Các thuốc điều trị tăng huyết áp

04-10-2021 06:27 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Tăng huyết áp là một bệnh hoặc là hội chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi, nhưng hiện nay cũng thường gặp ở người trẻ tuổi. Tăng huyết áp có thể gây ra những biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị đúng cách.

Tăng huyết áp, muốn hạn chế biến chứng cần điều trị sớm và đúng

Tăng huyết áp (THA) được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi nó thường không có triệu chứng như chúng ta vẫn thường nghĩ (đau đầu, bừng mặt…) cho đến khi gây ra những biến chứng nguy hiểm...

Các nhà khoa học đã chứng minh được là nếu được phát hiện sớm và kiểm soát tốt được huyết áp (nghĩa là đưa số huyết áp về mức bình thường và ổn định) có thể làm giảm đáng kể các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.

Bệnh tăng huyết áp và các thuốc điều trị - Ảnh 1.

Cần phát hiện sớm tăng huyết áp để được điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng.

Việc điều trị bệnh tăng huyết áp là sự kết hợp giữa chế độ ăn thích hợp, cùng chế độ tập luyện thường xuyên và điều trị bằng thuốc. Trong đó, điều trị bằng thuốc chiếm vị trí rất quan trọng. Sử dụng thuốc như thế nào là việc mà người bệnh tăng huyết áp phải nắm rõ và tuân thủ phương pháp 3Đ: ĐÚNG - ĐỦ - ĐỀU.

Tuy nhiên, khi mới bị tăng huyết áp, các biện pháp điều trị không dùng thuốc nên được áp dụng. Đây cũng là biện pháp đầu tiên trước khi sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp và cũng là biện pháp xuyên suốt quá trình điều trị.

Điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc

Giảm cân: Đối với người thừa cân, béo phì, phải đưa cân nặng về mức bình thường. Trong các nghiên cứu cũng như thực tế lâm sàng cho thấy, nếu giảm được 10 kg cân nặng, thì số huyết áp sẽ giảm từ 5-20mmHg.

Chế độ ăn: Ăn nhiều rau, trái cây, giảm chất béo có thể làm giảm số huyết áp từ 5- 14 mmHg.

Giảm muối: Dùng muối thấp hơn 6g mỗi ngày (1 muỗng cà phê muối ăn) cũng có thể giúp làm giảm được chỉ số huyết áp từ 2-8mmHg.

Hạn chế rượu: Đối với những người có thói quen uống rượu, giảm 30ml rượu vang hoặc 2 lon bia mỗi ngày sẽ làm giảm số huyết áp từ 2-4 mmHg.

Hoạt động thể lực thường xuyên: Ví dụ đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày sẽ làm giảm số huyết áp từ 4-9 mmHg.

Đối với nhiều bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ, chỉ việc thay đổi lối sống đã có thể làm cho huyết áp trở về bình thường.

Bệnh tăng huyết áp và các thuốc điều trị - Ảnh 2.

Lựa chọn chế độ ăn lành mạnh có lợi cho bệnh tăng huyết áp.

Khi nào cần dùng thuốc điều trị tăng huyết áp?

Ngoại trừ các trường hợp bệnh nhân có huyết áp tăng cao cần điều trị thuốc ngay từ đầu thì các bệnh nhân THA chỉ dùng thuốc sau khi đã thực hiện các biện pháp không dùng thuốc, mà các chỉ số huyết áp vẫn còn cao. 

Các thuốc hạ huyết áp gồm rất nhiều các nhóm thuốc khác nhau. Tùy mức độ tăng huyết áp cũng như giai đoạn của bệnh và sự nhạy cảm của từng cá nhân, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ giúp người bệnh chọn lựa được các thuốc phù hợp nhất cho mỗi trường hợp bệnh nhân. Không có một công thức chung nào được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân...

Trước khi điều trị bằng thuốc, những yêu cầu sau đây cần được làm rõ:

- Mức độ tăng huyết áp.

- Tổn thương cơ quan đích.

- Tình trạng tim của bệnh nhân.

- Các yếu tố nguy cơ tim mạch.

- Các bệnh khác đi kèm.

Khi dùng thuốc nên khởi đầu bằng liều thấp, dùng loại thuốc tác dụng dài, tốt nhất nên dùng 1 lần/ngày.

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp

Thuốc điều trị tăng huyết áp có nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm lại được sử dụng trong từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Bệnh tăng huyết áp và các thuốc điều trị - Ảnh 3.

Thuốc điều trị tăng huyết áp có rất nhiều nhóm, tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.

Nhóm thuốc lợi tiểu: Đây là thuốc thường được kê đơn sử dụng trước tiên trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Bao gồm các thuốc: Hydrochlorothiazide, furosemide, spironolactone, indapamide. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể cho dùng một mình thuốc nhóm này hoặc kết hợp với nhóm thuốc khác.

Thuốc nên được uống một lần vào buổi sáng. Bệnh nhân nên tuân thủ uống thuốc đúng giờ hằng ngày, đặt đồng hồ nhắc việc để không bị quên. Thuốc lợi tiểu thường có tác dụng phụ là làm mất chất muối, loạn nhịp tim, giảm thính lực.

Nhóm thuốc chẹn bêta: Nhóm thuốc này được ưu tiên kê đơn sử dụng trong điều trị đối với bệnh nhân THA có kèm theo thiếu máu cơ tim nếu không có chống chỉ định. Thuốc có nhiều loại, bao gồm các thuốc tác dụng kéo dài (cả ngày) và các thuốc tác dụng ngắn (chỉ vài giờ).

Thuốc có tác dụng kéo dài như: Atenolol, bisoprolol, acebutolol…

Thuốc có tác dụng ngắn như: Propranolol, metoprolol, carvedilol…

Đối với thuốc nhóm này, tùy theo tác dụng kéo dài hay ngắn mà sẽ có cách sử dụng khác nhau. Với thuốc tác dụng kéo dài, dùng 1-2 lần mỗi ngày. Loại tác dụng ngắn, cần dùng 2-4 lần mỗi ngày.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc nhóm này là: Làm chậm nhịp tim, co thắt phế quản (do đó chống chỉ định với người bị hen suyễn, COPD…)

Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Nhóm này được ưu tiên sử dụng cho người bị THA kèm theo đái tháo đường hoặc suy tim. Nhóm này cũng có nhiều loại thuốc và cũng có thuốc tác dụng ngắn, thuốc tác dụng kéo dài.

Nhóm này cũng có nhiều loại thuốc và cũng có thuốc tác dụng ngắn, thuốc tác dụng trung bình và kéo dài. Mỗi loại sẽ có chỉ định và cách dùng cụ thể với từng trường hợp bệnh nhân. Tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc này là gây ho khan. 

Nhóm thuốc kháng canxi: Nhóm này dùng tương đối an toàn, nhất là đối với người cao tuổi. Bao gồm các thuốc có tác dụng ngắn, như: Nifedipine, diltiazem, verapamil… Loại có tác dụng kéo dài như: Amlodipine, felodipine…

Nhóm này có tác dụng phụ là nhức đầu, đỏ bừng mặt, phù chân, buồn nôn. Riêng với diltiazem, verapamil có thể gây mạch chậm, suy tim tiến triển. 

Nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: Được ưu tiên sử dụng trong điều trị THA kèm theo đái tháo đường hoặc suy tim. Tác dụng phụ của thuốc cũng tương tự như nhóm thuốc ức chế men chuyển nhưng ít hoặc không gây ho. Các thuốc thường dùng như: Irbesartan, telmisartan…

Nhóm tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Những loại thường dùng như alfa methyldopa, rilmenidin… Tác dụng phụ thường thấy là gây buồn ngủ, trầm uất...

Những thuốc khác ít được sử dụng như hydralazin (nepressol), prazosin...


Kiểm soát tốt huyết áp là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các biến chứng của nó. Việc chọn lựa loại thuốc thích hợp cho từng người bệnh là điều rất quan trọng, góp phần quyết định cho sự thành công của việc điều trị bệnh tăng huyết áp.
PGS.TS.Nguyễn Đức Hải - Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, BV TWQĐ 108

 Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp

Việc điều trị tăng huyết áp phải đạt được 2 mục đích:

- Giữ huyết áp ở mức ổn định, phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh.

- Nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.

Muốn phòng ngừa lâu dài các biến chứng, cần phải tuân thủ một nguyên tắc quan trọng nhất: Điều trị tăng huyết áp là một điều trị suốt đời, nghĩa là khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường, người bệnh vẫn phải tuân thủ nguyên tắc điều trị liên tục. Chỉ có tuân thủ chế độ điều trị thích hợp mới giảm được các tai biến do tăng huyết áp gây ra.

Trên thực tế, một số bệnh nhân sau khi uống thuốc một thời gian, thấy khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, huyết áp khá ổn định thì lại bỏ không uống thuốc. Cho đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao, lúc đó mới lại dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không có tác dụng dự phòng được các biến chứng, có nghĩa là không có hiệu quả.

Do đó, trong khi uống thuốc điều trị tăng huyết áp, dù huyết áp có trị số tốt, ổn định; cảm thấy cơ thể khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường, thì người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị như đã nêu trên.

Ngoài dùng các thuốc điều trị tăng huyết áp, một biện pháp khác cũng rất quan trọng, bắt buộc và song song với dùng thuốc đó là từ bỏ các thói quen nguy hại: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, thói quen ăn mặn, lười vận động... Và tiếp tục thực hiện các biện pháp: Giảm cân nặng (nếu có thừa cân); tăng cường tập luyện thể lực (tùy theo khả năng thể lực của mỗi người mà có các biện pháp tập luyện thích hợp): tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 45 phút; chế độ ăn uống lành mạnh...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nơi sự sống mong manh (P8): Nước mắt ngày trở về

PGS.TS.Nguyễn Đức Hải
Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn