1. Nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân đái tháo đường
Đột quỵ não, nhất là nhồi máu não, do 2 nguyên nhân là lòng mạch máu hẹp, thành mạch xơ cứng và tình trạng tăng đông. Cả hai yếu tố này đều hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, do đó bệnh nhân đột quỵ não do biến chứng đái tháo đường chiếm tỷ lệ khá cao.
Lượng đường trong máu tăng cao liên tục là nguyên nhân gây tổn thương, rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu dẫn đến hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch và mất đi sự đàn hồi của mạch máu.
Bên cạnh đó, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch: Nếu tắc mạch vành sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tắc mạch não gây đột quỵ nhồi máu não, tắc mạch phổi, tắc mạch chi...
Ở bệnh nhân đột quỵ não, tùy vào phần não bị tổn thương mà những bệnh nhân tai biến sẽ gặp những biến chứng khác nhau, trong đó biến chứng ở người bị đái tháo đường thường gặp là:
- Liệt hoặc yếu tay, chân, nửa người hoặc toàn thân: Tùy mức độ mà bệnh nhân có thể hồi phục một phần hoặc không hồi phục, hiếm người có thể hồi phục hoàn toàn khả năng vận động.
- Biến chứng do nằm lâu: loét các điểm tì, viêm đường tiết niệu, viêm đường hô hấp…
- Liệt mặt: Nguyên nhân là do liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh tai biến gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống.
- Suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ.
- Dễ xúc động, rối loạn trầm cảm.
- Nói khó, nói ngọng, khó khăn trong giao tiếp.
- Mất khả năng tự chăm sóc bản thân.
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với những người khác.
2. Lưu ý kiểm soát biến chứng đột quỵ ở người bệnh đái tháo đường
2.1. Kiểm soát đường huyết
Để ngăn ngừa đột quỵ, người bệnh đái tháo đường cần theo dõi chặt chẽ đường huyết, duy trì chỉ số HbA1C ở mức dưới 7,0%, tốt nhất khoảng 6,0 -6,5% bằng các loại thuốc uống, có thể kết hợp thêm insulin nếu bác sĩ thấy cần thiết.
Ngoài insulin thì có các nhóm thuốc sau để kiểm soát đường huyết:
- Nhóm sulfonylurea: Kích thích tụy tiết thêm insulin, giúp cơ thể sử dụng tốt insulin, ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu. Nhóm này có ưu điểm là sử dụng được lâu năm, nhưng nhược điểm là gây hạ glucose huyết và tăng cân. Các hoạt chất thường dùng là gliclazide, glimepiride...
- Nhóm biguanid: Ức chế gan đưa glucose dự trữ vào máu và giúp cơ thể sử dụng tốt insulin. Thuốc có ưu điểm là có thể sử dụng lâu năm. Khi dùng đơn độc không gây hạ glucose huyết, không làm thay đổi cân nặng hoặc có thể giảm cân, giảm LDL-cholesterol, giảm triglycerides, giảm nguy cơ tim mạch và tử vong nhưng chống chỉ định ở bệnh nhân suy thận và dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Hoạt chất thông dụng nhất là metformin. Đây cũng là thành phần thường xuyên được kết hợp cùng nhóm thuốc khác trong các loại thuốc kết hợp.
- Thuốc ức chế men DPP-4: Ức chế hoạt động men DPP-4, làm tăng GLP-1, làm giảm đường huyết do kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Thuốc có ưu điểm là dùng đơn độc không gây hạ glucose huyết, dung nạp tốt tuy nhiên có thể gây dị ứng, ngứa.
Các hoạt chất thông dụng là: Sitagliptin, vildagliptin, saxagliptin, linagliptin... Hiện nay các hãng dược hay kết hợp nhóm này với metformin.
- Nhóm ức chế SGLT2: Ức chế tác dụng của kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2 tại ống lượn gần, tăng thải glucose qua đường niệu. Khi dùng đơn độc ít gây hạ glucose huyết, giảm cân nặng, giảm huyết áp, giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên nhóm này có thể gây nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm ceton acid.
Các hoạt chất thông dụng là dapagliflozin, empagliflozin. Nhóm này thường được kết hợp với metformin để tăng hiệu quả và tăng sự tiện lợi cho bệnh nhân.
- Các thuốc khác: Ngoài ra còn có nhóm ức chế men alpha-glucosidase (acarbose/glucobay), nhóm meglitinide với hoạt chất là repaglinide và nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 được dùng dưới dạng bút tiêm như liraglutide, semaglutide, exenatide…
Để ngăn ngừa đột quỵ, người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết một cách chặt chẽ.
2.2. Kiểm soát các bệnh kèm theo
- Kiểm soát huyết áp: Nên duy trì con số huyết áp ở mức 120/80 mmHg. Thuốc thường dùng để hạ huyết áp cho bệnh nhân đái tháo đường là nhóm ức chế thụ thể angiotensin II, ví dụ losartan, valsartan, telmisartan...
- Kiểm soát chức năng đông máu: Nên xét nghiệm chức năng đông máu hàng tháng, đảm bảo chỉ số INR ở mức cho phép (thường từ 1,5-2,0) bằng cách dùng thuốc ức chế kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel/Plavix…), thuốc kháng đông thế hệ mới (ức chế yếu tố Xa: rivaroxaban/Xarelto, apixaban/Eliquis…) hoặc nếu có huyết khối ở tim thì cần dùng thuốc kháng vitamin K (acenocoumarol, dicoumarol…).
- Kiểm soát mỡ máu: Dùng các nhóm fibrat, statin để kiểm soát nồng độ lipid máu, giúp hạn chế tình trạng xơ vữa thành mạch.
- Đề phòng biến chứng thần kinh ngoại biên: Dùng các vitamin nhóm B, thioctic acid (là một loại omega-3, alpha lipoic acid)...
2.3. Chế độ ăn uống
Người bệnh đái tháo đường không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn bất kỳ một loại thực phẩm nào. Điều quan trọng là cần duy trì chế độ ăn uống điều độ, vừa phải để đảm bảo dinh dưỡng và cơ thể khỏe mạnh.
Người bệnh đái tháo đường không nên bỏ bữa, tránh tình trạng quá đói hoặc quá no khiến đường huyết không ổn định. Tốt nhất nên chia nhỏ thành 4 - 5 bữa ăn mỗi ngày, thêm các bữa ăn phụ để tránh tình trạng quá đói, gây hạ đường huyết.
Người bệnh đái tháo đường nên duy trì chế độ ăn uống điều độ, vừa phải để đảm bảo dinh dưỡng và cơ thể khỏe mạnh.
2.4. Luyện tập thể thao
Chế độ luyện tập thể thao hàng ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường. Không chỉ có tác dụng ngăn ngừa biến chứng đột quỵ, tập thể dục đúng cách còn giúp người bệnh đái tháo đường cải thiện tâm trạng, nâng cao chất lượng giấc ngủ…
Người bệnh đái tháo đường nên cố gắng tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các hình thức tập luyện phù hợp bao gồm đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, thái cực quyền… Trong sinh hoạt hàng ngày, có thể tranh thủ vận động nhẹ nhàng bằng cách leo cầu thang bộ, làm vườn… cũng giúp cơ xương khớp khỏe mạnh và tránh những biến chứng đái tháo đường.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bà bầu viêm phổi nặng và thai nhi 34 tuần tuổi được cứu sống I SKĐS