1. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ
Tiêu chảy cấp là một bệnh đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ. Đa phần nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ em là do:
- Virus: Rotavirus, Adenovirus, Norwalkvirus.
- Vi khuẩn: E.coli, lỵ trực khuẩn, amip hoặc ngộ độc thực phẩm bởi độc tố của vi khuẩn nhiễm trong thực phẩm bị ôi thiu hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh.
- Viêm đại tràng do Shigella, C.Difficile…
- Do dùng thuốc kháng sinh.
- Dị ứng đạm sữa bò, không dung nạp đường lactose…
2. Triệu chứng tiêu chảy cấp
Trẻ bị tiêu chảy cấp thường có biểu hiện:
- Đi ngoài phân lỏng bất thường ít nhất ba lần trong khoảng 24 giờ. Thông thường, các triệu chứng tiêu chảy không quá 14 ngày.
- Đau bụng, nôn.
- Trẻ có thể sốt.
- Trường hợp nặng có thể bị mất nước dẫn đến sụt cân, li bì, bỏ bú, mắt trũng, miệng khô, da mất đàn hồi…
- Có thể có co giật sốt cao hoặc rối loạn điện giải.
3. Các thuốc dùng trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ
3.1. Bù nước điện giải
Tiêu chảy nhiều, nếu không được bù đủ nước có thể khiến trẻ mất nước, rối loạn điện giải, suy kiệt, thậm chí tử vong. Do đó, việc đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy ở trẻ là bù nước và điện giải.
Tuy nhiên, cần lưu ý, việc bù nước điện giải cần tùy theo mức độ trẻ tiêu chảy thế nào. Có thể sử dụng dung dịch oresol pha đúng tỷ lệ để bù nước và điện giải cho trẻ. Pha quá loãng có thể làm mất tác dụng mà pha quá đặc thì lại làm tăng hàm lượng muối khiến cơ thể càng thiếu nước, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Ngoài ra có thể cho trẻ uống nước lọc, nước dừa, nước cháo muối pha loãng…
Có thể cho trẻ uống dung dịch oresol để cân bằng nước và điện giải.
3.2. Men vi sinh
Men vi sinh có thể giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy khoảng 01 ngày. Tuy nhiên, không phải chủng men vi sinh nào cũng có hiệu quả trong điều trị tiêu chảy cấp.
3.3. Bổ sung kẽm
Khi trẻ bị tiêu chảy có thể cho uống kẽm để bổ sung lượng đã mất và phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, liều lượng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
3.4. Thuốc hạ sốt
Có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Thuốc an toàn thường được dùng là acetaminophen (paracetamol). Liều lượng 10-15mg/kg cân nặng mỗi 4-6 giờ/lần và không quá 6 lần trong 1 ngày.
Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm tiết nước trong phân như racecadotril hoặc diosmectite. Các thuốc này giúp bảo vệ niêm mạc ruột.
4. Sai lầm khi điều trị tiêu chảy cho trẻ
4.1. Cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy nhiều lần, đã cho con uống thuốc cầm tiêu chảy loperamide với mong muốn con mau khỏi. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. Việc đi ngoài phân lỏng cũng là một cách cơ thể đào thải chất độc, vi khuẩn gây bệnh trong người. Trong khi đó, thuốc cầm tiêu chảy lại khiến virus, vi khuẩn không thải được ra ngoài mà bị ứ trệ lâu hơn trong đường tiêu hóa. Từ đó khiến bệnh nặng hơn và khó xử trí hơn, thậm chí còn làm tăng nguy cơ nhiễm độc…
4.2. Cho trẻ sử dụng thuốc chống nôn domperidone
Nhiều trẻ bị tiêu chảy có các triệu chứng buồn nôn và nôn. Chính vì thế, nhiều bậc cha mẹ lại tự ý mua các thuốc chống nôn cho trẻ uống như domperidone. Tuy nhiên, thuốc này cần được chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc từ các nhà chuyên môn. Việc cho con uống thuốc chống nôn mà chưa rõ nguyên nhân và chưa có chỉ định của bác sĩ có thể khiến bệnh nặng thêm.
Không những thế, do có tác dụng phụ nguy hiểm lên tim mạch nên một số nước đình chỉ dùng loại thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi.
4.3. Thuốc kháng sinh có tác dụng trong trị tiêu chảy không?
Nhiều người cho rằng kháng sinh là một thuốc trị bách bệnh. Do đó, khi con tiêu chảy, nhiều bậc cha mẹ đã tự ý mua kháng sinh về cho con uống. Họ không biết được rằng, thuốc kháng sinh không có tác dụng trong đa số các trường hợp tiêu chảy.
Kháng sinh chỉ dùng trong các trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn. Tuy nhiên, những trường hợp này việc dùng kháng sinh nào, dùng ra sao cũng cần được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Việc tự ý cho con dùng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh… không những không khỏi được bệnh mà còn có thể gây rối loạn lợi khuẩn trong đường tiêu hóa, khiến trẻ bị tiêu chảy kéo dài, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
3.4. Men tiêu hóa
Men tiêu hóa cũng được nhiều cha mẹ cho con uống khi con bị tiêu chảy. Tuy nhiên, men tiêu hóa lại không có nhiều tác dụng trong trị tiêu chảy. Tùy theo từng trường hợp mà có cách dùng men tiêu hóa khác nhau. Với trẻ bị tiêu chảy nếu chỉ dùng men tiêu hóa có thể khiến trẻ mất nước và làm bệnh nặng hơn. Do vậy, cần sử dụng men tiêu hóa theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
4.5. Kiêng cữ quá mức
Nhiều cha mẹ quan niệm rằng tiêu chảy phải ăn uống kiêng khem mới nhanh khỏi, do đó đã không dám cho con ăn thức ăn bổ dưỡng sợ không hấp thu được. Trẻ chỉ được uống nước lọc, ăn cháo muối… Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm.
Khi trẻ bị tiêu chảy khiến cơ thể mất các chất dinh dưỡng, do đó để trẻ nhanh hồi phục, tránh suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đủ chất và khoa học. Nên cho trẻ ăn đồ ăn mềm, lỏng, dễ tiêu và đủ 4 nhóm dinh dưỡng: Bột đường (gạo, khoai…), đạm (thịt gà nạc, lợn nạc, cá nạc sữa…), chất béo (dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (rau củ quả tươi…)…
5. Làm thế nào điều trị an toàn?
Để điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ an toàn, hiệu quả các bậc cha mẹ cần:
- Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống.
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.
- Uống thuốc đúng theo đơn đã được kê.
- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường (mệt lả, li bì khó đánh thức, co giật, bỏ bú hoặc bỏ uống, khát nước dữ dội, nôn tất cả mọi thứ, khó thể ngồi hoặc đứng dậy, tiểu rất ít, chưa đi tiểu sau 6-8h, phân có máu, sốt kéo dài trên 72 giờ…) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khoẻ, thông minh.