Để chẩn đoán tình trạng rối loạn xuất tinh và lên phác đồ điều trị hiệu quả, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám, tư vấn. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cá thể hóa cho người bệnh.
1. Điều trị xuất tinh sớm
Xuất tinh sớm là khi nam giới xuất tinh sớm hơn mong muốn và gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời điểm đạt cực khoái. Tình trạng này là khi thời gian xuất tinh xảy ra trong vòng 1 phút kể từ khi thâm nhập âm đạo.
- Thuốc gây tê tại chỗ: Các thuốc gây tê tại chỗ như lidocaine và prilocaine được sử dụng trong điều trị xuất tinh sớm thông qua việc làm giảm cảm giác ở qui đầu, từ đó giúp trì hoãn phản xạ xuất tinh.
Tuy nhiên, thuốc tê thường gây giảm cương cứng, có thể gây cảm giác "bì bì" ở dương vật và nếu nó ngấm qua âm đạo thì cũng gây cảm giác tê rần ở âm đạo. Một số trường hợp có thể gặp tình trạng rát da, ngứa, đỏ hoặc nổi mẩn do tác dụng phụ của thuốc.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Ví dụ paroxetine, sertraline, fluoxetine... Các thuốc này thường được sử dụng trong điều trị trầm cảm và lo âu, cũng đã được chứng minh là có tác dụng làm kéo dài thời gian xuất tinh. SSRI giúp tăng nồng độ serotonin trong não, một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò điều chỉnh các chức năng sinh lý, bao gồm cả quá trình xuất tinh.
Tác dụng phụ: Buồn nôn, chóng mặt, khô miệng, táo bón... Những tác dụng phụ này thường xuất hiện trong tuần đầu và mất dần trong 2-3 tuần. Đôi khi chúng còn gây giảm ham muốn tình dục, rối loạn chức năng tình dục, bao gồm giảm khả năng cương dương; khi ngưng thuốc thì các tình trạng này cũng mất đi.
- Thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (PDE5 inhibitors): Ví dụ sildenafil, tadalafil... Đây là những thuốc dùng trong điều trị rối loạn cương dương. Do vậy, các thuốc này có thể có hiệu quả ở những người vừa bị rối loạn cương dương, vừa bị xuất tinh sớm. Thuốc giúp tăng cường dòng máu đến dương vật, giúp đạt được sự cương cứng và kiểm soát xuất tinh tốt hơn.
Tác dụng phụ: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mờ mắt, rối loạn tiêu hóa...

Người bệnh rối loạn xuất tinh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
2. Điều trị xuất tinh muộn
Xuất tinh muộn là một rối loạn tình dục nam giới, trong đó nam giới gặp khó khăn trong việc đạt cực khoái và xuất tinh dù có sự kích thích tình dục đầy đủ và kéo dài. Một số trường hợp có thể không thể xuất tinh hoàn toàn.
Không có thuốc nào được FDA phê duyệt đặc hiệu cho điều trị xuất tinh muộn. Vì vậy, dùng thuốc cần có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
- Bupropion: Là thuốc chống trầm cảm nhưng có thể giúp cải thiện rối loạn xuất tinh nhờ đặc tính kích thích hệ dopaminergic - một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khoái cảm và hoạt động tình dục.
Tác dụng phụ: khô miệng, mất ngủ, bồn chồn, buồn nôn; hiếm hơn có thể gây co giật (đặc biệt ở liều cao). Không dùng chung với các thuốc ức chế MAO.
- Amantadine: Là thuốc kháng virus và điều trị Parkinson, có tác dụng kích thích dopamin, hỗ trợ điều trị xuất tinh muộn do giảm dopamin.
Tác dụng phụ: rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, chóng mặt, lú lẫn, nổi ban.
- Cyproheptadine: Là thuốc kháng histamin có thể ức chế serotonin - chất liên quan đến ức chế xuất tinh; dùng trong trường hợp xuất tinh muộn liên quan đến dùng SSRI. Dùng trước khi quan hệ khoảng 1 giờ. Không nên dùng lâu dài do nguy cơ tăng cân và an thần.
3. Điều trị xuất tinh ngược dòng
Xuất tinh ngược dòng là tình trạng tinh dịch không được tống ra ngoài qua niệu đạo như bình thường mà thay vào đó đi ngược vào bàng quang. Người bệnh vẫn có cảm giác cực khoái, tuy nhiên không thấy hoặc thấy rất ít tinh dịch xuất ra bên ngoài sau khi quan hệ tình dục hoặc thủ dâm.
Điều trị xuất tinh ngược dòng bằng các loại thuốc như:
- Thuốc imipramine: Thuốc imipramine thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng, có tác dụng kích thích hệ giao cảm và làm tăng co thắt cổ bàng quang, từ đó ngăn chặn dòng tinh dịch đi ngược vào bàng quang.
Tác dụng phụ thường gặp: Khô miệng, chóng mặt, táo bón, buồn ngủ, khó tiểu tiện. Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, bệnh tim mạch, hoặc người đang sử dụng các thuốc chống trầm cảm khác. Imipramine có thể tương tác với thuốc ức chế MAO, thuốc chống loạn nhịp, thuốc kháng histamine thế hệ 1, làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và độc tính trên thần kinh trung ương.
- Ephedrine: Ephedrine thuộc nhóm thuốc cường giao cảm, làm tăng co cơ cổ bàng quang, giúp đóng chặt cổ bàng quang khi xuất tinh, thường uống trước giao hợp 30–60 phút.
Tác dụng phụ: Hồi hộp, đánh trống ngực, tăng huyết áp, run, lo âu.
Chống chỉ định: Bệnh tim mạch nặng, cường giáp, tăng huyết áp chưa kiểm soát, loạn nhịp tim.
Ephedrine tương tác với thuốc ức chế MAO, gây tăng huyết áp nghiêm trọng. Không nên sử dụng ephedrine trong vòng 14 ngày sau khi ngừng MAO.

Rối loạn xuất tinh là tình trạng rối loạn bất thường về phản xạ xuất tinh ở người nam giới.
4. Một số lưu ý trong quá trình điều trị rối loạn xuất tinh
Để điều trị hiệu quả tình trạng rối loạn xuất tinh, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ liều lượng và chỉ định của bác sĩ: Việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn xuất tinh cần được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ, bởi mỗi bệnh nhân có thể có những nguyên nhân và tình trạng bệnh khác nhau.
- Theo dõi tác dụng phụ: Một số thuốc có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe tình dục hoặc tâm lý. Vì vậy, người bệnh cần tự theo dõi các phản ứng không mong muốn và thông báo cho bác sĩ khi cần thiết.
- Kết hợp với các phương pháp hỗ trợ khác: Thuốc có thể không phải là phương pháp điều trị duy nhất. Việc kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc như liệu pháp tâm lý, thay đổi lối sống hoặc can thiệp vật lý có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
- Thận trọng trong dùng thuốc khi có bệnh lý nền: Những người có tiền sử bệnh tim mạch, gan, thận, hoặc các bệnh lý khác cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn xuất tinh.
- Tránh tự ý sử dụng thuốc: Việc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc có tác dụng mạnh, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Mời bạn đọc xem thêm: