Các thuốc điều trị tăng tiểu cầu

05-11-2009 14:49 | Dược
google news

Tiểu cầu được hình thành trong tủy xương cùng với các loại tế bào máu khác. Chúng di chuyển trong các mạch máu và kết dính với nhau (thành cục máu đông)

Tiểu cầu được hình thành trong tủy xương cùng với các loại tế bào máu khác. Chúng di chuyển trong các mạch máu và kết dính với nhau (thành cục máu đông) để ngăn chặn sự chảy máu khi một mạch máu bị thương tổn. Cục máu đông còn được gọi là huyết khối (thrombus).

 Hình ảnh tiểu cầu kết dính với nhau tạo thành cục máu đông.
Bình thường có khoảng từ 150.000 - 450.000 tiểu cầu mỗi microlít máu.

Thuật ngữ tăng tiểu cầu nguyên phát được dùng khi nguyên nhân của tăng tiểu cầu không được biết rõ. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào bị lỗi trong tủy xương tạo ra quá nhiều tiểu cầu. Tủy xương là mô xốp bên trong xương. Nó chứa những tế bào gốc sau đó phát triển thành các hồng cầu, bạch cầu, hoặc tiểu cầu. Lý do khiến tủy xương sản xuất ra quá nhiều tiểu cầu chưa được biết rõ.

Khi một bệnh lý hoặc tình trạng nào đó gây tăng tiểu cầu, thuật ngữ tăng tiểu cầu thứ phát được chọn dùng. Tình trạng này còn được gọi là tăng tiểu cầu phản ứng.

Điều trị tăng tiểu cầu nguyên phát và thứ phát

Tăng tiểu cầu nguyên phát

- Hiện nay, tình trạng này được xem là ít nguy hiểm hơn so với trước kia và tiên lượng thường là tốt. Những bệnh nhân không có dấu hiệu hoặc triệu chứng thì không cần thiết phải điều trị, miễn là điều kiện sức khoẻ vẫn ổn định.

- Dùng aspirin có thể hữu ích cho những người có nguy cơ huyết khối, vì aspirin ngăn ngừa cục máu đông. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng aspirin vì nó có thể gây chảy máu. Các bác sĩ đều dùng thuốc aspirin cho đa số những phụ nữ mang thai có tăng tiểu cầu nguyên phát vì aspirin không gây nguy cơ cao cho thai nhi.

- Một số bệnh nhân tăng tiểu cầu nguyên phát có thể cần phải dùng đến thuốc hoặc thủ thuật y tế để giảm thiểu số lượng tiểu cầu của họ.

- Thuốc làm giảm số lượng tiểu cầu:

Cần dùng thuốc để giảm số lượng tiểu cầu khi: có tiền sử huyết khối hoặc chảy máu; có các yếu tố nguy cơ (như tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, đái tháo đường); ngoài 60 tuổi; số lượng tiểu cầu >1 triệu. Các thuốc này phải được dùng suốt đời.

Hydroxyurea: Đây là thuốc hạ tiểu cầu phổ biến nhất để điều trị tăng tiểu cầu nguyên phát. Hydroxyurea được dùng để điều trị ung thư và một số bệnh nguy hiểm khác. Nó thường được các bác sĩ chuyên khoa ung thư, huyết học sử dụng. Bệnh nhân dùng hydroxyurea cần được giám sát chặt chẽ. Hiện nay, aspirin kết hợp với hydroxyurea là điều trị tiêu chuẩn cho những người tăng tiểu cầu nguyên phát và có nguy cơ cục máu đông cao.

Nagrelide: Thuốc này đã được sử dụng để điều trị tăng tiểu cầu nguyên phát. Tuy nhiên, nó có vẻ ít hiệu quả hơn hydroxyurea. Anagrelide gây các tác dụng phụ như giữ nước, hồi hộp, loạn nhịp tim, suy tim và nhức đầu.

Interferon alfa: Thuốc này có hiệu quả làm giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, 20% bệnh nhân không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của nó: cảm giác giống cúm, chán ăn, buồn nôn (cảm giác đau dạ dày), tiêu chảy, động kinh, khó chịu và buồn ngủ. Có thể dùng thuốc này cho phụ nữ mang thai có tăng tiểu cầu nguyên phát vì nó an toàn cho thai nhi hơn so với hydroxyurea và anagrelide.

Lọc bỏ tiểu cầu (Plateletpheresis): Lọc bỏ tiểu cầu (Plateletpheresis) là một thủ thuật dùng để nhanh chóng giảm số lượng tiểu cầu trong máu. Thủ thuật này chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp như đang bị đột quỵ do tăng tiểu cầu nguyên phát. Dùng kim tĩnh mạch nối với ống tiêm vào một trong các mạch máu của bệnh nhân để rút máu. Máu di chuyển qua một máy để loại bỏ tiểu cầu. Sau đó máu được đưa trở về cơ thể bệnh nhân qua một đường truyền tĩnh mạch khác. Thực hiện thủ thuật một hoặc hai lần là đủ để giảm số lượng tiểu cầu về mức độ an toàn.

Tăng tiểu cầu thứ phát

- Tăng tiểu cầu thứ phát được xử lý bằng cách giải quyết những bệnh lý tiềm ẩn gây ra nó. Các bệnh nhân này thường không cần dùng đến thuốc men hoặc thủ thuật để giảm tiểu cầu.

- Tiểu cầu của họ nhìn chung là bình thường (khác với trường hợp tăng tiểu cầu nguyên phát). Ngoài ra, số lượng tiểu cầu của họ thường không đủ cao để gây nguy cơ cục máu đông hay chảy máu.

Đề phòng tăng tiểu cầu nguyên phát và thứ phát

- Không thể ngăn chặn được tăng tiểu cầu nguyên phát. Tuy nhiên, vẫn có thể thực hiện được các bước để giảm nguy cơ đông máu và ngăn ngừa các vấn đề liên quan.

- Tuổi tác, tiền sử cục máu đông, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và hút thuốc lá là tất cả các yếu tố nguy cơ của huyết khối. Để giảm tác hại, nên ngưng hút thuốc và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.

- Không phải lúc nào cũng ngăn chặn được các yếu tố dẫn đến tăng tiểu cầu thứ phát. Tuy nhiên, nếu thường xuyên được chăm sóc y tế, có thể sẽ sớm phát hiện những tác nhân này trước khi xuất hiện tình trạng tăng tiểu cầu.

Sống chung với tình trạng tăng tiểu cầu nguyên hoặc thứ phát

- Nếu bị tăng tiểu cầu nguyên hay thứ phát, cần chú ý đến những điều quan trọng sau đây:

Đi khám bệnh thường xuyên.

Ngưng hút thuốc lá và kiểm soát các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu...

Theo dõi những dấu chứng của huyết khối và chảy máu và báo cáo ngay cho bác sĩ.

Dùng các loại thuốc men theo quy định.

- Nếu đang dùng thuốc để giảm số lượng tiểu cầu, cần thông báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ biết trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật, phẫu thuật hoặc can thiệp nha khoa nào. Những loại thuốc làm “loãng” máu có thể làm tăng chảy máu khi thực hiện các thủ thuật đó. Các loại thuốc làm “loãng” máu cũng có thể gây xuất huyết nội. Dấu hiệu của xuất huyết nội bao gồm các vết bầm tím, máu hoặc phân đen như hắc ín, nước tiểu màu hồng hoặc có máu, tăng chảy máu kinh nguyệt, chảy máu nướu răng và chảy máu cam. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu kể trên.

- Tránh dùng các thuốc giảm đau bán tự do như ibuprofen (ngoại trừ paracetamol). Các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hoá nhưng lại hạn chế tác dụng của aspirin.

- Cần nhận biết rằng những thuốc điều trị cảm lạnh, thuốc giảm đau và một số thuốc khác được bán không cần toa bác sĩ có thể chứa ibuprofen.

BS. Đồng Ngọc Khanh


Ý kiến của bạn