Hà Nội

Các thuốc dùng trong viêm phế quản cấp

31-12-2022 16:40 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vào mùa lạnh, tỷ lệ mắc các bệnh lý đường hô hấp tăng cao, nhất là viêm phế quản cấp. Bệnh thường diễn tiến lành tính, khi khỏi không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị dứt điểm bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi.

Viêm phế quản cấpViêm phế quản cấp

SKĐS - Thời tiết giao mùa, nhất là ở các tỉnh miền Bắc tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp tăng cao. Phổ biến là cảm lạnh thông thường, viêm phế quản, hen phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...

1. Viêm phế quản cấp là gì?

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của phế quản mà trước đó phế quản không có tổn thương. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và hay xảy ra vào mùa lạnh, đông xuân... Đây là mùa thích hợp cho sự phát triển của virus – tác nhân chính gây viêm phế quản cấp.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp thường do: Virus; vi khuẩn (ít gặp hơn) và thường là bội nhiễm thứ phát sau nhiễm virus; hít phải hơi độc (khí SO2, Clo, Amoniac, acid, dung môi công nghiệp, khói do cháy nhà...).

Một số yếu tố thuận lợi gây bệnh như: Thời tiết quá lạnh (thay đổi thời tiết đột ngột), không khí quá ẩm hoặc quá nóng, bụi không khí hoặc bụi nghề nghiệp, cơ thể suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, các tác nhân hóa học như hơi kiềm, acid, các độc chất…

Các thuốc dùng trong vviêm phế quản cấp - Ảnh 2.

Thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là vào mùa lạnh, tỷ lệ mắc các bệnh lý đường hô hấp tăng cao, nhất là viêm phế quản cấp.

Bệnh thường bắt đầu bằng viêm long đường hô hấp trên với các biểu hiện như: Sốt nhẹ, viêm mũi họng, hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho khan…

Người bệnh thường không sốt, một số trường hợp có thể có sốt nhẹ, nhưng sốt cao hoặc kéo dài là bất thường và gợi ý cúm, viêm phổi hoặc COVID-19.

2. Điều trị bệnh như thế nào?

2.1. Phương pháp không dùng thuốc

- Uống trà gừng mật ong: Gừng tươi có tính ấm, vị cay nóng, có công dụng sát khuẩn, chống viêm khá cao. Kết hợp với mật ong sẽ giúp làm dịu cơn đau họng, ho khan do viêm phế quản cấp một cách hiệu quả.

- Xông hơi, sử dụng máy tạo ẩm: Khi hít không khí ẩm và ấm có thể làm giảm bớt tình trạng kích ứng của phế quản, làm dịu cơn ho, làm lỏng chất nhầy và giúp chất nhầy dễ dàng tống ra khỏi đường thở hơn. Tuy nhiên, nếu độ ẩm quá cao có thể gây ra các vấn đề về hô hấp cũng như làm bùng phát bệnh dị ứng và hen suyễn.
- Nghỉ ngơi: Một trong những triệu chứng chính của bệnh viêm phế quản cấp là mệt mỏi do tình trạng viêm nhiễm và ho dai dẳng kèm theo. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể sửa chữa mô tổn thương và tái tạo ra mô mới, tăng cường hệ thống miễn dịch và hỗ trợ phục hồi sau nhiễm trùng. Khuyến cáo rằng người lớn cần ngủ 7-8 giờ mỗi ngày và trẻ em khoảng 10-12 giờ mỗi ngày.

- Uống đủ nước giúp loãng đàm và chất nhầy mũi, làm ẩm cổ họng.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt phù hợp giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.

- Mang khẩu trang khi không khí bị ô nhiễm hoặc nếu phải tiếp xúc với chất kích thích.

- Không nên hút thuốc bất kể là thuốc lào hay thuốc lá.

- Vận động cơ thể đều đặn, chú ý tập thở (hít sâu, thở ra từ từ) hoặc đi bộ (vừa đi vừa hít thở đều đặn).

Các thuốc dùng trong viêm phế quản cấp - Ảnh 3.

Viêm phế quản cấp cần điều trị sớm và đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm.

2.2. Các thuốc điều trị viêm phế quản cấp

Ở người lớn, viêm phế quản cấp đơn thuần có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Một số loại thuốc điều trị triệu chứng bao gồm:

Thuốc giảm ho, long đờm:

Ho là một phản xạ có lợi của cơ thể nhằm tống đờm và dịch nhầy ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu ho quá nhiều gây mất ngủ, nôn ói… người bệnh cần được điều trị giảm triệu chứng. Có 2 loại thuốc không kê đơn thường được sử dụng trên lâm sàng bao gồm:

Thuốc giảm ho giúp giảm ho khan bằng cách ngăn chặn phản xạ ho. Trường hợp bệnh nhân ho khan nhiều gây mất ngủ có thể sử dụng một trong số các thuốc giảm ho như: Codein hoặc dextromethorphan... Liêu dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc long đờm giúp làm loãng và tiết chất nhầy khi bệnh nhân ho có đờm. Một số thuốc làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcysteine, bromhexine... Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng là một biện pháp điều trị hỗ trợ quan trọng giúp làm loãng đờm hiệu quả. Trong trường hợp ho có đờm, người bệnh không nên tự ý sử dụng các thuốc giảm ho, do các thuốc này thường làm giảm việc bài tiết đờm, từ đó làm chậm trễ sự hồi phục của bệnh nhân.

Thuốc hạ sốt:

Bệnh nhân có thể dùng thuốc hạ sốt khi có sốt cao từ 38,5 độ C trở lên. Hai loại thuốc hạ sốt thường được sử dụng là ibuprofen và paracetamol.

Thuốc giãn phế quản:

Bệnh nhân có co thắt phế quản, xuất hiện triệu chứng thở khò khè có thể sử dụng thuốc giãn phế quản cường β2 dạng phun hít (terbutanyl và salbutamol). Tuy nhiên chỉ khí dung nếu tình trạng khò khè có sự cải thiện phần nào sau khí dung. Không nên sử dụng các loại thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà lại có tác dụng phụ như: Run tay, hồi hộp, đánh trống ngực, đỏ mặt...

Thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi:

Khuyến khích bệnh nhân nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý do phương pháp này có độ an toàn cao hơn nhiều và không có tác dụng phụ so với các thuốc chống sung huyết mũi hay các thuốc kháng histamin thường được dùng. Bên cạnh đó, có thể dùng máy tạo độ ẩm trong phòng để giảm bớt triệu chứng sổ mũi, ngạt khô mũi.

Thuốc kháng virus:

Không khuyến cáo sử dụng thường quy, tuy nhiên bác sĩ có thể cân nhắc nếu nghi ngờ tác nhân là virus cúm. Nếu dùng, cần cho thuốc kháng virus sớm trong vòng 36 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng để phát huy tác dụng tốt nhất.

Kháng sinh:

Viêm phế quản cấp đa số là do virus, vì vậy, trong nhiều trường hợp không cần sử dụng kháng sinh. Hầu hết các trường hợp bệnh tự giới hạn và khỏi sau 2-3 tuần. Một số có biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi, các trường hợp này cần được điều trị bằng kháng sinh.

Liệu pháp kháng sinh chỉ được dùng khi có chỉ điểm nhiễm trùng do vi khuẩn như:

- Tổng trạng xấu, sốt kéo dài, khạc đờm màu vàng, xanh hoặc mủ rõ.

- Người có kèm các bệnh mạn tính nghiêm trọng như ung thư, suy tim, các bệnh lý khác: Phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch.

- Đối tượng bệnh nhân cao tuổi (trên 65 tuổi) có ho cấp tính kèm thêm hai hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau: Bệnh nhân nhập viện trong 1 năm trước, có đái tháo đường type 1 hoặc type 2, tiền sử suy tim xung huyết, hiện đang dùng corticoid uống.

3. Khi nào thì cần đến bác sĩ?

Hầu hết những người bị ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh không cần phải gặp bác sĩ. Bạn nên gặp bác sĩ nếu: 

- Có sốt dai dẳng. Nếu người bệnh vừa có ho nhiều và sốt cao, dai dẳng thì cần đến bác sĩ vì rất có thể đây là biểu hiện của bệnh viêm phổi.

- Đau ngực khi ho, khó thở hoặc khạc ra máu.

- Ho nặng hơn.

- Ho kèm theo sụt cân không giải thích được.

- Ho dai dẳng ở người trên 75 tuổi.

- Ho trên bệnh nền tim, phổi mạn tính.

Xem thêm video đang được quan tâm:

4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải.

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn