Các thuốc điều trị viêm tai giữa

22-06-2024 07:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm tai giữa là một bệnh phổ biến được kê kháng sinh và các thuốc khác điều trị triệu chứng. Điều trị viêm tai giữa thường phức tạp và dễ tái phát nếu không được sử dụng đúng thuốc và đúng phác đồ.

1. Các thuốc điều trị triệu chứng viêm tai giữa

- Thuốc giảm đau: Khi bị viêm tai giữa, sẽ bị đau tai và sốt, do đó cần sử dụng thuốc giảm đau. Thuốc thông thường giảm đau hạ sốt là ibuprofen hoặc acetaminophen đường toàn thân.

Bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên, chưa thủng màng nhĩ, có thể thay thế bằng thuốc tê benzocain, procain, lidocain nhỏ tại chỗ. Những thuốc này không được dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì nguy cơ thiếu máu do MetHemoglobin.

- Thuốc chống sung huyết và kháng histamin: Nếu bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp và có hoặc nghi ngờ viêm mũi dị ứng, có thể cân nhắc cho một thuốc chống sung huyết mũi và kháng histamin để giải quyết triệu chứng tại mũi.

Các thuốc chống sung huyết, co mạch, chống viêm, giảm phù nề... giúp dịch mủ dễ thoát, trả lại sự thông thoáng cho tai giữa và mũi, họng. Các loại thuốc này giúp phục hồi niêm mạc viêm trong tai giữa và dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài dễ dàng qua đường vòi tai. Các loại thuốc hay được sử dụng là otrivin 0,05%, collydexa, sunfarin, naphazolin, xylometazolin,...

Các thuốc điều trị viêm tai giữa- Ảnh 1.

Trẻ bị viêm tai giữa có triệu chứng đau tai rất rõ rệt.

Nếu bệnh nhân không có viêm mũi dị ứng kèm theo thì không nên dùng các thuốc chống sung huyết và kháng histamin trong điều trị triệu chứng viêm tai giữa cấp. Do việc sử dụng thuốc chống sung huyết và kháng histamin đơn độc hay phối hợp làm gia tăng tác dụng phụ của thuốc và cũng không cải thiện được tình trạng bệnh cũng như tỉ lệ phải can thiệp ngoại khoa vì biến chứng. Ngoài ra việc sử dụng kháng histamin còn làm kéo dài hiện tượng chảy dịch tai giữa.

- Thuốc nhỏ tai: Dùng cho trường hợp viêm tai không thủng màng nhĩ là cortiphenicol, polydexa, cồn boric ấm, otipax... Với trường hợp viêm tai có thủng màng nhĩ, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng những thuốc nhỏ tai được bào chế bằng những kháng sinh có tính an toàn cao cho ốc tai như effexin, rifamycin...

2. Các kháng sinh điều trị viêm tai giữa

Tùy thuộc độ tuổi và tình trạng viêm tai giữa, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.

+ Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần điều trị kháng sinh ngay.

+ Với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi bị viêm tai giữa cấp 2 bên thì điều trị kháng sinh ngay. Nếu bị một bên mà triệu chứng nhẹ thì cho phép theo dõi trong khoảng từ 48-72 giờ trước khi dùng thuốc.

+ Với trẻ từ 2 tuổi trở lên dùng kháng sinh ngay khi:

  • Có dấu hiệu nhiễm độc.
  • Đau tai dai dẳng trên 48 giờ.
  • Có sốt trên 39 độ C trong vòng 48 giờ trước.
  • Bị cả 2 tai hoặc có chảy mủ.
  • Không đảm bảo trong việc theo dõi.

+ Đối với người lớn, sử dụng kháng sinh đường uống hoặc tiêm nhóm beta-lactam, nhóm quinolon, macrolid... là lựa chọn hàng đầu để trị bệnh viêm tai giữa.

Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống viêm corticoid ngắn ngày (7 - 10 ngày) hoặc thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc chống viêm giảm phù nề... để ngăn chặn tiến triển viêm, phục hồi cấu trúc mô bị tổn thương, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây viêm.

Lựa chọn kháng sinh trị viêm tai giữa ở trẻ

+ Dùng amoxicillin nếu trong vòng 1 tháng qua trẻ không dùng kháng sinh nhóm betalactam, không có tiền sử viêm tai giữa tái phát và không bị viêm kết mạc mủ kèm theo. Dùng amoxicillin + acid clavulanic cho những trẻ trong vòng 1 tháng có dùng kháng sinh nhóm betalactam, có viêm kết mạc mủ kèm theo, có tiền sử viêm tai giữa tái phát. Nếu trẻ dị ứng penicillin thì có thể dùng cefdinir hoặc cefpodoxime…

+ Các quinolon như ofloxacin, ciprofloxacin nhỏ tại chỗ có hiệu quả tương đương với đường uống trong trường hợp viêm tai giữa có chảy mủ và đặt ống thông nhĩ hầu và viêm tai giữa mạn tính. Không có nghiên cứu về việc nhỏ quinolon trong trường hợp viêm tai giữa cấp hoặc thủng màng nhĩ mới.

Thời gian sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng bệnh. Cần dùng thuốc 10 ngày với trẻ: Dưới 2 tuổi và/hoặc có thủng màng nhĩ và/hoặc có tiền sử viêm tai giữa cấp tái phát. 5 đến 7 ngày với trẻ trên 2 tuổi không có thủng màng nhĩ và không có tiền sử viêm tai giữa tái phát.

Khi điều trị nội khoa thất bại

Điều trị nội khoa thất bại là khi các triệu chứng trở nên xấu hơn hoặc không cải thiện sau 48-72 giờ dùng kháng sinh. Thất bại có thể do điều trị không đầy đủ hợp lý hoặc có nguyên nhân khác. Trong trường hợp thất bại do điều trị chưa đầy đủ hợp lý thì cần đổi kháng sinh.

Ví dụ, khi đang dùng amoxicillin liều cao mà không hiệu quả thì đổi sang amoxicillin + acid clavulanic liều cao. Nếu thất bại với amoxicillin + acid clavulanic thì có thể thay thế bằng các cephalosporin hoặc quinolon. Tuy nhiên ngoài trừ ceftriaxone thì các kháng sinh cephalosporin thay thế thì hiệu quả kém với phế cầu kháng thuốc.

Điều trị khi viêm tai giữa tái phát

Viêm tai giữa cấp tái phát được định nghĩa là có sự xuất hiện các triệu chứng của viêm tai giữa cấp sớm sau khi đã điều trị thành công trước đó.

Việc điều trị viêm tai giữa cấp tái phát nên bao phủ hết các tác nhân kháng thuốc, đặc biệt là phế cầu kháng thuốc. Viêm tai giữa cấp tái phát trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc liệu trình kháng sinh trước đó.

Kháng sinh được lựa chọn sẽ là ceftriaxone, levofloxacin. Nếu viêm tai giữa cấp tái phát sau 15 ngày kể từ khi hoàn tất liệu trình kháng sinh đợt trước thì thường đó là do tác nhân khác chứ không phải do vi khuẩn của đợt bệnh trước.

Ở trường hợp này, mặc dù người bệnh có nguy cơ cao mắc phải vi khuẩn không điển hình nhưng khuyến cáo điều trị khởi đầu với amoxicillin + acid clavulanic, thậm chí đợt trước bệnh nhân đã được dùng kháng sinh này.

Đặt ống thông nhĩ hầu khi tái phát 3 lần trong vòng 6 tháng hoặc 4 lần trong vòng 12 tháng.

Các thuốc điều trị viêm tai giữa- Ảnh 3.

Hình ảnh tai giữa qua nội soi.

2. Lưu ý khi điều trị viêm tai giữa

- Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định về liều dùng, cách dùng...

- Trong điều trị viêm tai giữa, việc theo dõi tiến triển bệnh rất quan trọng. Mục đích của việc theo dõi này là để xem dịch trong tai giữa đã rút hết chưa. Dịch tai giữa là nguyên nhân phổ biến của điếc dẫn truyền, thường dịch tai giữa rút hết sau nhiều tuần tới nhiều tháng.

- Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 48-72 giờ dùng kháng sinh thì cần được tái khám để bác sĩ tìm nguyên nhân khác gây ra tình trạng này hoặc cân nhắc đổi kháng sinh.

- Bệnh nhân dưới 2 tuổi tái khám sau 8-12 tuần sau khi được chẩn đoán và điều trị (trong trường hợp bình thường). Có 80-90 % trẻ dịch tai giữa sẽ rút hết sau khoảng thời gian này.

- Bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên mà có vấn đề về ngôn ngữ cũng như học tập cần tái khám sau 8-12 tuần kể từ ngày được chẩn đoán. Bệnh nhân từ 2 tuổi trở lên mà không có vấn đề về ngôn ngữ hay học tập thì kiểm tra lại vào lần khám định kỳ tiếp theo, hoặc càng sớm càng tốt nếu có hiện tượng giảm sức nghe dai dẳng.

Mời độc giả xem thêm video:

Viêm tai giữa cấp - Triệu chứng và phương pháp điều trị


BSCK1.Trần Văn Công
Ý kiến của bạn