1. Các thuốc điều trị viêm họng mãn tính
Tùy nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc sau:
Thuốc kháng sinh trị vi khuẩn gây viêm họng
Khi viêm họng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh theo phác đồ điều trị. Các kháng sinh phổ rộng như Roxithromycin, Penicillin, Augmentin… thường được sử dụng để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh đường tai mũi họng.

Người bệnh viêm họng mãn tính cần chú ý sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Nếu nguyên nhân gây viêm họng là do trào ngược dạ dày, bác sĩ sẽ kê các thuốc điều trị bệnh lý này để xử lý tận gốc. Các thuốc thường dùng gồm thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng H2… giúp giảm tiết acid dạ dày.
Thuốc chống dị ứng
Trong trường hợp viêm họng do dị ứng cơ địa, bệnh nhân cần dùng thuốc chống dị ứng. Tuy không điều trị dứt điểm nguyên nhân, nhưng thuốc giúp giảm triệu chứng khó chịu. Các nhóm thuốc phổ biến gồm thuốc kháng Histamin và Corticoid dạng xịt hoặc uống.
Thuốc long đờm, tiêu đờm
Đối với bệnh nhân có triệu chứng ho đờm, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc làm loãng và tiêu đờm như Bromhexin, Acetylcystein… nhằm giúp dễ dàng loại bỏ đờm ra ngoài, giảm cảm giác khó chịu và hỗ trợ phục hồi niêm mạc hô hấp.
Thuốc kháng viêm
Giúp giảm sưng, đau, phù nề hoặc tình trạng áp xe do viêm họng. Một số thuốc thường dùng gồm Lysozyme và Alphachymotrypsin, có tác dụng hỗ trợ giảm viêm hiệu quả.
Thuốc hạ sốt
Viêm họng do nhiễm trùng thường đi kèm sốt. Các thuốc hạ sốt như Ibuprofen, Paracetamol, Aspirin được sử dụng để làm giảm nhanh các triệu chứng sốt và đau nhức.
Thuốc giảm ho khan
Ho là phản xạ có lợi, nhưng nếu ho kéo dài có thể gây mệt mỏi. Các thuốc giảm ho như Codein, Dextromethorphan được chỉ định trong trường hợp ho dai dẳng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc nhỏ mũi, nước súc miệng sát khuẩn để làm sạch đường hô hấp.
2. Lưu ý khi dùng thuốc
Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh – tránh kháng thuốc.
Thông báo với bác sĩ nếu đang dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính khác để tránh tương tác.
Không tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm.
Tái khám định kỳ nếu triệu chứng kéo dài >2 tuần.