Các thuốc gây độc cho gan

28-01-2016 14:31 | Dược
google news

SKĐS - Phần lớn thuốc khi vào cơ thể được chuyển hóa tại gan trước khi được đào thải qua đường mật hoặc qua thận.

Phần lớn thuốc khi vào cơ thể được chuyển hóa tại gan trước khi được đào thải qua đường mật hoặc qua thận. Bình thường, thuốc đưa vào cơ thể là chất không độc, nhưng sau khi được chuyển hóa tại gan, một số thuốc trở thành chất gây độc với chính bản thân gan.

Thuốc có thể gây độc cho gan ở các mức độ khác nhau từ nhẹ đến hoại tử rất nặng, bệnh có thể cấp tính nhưng cũng có thể mạn tính. Bệnh thường xuất hiện trong vòng từ 5 - 90 ngày sau khi dùng thuốc, với biểu hiện rất khác nhau từ chán ăn, mệt mỏi cho đến vàng da, nước tiểu vàng, đau tức vùng gan, xuất huyết dưới da, thậm chí có thể xuất hiện xuất huyết tiêu hóa, hôn mê gan, suy gan nặng dẫn đến tử vong. Với sự ra đời của nhiều thuốc mới, danh sách các thuốc gây độc cho gan ngày càng dài thêm, trong đó phải kể đến các nhóm thuốc như giảm đau hạ sốt, thuốc kháng virut, thuốc điều trị lao...

Một số thuốc rất độc với gan, gây nên các bệnh gan mạn tính.

Một số thuốc rất độc với gan, gây nên các bệnh gan mạn tính.

Thuốc kháng retrovirus

Phần lớn các thuốc kháng retrovirus ức chế men transcriptase ngược hay kháng protease, gây viêm gan. Tổn thương gan rất đa dạng từ nhiễm mỡ gan đến viêm gan cấp, tiến triển bệnh có thể dẫn đến tử vong. Cơ chế gây độc rất đa dạng hoặc do tạo thành các chất chuyển hóa gây phản ứng và ức chế chuyển hóa ở các thể hạt trong gan, hoặc có thể tác động đến gan do kích động lại các bệnh viêm gan siêu vi B và C.

Thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol

Đây là thuốc dùng phổ biến để điều trị giảm sốt. Thuốc gây độc cho gan tùy theo liều sử dụng. Khi điều trị cần chú ý xem xét liều lượng gây độc cho gan. Với liều nhỏ hơn 2 - 3g/ngày, paracetamol thấy an toàn và bệnh nhân chịu đựng được. Khi dùng đường uống với liều lớn hơn 10 - 15g sẽ đưa đến tổn thương gan nặng thường sẽ tử vong, liều này dùng khi có ý định tự sát. Tổn thương gan do paracetamol là dạng phổ biến của bệnh gan do thuốc. Ở người nghiện rượu, liều paracetamol thông thường điều trị vẫn có thể gây độc cho gan, vì vậy phải cẩn thận khi dùng paracetamol cho người nghiện rượu, không dùng nước uống có cồn để uống paracetamol.

Thuốc chống lao

Các thuốc như isoniazid, rifampicin, streptomycin..., đặc biệt là isoniazid (INH). Từ giữa thế kỷ 20, INH là thuốc điều trị chính cho bệnh lao. Sự tăng men gan xuất hiện vài tuần sau khi bắt đầu điều trị lao khoảng 10 - 20% bệnh nhân dùng INH. Sự tăng men gan này thường ở mức vừa phải và không liên quan dấu hiệu hay triệu chứng bệnh gan. Ở nhiều bệnh nhân tăng men gan tiếp tục dùng INH vẫn chịu đựng được và có thể sau đó men gan lại trở về gần bình thường. Nếu có tăng men gan, ngưng dùng INH thì men gan trở về bình thường trong vòng 1 - 4 tuần. Tuy nhiên vẫn có ít bệnh nhân khi dùng INH có thể suy gan cấp (có thể xảy ra khoảng 0,1 - 2% bệnh nhân). Bệnh nhân lớn hơn 50 tuổi có nhiều nguy cơ bị viêm gan khi dùng INH, trẻ em ít khi có tổn thương gan xảy ra. Bệnh nhân nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam. Khi điều trị nên theo dõi kỹ  để phát hiện viêm gan do INH để ngưng điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nặng cho gan.

Vitamin A

Uống vitamin A quá nhiều là nguyên nhân gây ngộ độc gan phụ thuộc vào liều lượng có thể đưa đến xơ gan. Uống thường xuyên liều lớn vitamin A (>25.000 đơn vị/ngày) có thể gây ngộ độc mạn tính và tổn thương gan. Tổn thương gan có thể xảy ra khi uống 15.000 - 40.000 đơn vị/ngày trong một năm, nhưng liều cao hơn có thể ngộ độc trong vòng vài tháng. Tổn thương gan nhiều hay ít tùy thuộc liều lượng và thời gian sử dụng. Nhiều bệnh nhân có bệnh gan do vitamin A gây ra có khi không nhận thấy, chỉ khi bác sĩ lâm sàng thấy có hiện tượng bệnh nhân dùng vitamin A kéo dài kèm viêm gan mỡ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa thì mới phát hiện ra. Người nghiện rượu nguy cơ càng cao.

Một số nhóm thuốc khác

Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng có thể gây hại gan như thuốc điều trị nấm (nystatin, ketoconazole, fuconazole), thuốc kháng giáp trạng (PTU, MTU), thuốc điều trị đái tháo đường (sulfamid, troglitazone, rosiglitazole), thuốc điều trị bệnh tim mạch (amiodazon, methyldopa, quinidine), thuốc chống co giật (phenytoin, carbamazepin)...

Bên cạnh những tác dụng phụ của thuốc, chúng ta cũng cần chú ý một số yếu tố làm tăng độc tính của thuốc đối với gan đó là rượu (rượu làm tăng độc tính của hầu hết thuốc đối với gan trong đó phải kể đến paracetamol, isoniazid); có bệnh lý gan mật từ trước (như viêm gan mạn tính, xơ gan...); liều lượng của thuốc (một số thuốc dùng ở liều thấp thì an toàn nhưng dùng ở liều cao hoặc quá liều sẽ gây ngộ độc cấp cho gan); sự tương tác giữa các thuốc làm tăng khả năng gây độc cho gan (sự phối hợp giữa isoniazid với rifampicin sẽ làm tăng độc tính của rifampicin với gan).

Chính vì vậy, để dùng thuốc an toàn, người bệnh cần hết sức tuân thủ hướng dẫn, y lệnh của bác sĩ, không được lạm dụng thuốc và tự ý dùng thuốc, khi dùng thuốc mà có biểu hiện như chán ăn sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện và điều trị kịp thời.

ThS. Nguyễn Vân Anh


Ý kiến của bạn