Các thuốc điều trị viêm tai xương chũm

18-04-2025 16:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm tai xương chũm là một biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.

1. Các thuốc điều trị viêm tai xương chũm cấp tính

Trước đây, việc chẩn đoán viêm tai xương chũm cấp tính đồng nghĩa với chỉ định can thiệp ngoại khoa, chủ yếu là phẫu thuật khoét bỏ phần xương chũm bị viêm. 

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, sự tiến bộ trong điều trị nội khoa – đặc biệt là hiệu quả của các nhóm thuốc kháng sinh và kháng viêm – đã giúp hạn chế đáng kể chỉ định phẫu thuật trong điều trị viêm tai xương chũm cấp tính.

1.1. Kháng sinh

Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến là các Cephalosporin thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Đây là nhóm kháng sinh phổ rộng, có khả năng diệt khuẩn đối với nhiều loại vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Phác đồ điều trị thường bắt đầu bằng đường tiêm tĩnh mạch nhằm đạt nồng độ điều trị nhanh, sau đó chuyển sang đường uống tùy theo đáp ứng lâm sàng và mức độ bệnh.

Các thuốc điều trị viêm tai xương chũm- Ảnh 1.

Người bị viêm tai xương chũm cũng tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định.

Liều dùng kháng sinh cần được điều chỉnh tùy theo mức độ suy thận, dựa vào độ thanh thải creatinine của bệnh nhân. Để đảm bảo hiệu quả, kháng sinh cần được sử dụng đúng liều, đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý ngưng thuốc khi triệu chứng lâm sàng cải thiện (như hết sốt, giảm đau...) có thể dẫn đến tái phát hoặc kháng thuốc.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng, đặc biệt là Probenecid – thuốc có thể làm tăng và kéo dài nồng độ Cephalosporin trong huyết tương. 

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng nhóm thuốc này bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng nhẹ... thường mang tính chất thoáng qua. Tuy nhiên, cần cảnh giác với các phản ứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng như hoại tử da, viêm da tróc vẩy, hoặc hội chứng mụn mủ toàn thân cấp tính.

1.2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Các thuốc NSAIDs như Ibuprofen hoặc Diclofenac thường được sử dụng với mục đích giảm viêm, giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định ở bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, bệnh hen phế quản, rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai (trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối), và phụ nữ đang cho con bú.

1.3. Thuốc nhỏ tai

Thuốc nhỏ tai có thành phần kháng sinh và kháng viêm, được phân loại dựa trên tình trạng màng nhĩ:

  • Trường hợp không thủng màng nhĩ: Sử dụng các thuốc nhỏ phối hợp như Cortiphenicol hoặc Polydexa – giúp giảm viêm và tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ.
  • Trường hợp thủng màng nhĩ: Cần lựa chọn các chế phẩm an toàn cho ốc tai như Rifamycin hoặc Ileffexin, để tránh nguy cơ tổn thương thính giác.

Ngoài ra, các thuốc có tác dụng sát khuẩn và giảm đau như cồn Boric ấm, Otipax... cũng được sử dụng hỗ trợ điều trị triệu chứng.

1.4. Thuốc nhỏ mũi

Thuốc nhỏ mũi có vai trò hỗ trợ làm sạch hốc mũi, giảm phù nề niêm mạc, làm thông thoáng vòi nhĩ – từ đó giúp dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài. Các thuốc thường dùng bao gồm: Sunfarin, Collydexa, Naphazoline, Xylomethazoline...

2. Các thuốc điều trị viêm tai xương chũm mạn tính

Viêm tai xương chũm mạn tính được chia thành hai thể lâm sàng:

  • Thể nguy hiểm (ví dụ: viêm tai giữa có cholesteatoma): Cholesteatoma là tổ chức có khả năng ăn mòn xương, dễ xâm lấn vào nội sọ và gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, áp-xe não. Thể này bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa.
  • Thể không nguy hiểm: Ở giai đoạn cấp, điều trị nội khoa tương tự như viêm xương chũm cấp tính. Trong giai đoạn ổn định (không cấp), việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc nhỏ tai đơn thuần.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Dù ở thể nào, người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, do nguy cơ biến chứng nặng nề như điếc không hồi phục, đặc biệt ở trẻ em có thể dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ hoặc câm bẩm sinh.

Viêm tai xương chũm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaViêm tai xương chũm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Viêm tai xương chũm là một biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời.


BS.CKII Nguyễn Đình Trường
Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn