử

Làm tăng thoát thủy dịch, thuốc gây co nhỏ đồng tử, nhức đầu, nhìn mờ (đặc biệt ở nơi tối).

Thuốc kết hợp

Đôi khi bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân sử dụng thuốc nhỏ mắt tăng nhãn áp được kết hợp từ hai hoạt chất thuộc hai nhóm khác nhau. Tác dụng phụ phụ thuộc vào việc thuốc người bệnh uống là gì.

Do một số thuốc nhỏ mắt có thể hấp thu vào máu, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ không liên quan tới mắt. Để giảm thiểu sự hấp thu này, sau khi nhỏ thuốc bệnh nhân nên nhắm mắt và ấn nhẹ vào góc mắt gần mũi khoảng 1 - 2 phút để chặn ống dẫn lệ, ngăn thuốc đi vào khoang miệng.

Theo các bác sĩ nhãn khoa Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, tổn thương thần kinh thị giác do glaucom gây ra không thể hồi phục. Nhưng việc điều trị và thăm khám định kỳ giúp làm chậm tiến triển hoặc dự phòng mất thị lực, đặc biệt nếu người bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Do vậy, khi được chỉ định dùng thuốc để điều trị glaucom, bệnh nhân nên sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày, không được quên. Đồng thời, cần tái khám định kỳ, thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh để kiểm tra hiệu quả của thuốc cũng như diễn biến của bệnh và có các biện pháp can thiệp kịp thời nếu cần. Khi thuốc nhỏ không mang lại hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc uống hoặc phẫu thuật.

photo-1671763853036


PV
Ý kiến của bạn