Tìm hiểu về nhiễm trùng huyết
Nhiễm trùng huyết (còn được gọi là nhiễm khuẩn huyết) là tình trạng của cơ thể phản ứng với nhiễm trùng gây ra bởi các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virút, ký sinh trùng…) hay các độc tố của chúng, phát tán vào trong máu và lây lan khắp cơ thể.
Nhiễm trùng huyết là một vấn đề hết sức đáng lo ngại trong công tác điều trị, đặc biệt trong bệnh viện, là nơi môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn chéo, tạo điều kiện cho Nhiễm trùng huyết phát sinh, gây ra nguy cơ tử vong rất nhanh nếu không kịp thời điều trị.
Nhiễm trùng huyết là một vấn đề hết sức đáng lo ngại trong công tác điều trị, đặc biệt trong bệnh viện
Nhiễm trùng huyết thường trải qua 3 giai đoạn:
Bắt đầu nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng huyết tiến triển.
Sốc do nhiễm trùng huyết.
Kết quả của nhiễm trùng huyết là tổn thương mô, suy cơ quan và có thể dẫn đến tử vong!
Nguyên nhân:
Nhiễm trùng huyết có thể phát sinh từ bất cứ một ổ vi khuẩn nào có thể xâm nhập vào cơ thể; các vị trí phổ biến bao gồm đường sinh dục, gan và đường mật, đường tiêu hóa và phổi…
Triệu chứng:
Sốt.
Ớn lạnh.
Huyết áp thấp.
Khó thở.
Giảm đáng kể lượng nước tiểu.
Thay đổi đột ngột trạng thái tinh thần.
Giảm số lượng tiểu cầu.
Đau bụng.
Sốc nhiễm trùng…có thể dẫn đến tử vong.
Thuốc điều trị
Nhiễm trùng huyết được xem là một trường hợp cấp cứu, nên tiến hành điều trị và theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Nhiều nghiên cứu cho biết: cứ mỗi giờ trôi qua, nếu nhiễm trùng huyết không được điều trị, sẽ gia tăng nguy cơ tử vong lên đến 7,6%.
Sau đây là các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng huyết:
Thuốc kháng sinh:
Nên nhanh chóng tiến hành điều trị (trong vòng 6 tiếng đồng hồ khi đã xác định là nhiễm trùng huyết) bằng một kháng sinh hay nhiều kháng sinh phổ rộng (ceftriaxone, azithromycin, ciprofloxacin, vancomycin…), qua đường tĩnh mạch để thuốc phân bố vào hệ tuần hoàn nhanh chóng và hiệu quả.
Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, có thể chuyển sang loại kháng sinh thích hợp với loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Dung dịch tiêm truyền qua đường tĩnh mạch: bổ sung chất tạo keo (albumin, dextran), muối (ringer lactat)… giúp ngăn ngừa hạ huyết áp, mất nước, suy thận.
Nhóm thuốc co mạch: (Epinephrin, Norepinephrin, Vasopressin…:) giúp tăng huyết áp trong trường hợp huyết áp vẫn không cải thiện sau khi đã bổ sung dung dịch qua đường tĩnh mạch.
Insulin dùng qua đường tĩnh mạch, giúp duy trì lượng đường trong máu.
Nhóm thuốc corticosteroid vừa có tác dụng chống viêm trong cơ thể, vừa có tác dụng ức chế hệ miễn dịch (thường được sử dụng qua đường tĩnh mạch).
Ngoài các thuốc trên, còn có một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng huyết như thuốc giảm đau, thuốc an thần…
Đối với Nhiễm trùng huyết, việc phòng ngừa là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện:
Cần tích cực điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ban đầu (ápxe, mụn, nhọt, các chấn thương, vết thương nhiễm trùng…).
Phải vô trùng tuyệt đối các dụng cụ y tế. Cán bộ y tế (bao gồm cả bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng…) trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật phải tuân thủ vô trùng tuyệt đối từ khâu rửa sạch tay, sát khuẩn, đến quần, áo, mũ, khẩu trang…
Trong gia đình cần vệ sinh sạch sẽ vết thương, bôi thuốc sát trùng, đắp gạc và băng bó tạm thời, cần lưu ý tránh dùng tay chạm vào vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sỡ y tế gần nhất để điều trị.