Các thuốc người đái tháo đường cần cảnh giác

07-12-2019 08:28 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngoài chế độ ăn uống phải kiêng khem các chất làm tăng lượng đường trong cơ thể thì việc dùng thuốc để điều trị các bệnh khác ở bệnh nhân đái tháo đường cũng cần phải lưu ý, tránh những tương tác thuốc dẫn đến làm giảm tác dụng của thuốc điều trị chính hoặc tăng độc tính của thuốc hoặc gây ra những biến cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Một số thuốc dưới đây người bệnh đái tháo đường cần thận trọng.

Thuốc kháng viêm corticoid

Khi mới ra đời, loại thuốc này được coi như là một “thần dược” điều trị bách bệnh. Ngày nay, nó vẫn được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp viêm, dị ứng và miễn dịch nhưng corticoid lại có rất nhiều tác dụng có hại cho bệnh nhân, trong các có tính chất gây tăng đường huyết gián tiếp, làm giảm dung nạp glucid, có nguy cơ nhiễm ceton: nôn ói, đau bụng... nặng nề hơn người bệnh có thể bị co giật, xuất hiện triệu chứng thần kinh, làm giảm tác dụng của các thuốc chống đái tháo đường... Do vậy, đối với bệnh nhân đái tháo đường thì phải thật hạn chế chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Nếu buộc phải dùng thì cần có sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, điều chỉnh liều dùng của các loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường...

Các kháng viêm, giảm đau NSAID

Các loại thuốc điều trị đau nhức thông dụng như ibuprofen, diclofenac, naproxen... làm giảm đau do ức chế tổng hợp prostaglandin, chất tham gia cơ chế điều hòa đường huyết, do đó làm tăng nguy cơ hạ glucose trong máu. Ngoài ra, các NSAID liên kết mạnh với các protein huyết tương nên có nguy cơ đẩy các thuốc điều trị đái tháo đường nhóm sulfamid như: glicazide, glibenclamide, chlopropamide ra khỏi liên kết với protein huyết tương dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết.

Các thuốc người đái tháo đường cần cảnh giác

Thuốc trị gout allopurinol và các dẫn chất

Allopurinol là một thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị gout cấp và mạn tính. Thuốc có tác dụng làm giảm việc sản xuất acid uric trong cơ thể. Acid uric tích tụ có thể dẫn đến bệnh gout hoặc sỏi thận, do vậy, ngoài dùng điều trị gout, thuốc còn được dùng trong điều trị bệnh sỏi thận... Tuy nhiên, allopurinol có thể ức chế cloropamide tiết qua ống thận dẫn đến nguy cơ hạ glucose máu nghiêm trọng. Do vậy, bệnh nhân đái tháo đường không nên sử dụng thuốc này.

Kháng sinh rifampicin

Rifampicin là dẫn chất kháng sinh bán tổng hợp của rifamycin B. Thuốc được chỉ định trong điều trị tất cả các thể lao bao gồm cả lao màng não. Thuốc cũng được chỉ định trong điều trị bệnh phong...Nhưng một trong những tác dụng phụ của thuốc là ảnh hưởng nghiêm trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường. Đó là thuốc làm giảm nồng độ của tolbutamid trong huyết tương do cảm ứng enzym trên cytochrom P450, đây là kiểu tương tác dược động về chuyển hóa thuốc.

Người bệnh khi đang điều trị đái tháo đường không được tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo kinh nghiệm của bạn bè, cho dù là những thuốc điều trị các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng... Bởi bất kỳ thuốc nào cũng có nguy cơ gây tương tác ảnh hưởng đến thuốc điều trị đái tháo đường. Người bệnh cần kiểm soát tốt chế độ ăn uống, sử dụng thuốc, hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ của bạn để được tư vấn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Thuốc lợi tiểu

Các thuốc lợi tiểu thiazide làm giảm tính nhạy cảm của mô với insulin làm giảm tiết insulin gây tăng glucose máu. Các loại thuốc lợi tiểu giữ kali như furosemide... làm tăng nguy cơ nhiễm acid lactic với biểu hiện buồn nôn, co cứng cơ, thở sâu và nhanh, cảm giác mệt nhọc, đau bụng.

Thuốc kháng nấm họ imidazole

Khi bệnh nhân đái tháo đường điều trị các bệnh nấm da, nấm tóc, nấm âm đạo... thì lưu ý các thuốc họ imidazole như: miconazole, ketoconazole, itraconazol... do các thuốc này ức chế cytochrom P450 làm tăng tác dụng hạ đường huyết, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho người đái tháo đường.

Thuốc chẹn beta

Các thuốc chẹn beta kể cả thuốc nhỏ mắt (như timodol, betoptic), dùng trong điều trị glaucoma có thể che lấp các triệu chứng hạ glucose máu, điều này có thể dẫn đến hôn mê do hạ glucose máu, biểu hiện trên lâm sàng như nhịp tim nhanh, toát mồ hôi, run, hồi hộp, lo âu...

Thuốc cường thần kinh giao cảm beta

Lưu ý các loại thuốc điều trị cảm cúm thông thường có chứa hoạt chất ephedrin. Đây là chất cường giao cảm làm giảm tác dụng của thuốc điều trị đái tháo đường do tính chất gây tăng glucose máu.

Thuốc kháng thụ thể H2 - cimetidin

Ðược chỉ định điều trị ngắn hạn trong các trường hợp: loét tá tràng tiến triển lành tính; điều trị duy trì loét tá tràng với liều thấp sau khi ổ loét đã lành; điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản gây loét. Thuốc cũng được chỉ định trong điều trị các trạng thái bệnh lý tăng tiết dịch vị như hội chứng Zollinger - Ellison, bệnh đa u tuyến nội tiết hoặc điều trị chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng, dự  phòng chảy máu đường tiêu hóa trên ở người có bệnh nặng.

Tuy nhiên, cimetidin làm giảm độ thanh lọc của thuốc metformin (thuốc dùng trong điều trị bệnh đái tháo đường) ở thận do ức chế bài tiết qua thận... làm nồng độ huyết thanh của metformin có thể tăng, làm tăng tác dụng dược lý của metformin và có thể gây hạ đường huyết.

Hormon tuyến giáp

Levothyroxin được chỉ định điều trị thay thế hoặc bổ sung cho các hội chứng suy giáp, nhưng thuốc có thể làm cho thuốc điều trị đái tháo đường bị mất cân bằng do làm tăng nhu cầu về insulin.


DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Ý kiến của bạn