Các thuốc dùng điều trị Hội chứng Mittelschmerz

24-04-2025 09:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Mittelschmerz hay còn gọi là tình trạng đau khi rụng trứng, chủ yếu là phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản. Điều trị thường là sử dụng thuốc giảm đau và thực hiện chế độ sinh hoạt để làm giảm triệu chứng...

1. Ai có nguy cơ mắc Hội chứng Mittelschemerz

Hội chứng Mittelschmerz gặp ở phụ nữ có khả năng phóng noãn, nhưng chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tình trạng này xảy ra trong quá trình rụng trứng, khi nang trứng vỡ và giải phóng trứng. Một số phụ nữ bị đau do Hội chứng Mittelschmerz hằng tháng, nhưng một số khác chỉ thỉnh thoảng bị đau. Đau do Mittelschmerz thường chỉ vài phút đến vài giờ, nhưng cũng có thể kéo dài 1–2 ngày.

Các triệu chứng của Hội chứng Mittelschmerz gồm:

  • Đau đột ngột và đau nhói ở một phía của bụng dưới (trái hoặc phải) giữa kỳ kinh.
  • Đau âm ỉ và giống như bị co thắt, có thể kèm theo chảy máu âm đạo nhẹ hoặc khí hư.
  • Cơn đau hiếm khi nghiêm trọng nhưng cũng có trường hợp cảm thấy bị sốt; chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Có thể kèm theo các triệu chứng khác như: Tiểu buốt, chán ăn, đi ngoài phân có máu hoặc nôn mửa...
Các thuốc dùng điều trị Hội chứng Mittelschmerz- Ảnh 1.

Siêu âm ổ bụng - một biện pháp hỗ trợ chẩn đoán Hội chứng Mittelschmerz.

2. Điều trị Hội chứng Mittelschmerz như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, đau do Hội chứng Mittelschmerz không cần chăm sóc y tế. Đối với những khó chịu nhỏ, có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc/và các biện pháp khác khắc phục tại nhà thường có hiệu quả. Nếu cơn đau do Hội chứng Mittelschmerz gây phiền hà, quá khó chịu thì cần liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.

Lưu ý, khi cơn đau giống như Hội chứng Mittelschmerz cũng có thể là một tình trạng nghiêm trọng khác như như viêm ruột thừa, viêm vùng chậu hoặc thậm chí có thai ngoài tử cung. Do đó nếu thấy đau nghiêm trọng kèm theo buồn nôn hoặc sốt hay cơn đau kéo dài không hết cần đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và loại trừ nguyên nhân nguy hiểm.

Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng Mittelschmerz bao gồm:

2.1 Uống nước: Cố gắng uống đủ nước ấm sẽ giúp giữ cho cơ thể đủ nước và giảm các triệu chứng.

2.2 Thuốc giảm đau: Để giảm bớt sự khó chịu từ mittelschmerz, có thể thử một loại thuốc không kê đơn như

- Acetaminophen (paracetamol): Là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt, thường được sử dụng để điều trị các cơn đau nhẹ đến trung bình. Liều dùng acetaminophen phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng. Mặc dù là thuốc có thể dùng không kê đơn, nhưng người bệnh cần lưu ý luôn tuân theo hướng dẫn trên nhãn thuốc hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Khi được sử dụng đúng liều lượng, acetaminophen khá an toàn và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, ở một số người có thể gặp phải số tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn; đau bụng; phát ban; phản ứng dị ứng (hiếm gặp).

Các nguy cơ khi dùng quá liều: Dùng quá liều acetaminophen có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Do đó, điều quan trọng là không được vượt quá liều khuyến cáo.

- Aspirin (acid acetylsalicylic): Có tác dụng giảm đau từ nhẹ đến trung bình.

Tác dụng phụ: Aspirin có thể gây ra một số tác dụng phụ, thường liên quan đến liều dùng và thời gian sử dụng, thường gặp bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa: Khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau bụng. Sử dụng aspirin thường xuyên có thể gây loét dạ dày tá tràng và xuất huyết tiêu hóa.
  • Tăng nguy cơ chảy máu: Do tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, aspirin có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm tím và kéo dài thời gian chảy máu sau phẫu thuật hoặc chấn thương.
  • Các tác dụng phụ ít gặp nhưng nghiêm trọng hơn bao gồm: Phản ứng dị ứng (phát ban, ngứa, sưng phù, khó thở, sốc phản vệ); ù tai, giảm thính lực (xảy ra khi dùng liều cao); Hội chứng Reye...

- Ibuprofen: Là một thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid (NSAID), có tác dụng giảm các cơn đau nhẹ đến trung bình.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc như rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn, đau bụng), chóng mặt, nhức đầu. Tác dụng phụ ít gặp như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, phát ban, ngứa, ù tai, nhìn mờ.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy ngừng dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ.

2.3 Thuốc tránh thai: Nếu Hội chứng Mittelschmerz gây ra rất nhiều khó chịu trong vài ngày và xảy ra hàng tháng, khi dùng thuốc giảm đau không hiệu quả, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết. Tùy tình hình thực tế, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai để giúp làm giảm triệu chứng. Các thuốc tránh thai ngăn ngừa sự rụng trứng, do vậy sẽ không còn bị đau do rụng trứng nữa.

+ Lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc tránh thai với mục đích giảm đau do Hội chứng Mittelschmerz:

- Đây chỉ là biện pháp phòng ngừa, không phải điều trị cơn đau. Thuốc tránh thai cần thời gian để có tác dụng ức chế rụng trứng, do vậy sẽ không thấy hiệu quả giảm đau ngay lập tức sau khi dùng thuốc.

- Là thuốc kê đơn cụ thể cho từng đối tượng, do đó bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa sản phụ để được tư vấn, kiểm tra sức khỏe và kê đơn phù hợp. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc tránh thai phù hợp với tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh và các yếu tố cá nhân khác trước khi kê đơn.

- Sau khi được kê đơn thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng thuốc, không chia sẻ đơn thuốc của mình cho người khác.

- Uống thuốc đúng liều lượng, vào cùng một thời điểm mỗi ngày để đảm bảo hiệu quả ngừa thai và ức chế rụng trứng.

- Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc.

- Nếu quên uống thuốc, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng cụ thể của loại thuốc đang dùng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ.

+ Lưu ý tác dụng phụ: Thuốc tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt là trong những tháng đầu sử dụng. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, đau đầu, căng tức ngực, thay đổi tâm trạng, tăng cân nhẹ. Các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhưng ít gặp như huyết khối (cục máu đông), tăng huyết áp, đau nửa đầu kèm theo các triệu chứng thần kinh.

Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào gây khó chịu hoặc lo lắng, hãy thông báo cho bác sĩ để được khắc phục.

Các thuốc dùng điều trị Hội chứng Mittelschmerz- Ảnh 3.

Hội chứng Mittelschmerz gây đau bụng dưới...

3. Lưu ý khi điều trị Hội chứng Mittelschmerz

Đa số các trường hợp mắc Hội chứng Mittelschmerz thường không cần điều trị đặc hiệu vì cơn đau thường nhẹ và tự khỏi sau vài giờ đến một vài ngày. Bệnh nhân không nên lạm dụng dùng thuốc.

Trước khi dùng thuốc, có thể áp dụng một số biện pháp để giảm nhẹ triệu chứng như theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và ghi lại thời điểm đau trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể giúp dự đoán được thời điểm đau trong các chu kỳ tiếp theo. Lưu ý ghi lại cả các triệu chứng khác đi kèm với cơn đau như vị trí đau, tính chất đau và các triệu chứng khác... Khi có được các ghi nhớ này sẽ có kế hoạch dự phòng cơn và sử dụng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc, gồm:

+ Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gắng sức khi cảm thấy đau.

+ Chườm ấm, đặt túi chườm ấm hoặc chai nước ấm lên vùng bụng dưới bị đau có thể giúp thư giãn cơ và giảm đau.

+ Tắm nước ấm cũng có thể mang lại cảm giác thư giãn và giảm đau.

+ Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền hoặc yoga nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng thẳng và cảm giác đau.

Khi thực hiện các biện pháp nêu trên mà không mang lại hiệu quả thì mới sử dụng đến biện pháp dùng thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Vì sao bụng dưới đau quặn mỗi kỳ đèn đỏ? | SKĐS #shorts


BS.Đỗ Thị Dung
Ý kiến của bạn