1. Các thuốc thường dùng điều trị sỏi thận
Tùy thuộc vào loại sỏi thận, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp loại bỏ sỏi hiện có hoặc ngăn chặn phát triển. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc để ngăn ngừa sỏi thận tái phát.
1.1. Thuốc kháng viêm không steroid
Tác dụng: Các thuốc thường dùng là ibuprofen, diclofenac, kerolac... Do ức chế tổng hợp chất prostaglandin, nên khi dùng các thuốc kháng viêm không steroid, cơn đau do sỏi thận sẽ dịu đi. Tác dụng giảm đau của nhóm này tuy chậm nhưng lại mạnh hơn, nhất là khi dùng đường tiêm.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ: Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt...
Sỏi thận nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
1.2. Thuốc chẹn alpha
Tác dụng: Giúp thư giãn các cơ niệu quản - cơ quan dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang và giảm co thắt trong các ống này, giúp giảm bớt bất kỳ cơn đau nào bạn có thể gặp phải khi sỏi thận trôi qua. Việc sử dụng thuốc cũng có thể giúp một số lượng lớn sỏi nhỏ trôi qua nhanh hơn, mất vài ngày thay vì vài tuần.
Các thuốc bao gồm tamsulosin hoặc thuốc kết hợp dutasteride và tamsulosin.
Tác dụng phụ: Tác dụng phụ của tamsulosin là chóng mặt và gặp vấn đề khi xuất tinh (chẳng hạn như có ít hoặc không có tinh dịch).
Lưu ý: Khi dùng tamsulosin lần đầu, người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc bắt đầu đổ mồ hôi. Để giảm tình trạng này, người bệnh nên ngồi hoặc nằm xuống cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn. Không uống rượu, lái xe hoặc vận hành máy móc. Uống tamsulosin 1 lần mỗi ngày, sau bữa sáng hoặc bữa ăn đầu tiên trong ngày.
1.3. Kali citrat
Tác dụng: Kali citrat để giúp ngăn ngừa sỏi thận phát triển lớn hơn hoặc tái phát. Kali citrate cũng có thể được sử dụng để giúp hòa tan và ngăn ngừa sỏi thận do axit uric.
Chống chỉ định: Không dùng thuốc cho bệnh nhân tăng kali máu hoặc những người có các bệnh lý dễ dẫn đến tăng kali máu: Suy thận mạn tính, đái tháo đường không kiểm soát được, mất nước cấp tính, vận động gắng sức, suy tuyến thượng thận…
Bệnh nhân có nguyên nhân gây ngưng trệ hoặc chậm đưa viên thuốc qua đường tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng, nhiễm trùng đường tiết niệu đang hoạt động, suy thận, loạn nhịp thất, bệnh Addison... cũng không được dùng.
Tác dụng phụ: Có thể gặp buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Lưu ý: Tránh sử dụng potassium citrate ở bệnh nhân suy thận mạn tính, hoặc bất kỳ tình trạng nào khác làm suy giảm bài tiết kali như tổn thương cơ tim nặng hoặc suy tim. Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
1.4. Thuốc lợi tiểu thiazide
Tác dụng: Thuốc có thể làm giảm lượng canxi thải vào nước tiểu (hydrochlorothiazide, chlorthalidone hoặc indapamide…), giúp ngăn ngừa sỏi thận quay trở lại, đặc biệt ở những người có lượng canxi cao trong nước tiểu.
Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây hạ kali máu, bệnh gout, đái tháo đường mới khởi phát, dị ứng da và mức creatinine huyết tương vượt quá 150% mức cơ bản. Vì vậy việc sử dụng lâu dài điều trị sỏi thận phải được chỉ định của bác sĩ.
1.5. Thuốc kháng sinh
Tác dụng: Thuốc kháng sinh được dùng trong các trường hợp sỏi thận có dấu hiệu nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh có thể giúp giảm nguy cơ viêm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Tác dụng phụ: Thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn…
2. Lưu ý khi dùng thuốc trong bệnh sỏi thận
- Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ kê đơn dùng loại thuốc phù hợp.
- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Trong quá trình điều trị sỏi thận bằng thuốc, nếu có bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để được kịp thời xử trí.
Ngoài ra, người bệnh sỏi thận cũng cần có chế độ ăn uống phù hợp, ngăn chặn sỏi tái phát: Ăn ít thực phẩm giàu oxalate (củ cải đường, đậu bắp, rau bina, khoai lang, các loại hạt, trà, sô cô la, hạt tiêu đen và các sản phẩm từ đậu nành…), ăn ít muối và protein động vật, thận trọng khi bổ sung canxi, uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày)...
Xem thêm video đang được quan tâm:
8 thói quen giúp tránh xa sỏi thận.