Hà Nội

Các thuốc hỗ trợ điều trị Rubella

02-04-2024 08:47 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mặc dù Rubella không nguy hiểm, nhưng nếu không phòng ngừa, điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai…

Rubella: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnhRubella: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên, bệnh phần lớn ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như: dị tật bẩm sinh, chết lưu hoặc sảy thai.

1. Các thuốc thường dùng trong điều trị rubella

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Rubella, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine phòng ngừa. Ngoài ra với các trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể tăng cao. Các thuốc chủ yếu là hỗ trợ và nâng cao thể trạng.

1.1. Thuốc hạ sốt

Tác dụng: Thuốc có tác dụng hạ sốt. Với trường hợp sốt cao trên 38,5 độ C có thể dùng acetaminophen (paracetamol), liều 10-15mg/1kg cân nặng trong mỗi 4-6 tiếng. Không dùng quá 6 lần/24 tiếng.

Ngoài ra, có thể dùng ibuprofen theo chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất đi kèm sản phẩm.

Lưu ý: Không dùng aspirin cho trẻ, vì có thể gây Hội chứng Reye, gây phù não và gan của trẻ.

Tác dụng phụ: Acetaminophen khá an toàn với liều điều trị, tuy nhiên nếu dùng quá liều thuốc có thể gây ngộ độc, làm tổn thương gan, thậm chí có thể tử vong.

Cần thận trọng khi dùng ibuprofen, đặt biệt là dùng cho trẻ. Thuốc có thể gây chán ăn, nôn, buồn nôn, xuất huyết,vàng da, khó thở, đau ngực, phát ban, tiểu ít...

Các thuốc hỗ trợ điều trị Rubella- Ảnh 2.

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu sốt trên 38,5 độ.

1.2. Bù nước và chất điện giải

Tác dụng: Nếu bệnh nhân sốt cao, nên uống nhiều nước. Có thể uống oresol để bù nước và chất điện giải trong trường hợp sốt cao, mất nước.

Lưu ý: Cần pha oresol đúng liều lượng. Pha oresol không đúng hướng dẫn có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí gây những biến chứng thần kinh nguy hiểm. Pha quá đặc, người bệnh sẽ tăng natri máu do mất nước trong tế bào khiến người bệnh mệt mỏi, co giật, rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê. Còn nếu pha quá loãng thì không đảm bảo hiệu quả.

1.3 Các thuốc khác

Có thể dùng kem bôi ngoài da nếu có biểu hiện ngứa. Tuyệt đối không dùng kháng sinh khi người bệnh không có dấu hiệu bội nhiễm. Với các trường hợp Rubella có biến chứng viêm não hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu, cần được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ngoài ra, có thể bổ sung một số loại vitamin như vitamin D, vitamin C… nhằm tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi và đảm bảo đủ dinh dưỡng để hồi phục cơ thể.

Các thuốc hỗ trợ điều trị Rubella- Ảnh 3.

Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ để trẻ nhanh hồi phục.

2. Lưu ý khi điều trị Rubella ở phụ nữ mang thai

Bệnh Rubella rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai, đặc biệt là ba tháng đầu của thai kỳ. Đây là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virus có thể qua hàng rào nhau thai xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc Rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.

Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường,vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe giống nòi. Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của Hội chứng này.

Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70%- 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm virus Rubella trong 3 tháng đầu mang thai.

Các thuốc hỗ trợ điều trị Rubella- Ảnh 4.

Phụ nữ mang thai mắc Rubella cần được bác sĩ khám và tư vấn.

Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời ở phụ nữ mang thai mắc Rubella là rất quan trọng. Nếu phát hiện mắc bệnh, phụ nữ mang thai cần đi khám bác sĩ để có chỉ định điều trị cụ thể.

- Với phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu: Tư vấn đình chỉ thai nghén khi đã có chẩn đoán xác định.

- Phụ nữ có thai từ 13 đến 18 tuần: Cần chọc ối để xét nghiệm chẩn đoán xác định. Tất cả các trường hợp tìm thấy rubella trong nước ối đều tư vấn đình chỉ thai, các trường hợp âm tính tiếp tục theo dõi.

- Phụ nữ có thai trên 18 tuần: Nguy cơ con bị Rubella bẩm sinh thấp, theo dõi thai kỳ bình thường.

3. Phòng bệnh Rubella

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch.

- Tránh đưa tay lên mắt và mũi, miệng.

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.

- Những người tiếp xúc gần với người bệnh Rubella nên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người bệnh Rubella. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và trang bị phòng hộ cá nhân.

- Hạn chế tập trung đông người, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch.

- Không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát đũa …), đồ chơi hoặc đồ vật dễ dính chất tiết mũi họng.

- Trẻ em nhiễm Rubella bẩm sinh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với phụ nữ có thai và trẻ em khác từ khi sinh ra đến khi trẻ được 1 tuổi.

- Có thể phòng Rubella bằng vacccine. Hiện có loại vaccine Rubella đơn và vaccine phòng Rubella kết hợp với các loại vaccine khác như vaccine phòng bệnh sởi ở trẻ em (MR), sởi và quai bị (MMR), hoặc sởi, quai bị và thủy đậu (MMRV).

Tiêm vaccine cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Tiêm vaccine cho những người chưa tiêm phòng hoặc những người chưa có miễn dịch, đặc biệt cho phụ nữ ở tuổi sinh đẻ.

- Không tiêm phòng vaccine Rubella cho phụ nữ đang mang thai. Chỉ nên có thai sau khi tiêm phòng ít nhất 1 tháng. Nếu mang thai sau khi tiêm phòng thì an toàn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Loét da, bong vảy do tự ý tắm lá thuốc của thày lang.


BS. Nguyễn Hữu Thảo
Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc
Ý kiến của bạn