Các thuốc dùng trị chứng ợ chua

15-03-2022 17:11 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hầu hết mọi người thỉnh thoảng bị ợ chua, nhưng một số người có các triệu chứng ợ chua thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn. Tùy thuộc vào tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các lựa chọn điều trị có thể khác nhau, trong đó có dùng thuốc.

1. Các thuốc dùng điều trị chứng ợ chua

1.1 Thuốc kháng axit có thể giảm ợ chua

Thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày, nên giúp giảm chứng ợ chua và khó tiêu.

Thành phần trong các sản phẩm thuốc kháng axit bao gồm: Canxi cacbonat, magie hydroxit, nhôm hydroxit, natri bicacbonat…

Thuốc kháng axit được bán dưới nhiều tên thương mại và có thể có sự khác nhau về công thức và thành phần ở mỗi sản phẩm.

Thuốc kháng axit có thể cản trở sự hấp thụ của một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị HIV. Vì vậy, người bệnh đang dùng bất cứ thuốc điều trị nào cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc kháng axit, để đảm bảo chúng không tương tác với bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng.

Các thuốc dùng trị chứng ợ chua - Ảnh 2.

Ợ chua là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

1.2 Thuốc chẹn H2

Thuốc chẹn H2, còn được gọi là thuốc đối kháng thụ thể H2, là loại thuốc làm giảm lượng axit trong dạ dày. Thuốc ngăn chặn một chất hóa học gọi là histamine-2 (H2) kích thích các tế bào sản xuất axit trong dạ dày.

Một số thuốc chẹn H2 như: Nizatidine, famotidine, cimetidine…

Các tác dụng phụ không phổ biến nhưng có thể bao gồm nhức đầu, tiêu chảy, mệt mỏi và chóng mặt.

1.3 Chất ức chế bơm proton (PPI)

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) cũng giúp ngăn chặn việc sản xuất axit dạ dày, theo một cách khác. Đó là, ức chế (tắt) một hệ thống được gọi là bơm proton không thể thiếu để sản xuất axit dạ dày.

Một số PPI bao gồm: Esomeprazole, omeprazole, lansoprazole…

PPI thường được dùng trong hai tuần và không nên sử dụng trong thời gian dài.

Các tác dụng phụ bao gồm nhức đầu, tiêu chảy, táo bón, đau dạ dày, ho, khàn giọng, buồn nôn và nôn.

Các thuốc trên có ở dạng kê đơn và không kê đơn.

Thuốc chẹn H2 theo đơn thường hiệu quả hơn phiên bản OTC nhưng cũng có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ hơn. Những loại thuốc này chỉ nhằm giảm bớt chứng ợ chua nặng trong thời gian ngắn.

Thuốc PPI theo đơn được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ và chỉ trong một thời gian giới hạn. Việc sử dụng PPIs mãn tính có liên quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương, bệnh thận và đau tim.

Các thuốc dùng trị chứng ợ chua - Ảnh 3.

Người bệnh cần tuân thủ liều dùng thuốc theo khuyến cáo.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

2.1 Dùng đúng liều và tuân thủ thời gian dùng thuốc

Khi dùng bất cứ thuốc nào trong các nhóm thuốc trên cũng đều cần tuân thủ liều dùng theo chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất (đối với thuốc không kê đơn). Tuân thủ khoảng cách giữa các liều dùng, khoảng cách dùng thuốc, cách uống thuốc…

2.2 Theo dõi tác dụng phụ của thuốc

Bên cạnh tác dụng có lợi, thuốc cũng có thể gây bất lợi cho người dùng. Vì vậy, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi các bất lợi của thuốc có thể xảy ra.

Tác dụng phụ của thuốc được ghi rất rõ trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ tờ hướng dẫn này. Nếu gặp bất thường hoặc bệnh trở nên trầm trọng hơn, cần đi khám.

2.3 Không lạm dụng thuốc

Một số người thường tham khảo đơn thuốc của nhau khi có cùng triệu chứng hoặc tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc dùng theo đơn thuốc cũ…

Điều này không nên, bởi có cùng triệu chứng chưa chắc đã cùng bệnh, hoặc đợt mắc bệnh trước chưa hẳn đã giống đợt mắc bệnh lần này…

Vì thế việc dùng thuốc có thể không đúng với tình trạng bệnh, sẽ không hiệu quả mà còn có nguy cơ gặp phải bất lợi của thuốc.

Khi có bệnh tốt nhất người bệnh cần đi khám. Tùy thuộc vào mức độ và triệu chứng của bệnh bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dùng phù hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Trưa 14/3: Số ca mới tăng gấp đôi trong 24h, Trung Quốc đối mặt đợt dịch tồi tệ chưa từng thấy



DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn