Hà Nội

Các thuốc lợi tiểu thường dùng trị tăng huyết áp: Một số bất lợi cần ghi nhớ

02-08-2019 16:41 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thuốc lợi tiểu là một nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp.

Chúng thường được sử dụng một mình hoặc phối hợp với các loại thuốc hạ huyết áp khác để tăng hiệu quả trị bệnh. Tuy nhiên khi dùng các thuốc nhóm này cần lưu ý tới một số bất lợi có thể xảy ra để phòng tránh hoặc khắc phục, giúp cho việc dùng thuốc được an toàn hơn...

Ở người bệnh tăng huyết áp, lượng muối và nước dư thừa trong cơ thể khiến thành động mạch chịu thêm nhiều áp lực. Thuốc lợi tiểu sẽ tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng giúp thành động mạch co giãn nhiều hơn, máu lưu thông một cách dễ dàng hơn... nên giúp giảm huyết áp. Một số loại thuốc lợi tiểu thường dùng như:

Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide

Điển hình trong nhóm này là các thuốc như hydrochlorothiazide, chlorothiazide, indapamide... Đây là nhóm thuốc lợi tiểu phổ biến nhất, thường được thầy thuốc kê dùng đầu tiên khi điều trị tăng huyết áp. Thuốc tác động đến các tế bào thận, thúc đẩy quá trình loại bỏ natri (muối) thừa và nước ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Điều này sẽ làm giảm lượng chất lỏng trong lòng mạch, từ đó giúp giảm huyết áp. Tuy nhiên, một số bất lợi có thể xảy ra khi dùng các thuốc nhóm này là: đi tiểu thường xuyên (do thuốc giúp loại bỏ nước), mất nước (với biểu hiện miệng khô, nước tiểu vàng đậm, táo bón), mất kali, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, chuột rút... Có thể bổ sung kali hoặc dùng cùng với thuốc lợi tiểu giữ kali để khắc phục tình trạng mất kali khi dùng thuốc.

Lợi tiểu là một trong những thuốc dùng trị tăng huyết áp.

Lợi tiểu là một trong những thuốc dùng trị tăng huyết áp.

Thuốc lợi tiểu giữ kali

Đây là nhóm thuốc lợi tiểu có tác dụng giảm bài tiết kali và tăng bài tiết natri (muối). Thuốc này được dùng kèm với các loại thuốc lợi tiểu khác như các thuốc nhóm thiazid hoặc lợi tiểu quai nhằm giữ lượng kali cần thiết ở lại trong cơ thể (khắc phục nhược điểm của các loại thuốc lợi tiểu làm mất kali gây giảm kali huyết). Tuy nhiên, tác dụng phụ nguy nổi bật của các thuốc nhóm này là gây tăng kali máu. Vì vậy, không dùng (chống chỉ định) cho người bệnh tăng kali huyết.

Các thuốc này gồm chất đối kháng aldosterone (spironolactone) và chất không đối kháng aldosterone (amilorid).

Đối với spironolactone, thuốc tác dụng chậm, phải 2 - 3 ngày sau khi uống mới có tác dụng lợi tiểu tối đa và kéo dài thêm 2 - 3 ngày sau khi ngừng thuốc. Ngoài làm mất kali, một số bất lợi thường gặp như: tiêu chảy, buồn nôn; ban đỏ, ngoại ban, mày đay; chuột rút... Dùng lâu gây rối loạn sinh dục: chứng vú to ở nam, chứng rậm lông và rối loạn kinh nguyệt ở nữ; gây rối loạn tiêu hóa, viêm, xuất huyết dạ dày (không dùng cho người loét dạ dày - tá tràng).

Đối với amilorid bắt đầu tác dụng khoảng 2 giờ sau khi uống, đạt tối đa khoảng 6 - 10 giờ và kéo dài trong khoảng 24 giờ. Một số tác dụng phụ thường gặp như: ăn không ngon, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt; buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, táo bón; chuột rút... Nên uống amilorid cùng với thức ăn để giảm tác dụng không mong muốn đường tiêu hóa.

Thuốc lợi tiểu quai

Thuốc lợi tiểu quai có tác dụng ức chế tái hấp thu ở nhánh lên của quai Henlé ống thận. Do tác dụng ngắn nên nguy cơ giảm kali huyết có thể ít hơn so với lợi tiểu thiazid. Điển hình trong nhóm này là thuốc furosemid, là thuốc lợi tiểu mạnh nhất, có tác dụng nhanh nhất nhưng tương đối ngắn. Tác dụng bắt đầu trong vòng 30 - 60 phút sau khi uống; đạt tối đa khoảng 1 - 2 giờ và kéo dài trong 4 - 6 giờ.

Một số bất lợi thường gặp như: gây mất nước và điện giải (mệt mỏi, chuột rút, hạ huyết áp); tăng acid uric máu; dùng kéo dài gây hạ magie máu gây loạn nhịp tim; tăng đường máu, rối loạn tiêu hóa...

Một số lưu ý chung

Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không tự tăng hoặc giảm liều thuốc. Vì giảm liều sẽ không đạt hiệu quả điều trị, còn tăng liều sẽ không làm tăng tác dụng chống tăng huyết áp mà có nguy cơ tăng tác dụng có hại của thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu sẽ giảm dần khi cơ thể làm quen với thuốc. Tuy nhiên, nếu chúng vẫn diễn ra liên tục, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Một số loại thuốc có thể tương tác với thuốc lợi tiểu như: digitalis và digoxin, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc ức chế miễn dịch cyclosporine... Vì vậy khi đi khám, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà mình đang dùng để bác sĩ cân nhắc khi kê đơn tránh các tương tác thuốc bất  lợi.

Thuốc lợi tiểu cũng có thể làm cho các điều kiện y tế sau tồi tệ hơn: bệnh tiểu đường, viêm tụy, vấn đề về thận, lupus, bệnh Gout, vấn đề kinh nguyệt... Vì vậy, không dùng thuốc hoặc dùng một cách thận trọng với các trường hợp này.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn