Sau khi sốt 1-3 ngày, tuyến nước bọt đau nhức, sưng to (có thể sưng ở một hoặc cả hai bên), khó nhai, khó nuốt, buồn nôn, đau cơ, nhức mỏi toàn thân, mệt mỏi, có thể sưng bìu và đau tinh hoàn.
1. Các thuốc điều trị quai bị
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị, điều trị chủ yếu là nâng cao sức đề kháng, tăng cường dinh dưỡng, điều trị triệu chứng và phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não…
1.1. Thuốc hạ sốt, giảm đau
Khi sốt cao trên 38,5 độ C, kèm cảm giác đau ở vùng mang tai thì người bệnh nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. Các thuốc thông dụng là paracetamol, ibuprofen... Các thuốc này nói chung đều an toàn để giảm đau, hạ sốt và hiệu quả cho những cơn đau nhức từ nhẹ đến trung bình.
Tuy nhiên, trước khi dùng, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chú ý đến liều lượng trên nhãn thuốc. Việc dùng paracetamol hơn lượng được khuyến cáo có thể dẫn đến những vấn đề ảnh hưởng cho gan, làm tăng men gan.
Đối với ibuprofen, nếu lạm dụng có thể tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Thuốc nên được uống sau ăn để giảm tối đa ảnh hưởng của thuốc lên dạ dày. Cần đọc kỹ thành phần của thuốc để đảm bảo không dùng các thuốc có cùng thành phần hoạt tính. Đối với người đã có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa thì không nên dùng ibuprofen.
1.2. Thuốc an thần
Thuốc an thần có thể sử dụng với liều thấp trong điều trị bệnh quai bị nhằm mục đích giúp người bệnh giảm mệt mỏi, giảm căng thẳng và dễ đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, thuốc an thần thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy người bệnh không nên tự ý sử dụng. Liều dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc an thần như rotundin thường ít gây ra tác dụng phụ. Một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng như khó chịu, đau đầu, mệt mỏi, ngủ nhiều, chán ăn… sau khi dùng thuốc thì cần ngưng dùng thuốc và thông báo cho bác sĩ.
Chống chỉ định sử dụng thuốc an thần ở trẻ em dưới 1 tuổi, người bệnh mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc. Thuốc an thần thường gây cảm giác buồn ngủ, do đó sau khi sử dụng thuốc, người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc.
1.3. Thuốc kháng viêm corticosteroid
Trường hợp người bệnh quai bị thể viêm tinh hoàn, bác sĩ có thể chỉ định dùng corticoid liều cao ngay từ đầu để giảm đau và chống viêm sau đó giảm dần liều (theo hướng dẫn của bác sĩ).
Tuy nhiên, thuốc corticosteroid thường gây ra nhiều tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ợ nóng, khó ngủ, tăng tiết mồ hôi, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, nhiễm trùng nấm men hoặc nấm miệng, tăng đường huyết, thay đổi tiết dịch âm đạo, sưng chân/mắt cá chân, dễ chảy máu, đau ngực, co giật, phản ứng dị ứng…
2. Những lưu ý khi dùng thuốc
Người bệnh khi có các dấu hiệu của bệnh quai bị nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trong quá trình điều trị và chăm sóc tại nhà, cần lưu ý:
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng thuốc. Đặc biệt đối với thuốc kháng viêm corticosteroid cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh gặp tác dụng không mong muốn.
- Không sử dụng thuốc kháng sinh cho mọi thể bệnh quai bị, bởi quai bị là bệnh gây ra bởi virus. Thuốc kháng sinh chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn chứ không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do virus. Vì thế, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Đối với thuốc dạng lỏng, sử dụng thiết bị đo lường đi kèm để đong liều lượng thuốc chính xác và không được uống quá liều lượng khuyến cáo.
- Đối với thể bệnh viêm tuyến mang tai, người bệnh nên nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại trong thời gian còn sốt, còn sưng tuyến mang tai (thường là 7-8 ngày đầu).
- Đối với thể viêm tinh hoàn, bệnh nhân phải được nằm nghỉ tại giường khi còn sưng đau, mặc quần sịp để treo tinh hoàn. Sau khi tinh hoàn đỡ sưng đau có thể dùng vitamin E từ 1-2 tháng để tăng sinh tinh trùng.
- Bổ sung vitamin nhóm B, C và E để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, củng cố hàng rào miễn dịch, nhờ đó giúp cơ thể nhanh hồi phục. Khi bổ sung cần chú ý liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Bổ sung quá nhiều, dẫn đến thừa cũng không tốt.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
SKĐS | Chuyên gia cảnh báo đột quỵ đang gia tăng ở giới trẻ