Các thuốc điều trị suy giáp

18-05-2024 10:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy giáp là một rối loạn nội tiết xảy ra tại tuyến giáp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hiện nay dùng thuốc điều trị suy giáp mang lại hiệu quả cao...

1. Một số thuốc điều trị suy giáp

Tùy nguyên nhân gây suy giáp sẽ có phác đồ điều trị khác nhau:

- Điều trị suy giáp bẩm sinh: Là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của cơ thể. Nguyên nhân do dị tật bẩm sinh không có tuyến giáp hoặc có nhưng tuyến giáp lạc chỗ, thiểu sản hoặc do dị tật quá trình trao đổi chất tuyến giáp, thiếu iod nên không thể tổng hợp được hormone T4 cần thiết đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Bệnh có thể xuất hiện ở trẻ ngay sau sinh hoặc đến thời kỳ thiếu niên, tuổi dậy thì.

Hormone giáp đóng vai trò quan trọng đối với chức năng sống và sự phát triển trí tuệ, thể chất ở trẻ em. Suy giáp bẩm sinh lúc mới sinh ra có triệu chứng mơ hồ, rất khó nhận biết. Nếu trẻ được chẩn đoán và điều trị muộn sau 3 tháng, trẻ sẽ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ so với cùng lứa. Do đó trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Suy giáp bẩm sinh có thể được phát hiện sớm bằng xét nghiệm sàng lọc và điều trị trong vòng 2 tuần sau sinh bằng thuốc nội tiết. Điều trị sớm trẻ sẽ phát triển hoàn toàn bình thường.

Cách điều trị là phải bổ sung hormone tuyến giáp hằng ngày bằng đường uống suốt đời vào mỗi buổi sáng. Thuốc dùng trong điều trị suy giáp bẩm sinh là levothyroxin. Levothyroxin dùng trong điều trị suy giáp do bất kỳ nguyên nhân nào, ở mọi độ tuổi, bao gồm cả phụ nữ đang mang thai.

Khi điều trị suy giáp cho trẻ, người chăm sóc trẻ cần phối hợp với bác sĩ để theo sát những dấu hiệu bất thường ở trẻ để thông báo với bác sĩ trong thời gian sớm nhất:

  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Nôn mửa và tiêu chảy.
  • Khó ngủ.
  • Nhịp tim đập nhanh.
  • Trẻ trở nên kích thích.

Ngoài ra, trẻ cần được tái khám và theo dõi định kỳ trong năm đầu tiên điều trị 3 tháng/lần. Khi tình trạng bệnh được điều trị ổn định, trẻ sẽ được duy trì liều thuốc và tái khám mỗi 6 tháng 1 lần hoặc mỗi năm 1 lần theo chỉ định của bác sĩ.

Trẻ điều trị suy giáp có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu đáp ứng các biện pháp điều trị, sẽ kiểm soát được các triệu chứng khó chịu, bệnh tiến triển tốt. Chiều cao của trẻ phát triển bình thường và có thể đi học trở lại.

Các thuốc điều trị suy giáp- Ảnh 1.

Mục tiêu điều trị suy giáp ở người lớn là đưa về tình trạng bình giáp.

- Điều trị suy giáp ở người lớn: Mục tiêu điều trị suy giáp ở người lớn là đưa về tình trạng bình giáp, duy trì tình trạng bình giáp thường xuyên, lâu dài; đồng thời dự phòng và điều trị các biến chứng do suy giáp.

Nguyên tắc điều trị suy giáp ở người lớn là phải điều trị nguyên nhân gây suy giáp, bổ sung hormone tuyến giáp. Liều lượng và loại hormon tuyến giáp tùy thuộc vào mức độ suy giáp và đặc điểm của người bệnh (tuổi, bệnh lý kèm theo...). Bác sĩ sẽ chỉ định bắt đầu dùng hormone tuyến giáp thay thế với liều thấp sau rồi tăng dần tới liều tối đa có hiệu quả.

Ở người lớn, chỉ một số ít trường hợp suy giáp do tai biến dùng thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc suy giáp thoáng qua do viêm tuyến giáp có thể tự hồi phục, còn lại đa số các trường hợp suy giáp phải điều trị thay thế bằng hormone giáp. 

Các nhóm hormon giáp và chế phẩm có chứa hormon được sử dụng trong lâm sàng như sau:

- Levothyroxin (L-T4): Là hormone tuyến giáp được chỉ định dùng nhiều nhất để điều trị suy giáp tiên phát. Dạng thuốc thường dùng là viên nén, cũng có thể dạng tiêm hoặc thuốc nước uống. Chỉ định uống 1 lần mỗi ngày vào buổi sáng.

Sau khi dùng levothyroxin từ 5- 6 tuần, nồng độ T4 huyết thanh sẽ tăng lên. Khi đạt được bình giáp thì bác sĩ sẽ cho giảm liều và sử dụng liều duy trì trung bình với hàm lượng tùy theo từng người bệnh.

- Liothyronin (L-T3): Thuốc có dạng viên nén với nhiều hàm lượng khác nhau để tiện sử dụng cho mỗi trường hợp, được sử dụng cho những trường hợp suy giáp tiên phát, dùng từng đợt ngắn. Thời gian dùng liên tục trong 3- 4 tuần. Không dùng liothyronin để điều trị kéo dài cho người bệnh suy giáp.

- Liotrix (L-T4 + L-T3): Đây là sự kết hợp giữa liothyronin và levothyroxin với các biệt dược đang được lưu hành rộng rãi trên thị trường là thyrolar và euthyral.

- Bột giáp đông khô (còn gọi là tinh chất tuyến giáp): Được bào chế từ tuyến giáp của gia súc. Bột giáp đông khô có ưu điểm giống với L-T4 và L-T3 tự nhiên.

Các thuốc điều trị suy giáp- Ảnh 3.

Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

 2. Lưu ý khi dùng thuốc có hormone giáp 

- Các thuốc thay thế hormone thông thường sẽ được uống vào buổi sáng, trước bữa ăn khoảng 30 phút.

- Người bệnh cần phải tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc điều trị suy giáp để có thể kiểm soát bệnh tối ưu.

- Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị suy giáp, người bệnh cần theo dõi các chỉ số: Tần số tim, cân nặng, cholesterol máu, FT4, T4, xét nghiệm lại đều đặn theo hướng dẫn, tình trạng táo bón...

- Nếu xuất hiện những cơn đau thắt ngực, cần đi khám sớm để được điều chỉnh liều thuốc.

- Thay đổi thói quen ăn uống để điều trị suy giáp. Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, chất đạm, béo, đường, khoáng chất sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh chóng bệnh suy giáp. Nên chú trọng bổ sung các thực phẩm như sau:

  • Chất béo có trong dầu thực vật như dầu oliu, dầu gạo, cá. Kiêng các loại chất béo từ thịt mỡ động vật.
  • Nên tiêu thụ đường chuyển hóa chậm như đường trong ngũ cốc: Ngô, gạo, khoai, sắn, đậu (trừ đậu nành). Tránh ăn đường nhanh như bánh kẹo, đường kính hoặc chất làm ngọt nhân tạo khác.
  • Hấp thụ chất đạm chứa nhiều trong thịt nạc lợn, gia cầm, tôm, cua, cá...
  • Vitamin, khoáng chất trong rau củ và trái cây tươi các loại.
  • Cần đảm bảo luôn có một giấc ngủ hiệu quả từ 7 - 8 giờ mỗi ngày.

Mời độc giả xem thêm video:

Suy giáp gây ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận và chức năng trong cơ thể I SKĐS



TS.Nguyễn Thị Thu Hiền
Ý kiến của bạn