Các thuốc điều trị nhiễm nấm Candida

25-09-2024 11:48 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng do nấm Candida gây ra, thường gặp nhất là Candida albicans, có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc bệnh nặng hơn, tùy thuộc vào từng người và sức khỏe tổng quát của từng cá nhân.

Bệnh nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừaBệnh nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

SKĐS - Bệnh nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng bởi loại nấm tên là Candida (phổ biến nhất là Candida albicans) gây ra. Hầu hết phụ nữ đều bị nhiễm nấm (trong đó có Candida) với lượng nhỏ và không gây ra vấn đề gì. Khi hệ miễn dịch suy giảm hoặc gặp môi trường thích hợp sẽ tạo điều kiện vi nấm phát triển và gây bệnh.

Thông thường, nhiễm trùng nấm Candida chỉ giới hạn ở miệng, vùng sinh dục hoặc da. Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh tật hoặc dùng thuốc như corticosteroid, thuốc chống ung thư, không chỉ dễ bị nhiễm trùng tại chỗ hơn mà còn có nhiều khả năng bị nhiễm trùng bên trong cơ thể nghiêm trọng hơn.

Các thuốc điều trị nhiễm nấm Candida- Ảnh 2.

Hình ảnh nhiễm nấm Candida sinh dục ở nữ giới.

1.Thuốc nào điều trị nấm Candida?

Các phương pháp điều trị được sử dụng để kiểm soát nhiễm trùng Candida rất khác nhau và dựa trên vị trí giải phẫu của nhiễm trùng, bệnh tiềm ẩn và tình trạng miễn dịch, các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng của bệnh nhân, loài Candida cụ thể gây nhiễm trùng và trong một số trường hợp, mức độ nhạy cảm của loài Candida với các loại thuốc chống nấm cụ thể.

Thuốc chống nấm hoạt động theo cơ chế giết chết nấm hoặc ngăn chặn nấm phát triển.

1.1. Thuốc chống nấm azole toàn thân dùng trong điều trị nhiễm nấm Candida

- Các thuốc chống nấm azole là hợp chất tổng hợp bao gồm 2 nhóm là imidazole và triazole.

  • Các thuốc nhóm imidazole bao gồm: Miconazole, ketoconazole và clotrimazole.
  • Các thuốc nhóm triazole được sử dụng phổ biến nhất, bao gồm fluconazole, itraconazole, econazole, terconazole, butoconazole và tioconazole.

- Tác dụng của thuốc: Ức chế một loại enzyme (lanosterol 14-alpha-demethylase) cần thiết cho quá trình tổng hợp ergosterol, thành phần chính của màng tế bào nấm. Tác động này làm mất ổn định màng tế bào, gây rò rỉ tế bào, ly giải và cuối cùng làm chết nấm.

- Tác dụng phụ: Mặc dù thường được dung nạp tốt, nhưng các thuốc nhóm azole thường gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng. Độc tính với gan (xét nghiệm chức năng gan tăng cao, viêm gan, ứ mật và hoặc suy gan cấp tính) là phản ứng có hại phổ biến liên quan đến tất cả các thuốc azole. Ngoài ra, mỗi loại thuốc azole cũng có các tác dụng có hại riêng (cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc).

Azole tương tác với nhiều loại thuốc khác và có thể cần phải điều chỉnh liều.

1.2 Thuốc chống nấm azole tại chỗ

Các thuốc điều trị nhiễm nấm Candida- Ảnh 4.

Thuốc chống nấm azole tại chỗ được sử dụng để điều trị các dạng nấm Candida không biến chứng thường gặp ở niêm mạc da. (ảnh minh họa)

Các thuốc này được sử dụng rộng rãi để điều trị các dạng bệnh nấm Candida không biến chứng thường gặp ở niêm mạc da, bao gồm: Clotrimazol, butoconazole, miconazole, tioconazole…

- Tác dụng của thuốc: Ức chế sự phát triển của nấm men bằng cách thay đổi tính thấm của màng tế bào, khiến tế bào nấm bị tiêu diệt.

- Tác dụng phụ: Tác dụng phụ phổ biến nhất của azole tại chỗ là kích ứng da và niêm mạc tại chỗ …

1.3 Chất ức chế tổng hợp glucan (echinocandin)

- Các thuốc này gồm: Caspofungin, micafungin, anidulafungin… được sử dụng cho các dạng phức tạp của bệnh nấm Candida xâm lấn, bệnh nhiễm nấm Candida máu, tình trạng kháng với các thuốc chống nấm toàn thân khác và không dung nạp amphotericin B.

- Tác dụng: Ức chế sự hình thành thành tế bào nấm, dẫn đến mất ổn định thẩm thấu và chết tế bào.

- Tác dụng phụ: Giống như nhiều loại thuốc chống nấm khác, echinocandin có thể gây độc cho gan.

1.4 Nhóm polyen

- Các thuốc trong nhóm này gồm: Amphotericin B deoxycholate, liposome amphotericin B, phức hợp lipid amphotericin B, nystatin.

- Tác dụng: Thuốc liên kết với ergosterol, một loại steroid-alcohol đặc trưng của nấm. Phức hợp polyene-ergosterol tạo ra các lỗ trên màng tế bào nấm, cuối cùng dẫn đến rò rỉ chất điện giải, ly giải tế bào và chết tế bào.

- Tác dụng phụ: Các amphotericin B có nguy cơ hạ huyết áp, ớn lạnh, nhức đầu, hạ kali máu, hạ magie máu, thiếu máu, suy thận, đau tại chỗ tiêm, buồn nôn, nôn, và sốt. Các tác dụng phụ liên quan đến nystatin tại chỗ bao gồm viêm da tiếp xúc nhẹ, hội chứng Stevens-Johnson. Nystatin đường uống có nguy cơ phản ứng quá mẫn thấp hơn so với các công thức tại chỗ nhưng có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn và đau bụng.

1.5 Allylamines

- Thuốc chống nấm allylamine như terbinafine (daskil, lamisil)

- Tác dụng: Có tác dụng ức chế squalene epoxidase, làm giảm tổng hợp ergosterol, gây mất tính toàn vẹn của màng tế bào, gây chết tế bào nấm; thường dùng điều trị viêm quanh móng.

Sử dụng thuốc cho đến khi các triệu chứng cải thiện đáng kể. Thời gian điều trị phải >1 tuần nhưng không được quá 4 tuần. Có thể không hiệu quả đối với nhiễm trùng candida bằng thuốc chống nấm azole.

1.6 Thuốc ức chế nguyên phân griseofulvin

- Tác dụng: Thuốc phá vỡ cấu trúc thoi gián phân tế bào nên làm ngừng pha giữa của phân bào, ức chế sự phân chia của tế bào nấm.

Griseofulvin chỉ được chấp thuận dùng toàn thân (uống) và được chỉ định để điều trị bệnh nấm da ở da, tóc và móng nghiêm trọng hoặc kháng trị liệu tại chỗ. Cụ thể, thuốc này điều trị nấm da (nấm thân, nấm chân, nấm đùi, nấm râu, nấm đầu và nấm móng). Griseofulvin chỉ được dùng bằng đường uống dưới dạng viên nén hoặc hỗn dịch, nên uống cùng bữa ăn có chất béo để hỗ trợ hấp thu.

- Tác dụng phụ: Có nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, trong đó các tác dụng phụ thường gặp nhất được báo cáo là phát ban và nổi mề đay. Có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng hơn và bao gồm phản ứng thuốc giống ban đỏ đa dạng, nhạy cảm với ánh sáng ở da, giảm bạch cầu (hiếm gặp), giảm bạch cầu hạt và độc tính với gan.

- Chống chỉ định: Điều trị bằng griseofulvin cần cân nhắc đến các tác dụng phụ tiềm ẩn ở những bệnh nhân nhạy cảm và những bệnh nhân có bệnh lý nền; đặc biệt là những bệnh nhân quá mẫn với griseofulvin, quá mẫn với penicillin (có khả năng xảy ra phản ứng chéo giữa penicillin và griseofulvin), suy gan, bệnh nhân mắc bệnh porphyria và bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú.

1.7 Dẫn xuất quinoline (iodoquinol, clioquinol)

- Tác dụng: Các quinoline được chấp thuận để dùng tại chỗ trị nấm.

+ Iodoquinol bôi ngoài da đã được chấp thuận để điều trị bệnh nấm da đầu, nấm da đùi, nấm da thân, nấm da chân, hăm kẽ do nấm…

+ Clioquinol là sản phẩm kết hợp với hydrocortisone, để điều trị cùng phổ bệnh ngoài da như iodoquinol.

- Tác dụng phụ: Dẫn xuất quinoline thường gây ra tình trạng khô da, viêm da tiếp xúc, phản ứng dị ứng, lông mọc nhanh ở vùng bôi thuốc và viêm nang lông.

- Chống chỉ định: Không dùng cho những bệnh nhân quá mẫn với thuốc hoặc các thành phần của thuốc.

2. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc khi nhiễm nhấm Candida

Trước khi dùng thuốc chống nấm, hãy trao đổi với dược sĩ hoặc bác sĩ về:

  • Bất kỳ tình trạng hiện tại hoặc dị ứng nào có thể ảnh hưởng đến việc điều trị nhiễm trùng nấm.
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất (trên bao bì sản phẩm).
  • Theo dõi tác dụng phụ của thuốc, báo cáo kịp thời cho bác sĩ biết để được ứng phó thích hợp.
  • Thuốc chống nấm có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn có thể đang dùng, do đó, bênh nhận cần cho bác sĩ biết về các thuốc mà mình đang sử dụng, để phòng ngừa tương tác bất lợi.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhiễm nấm CandidaCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhiễm nấm Candida

SKĐS - Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng do một loại nấm gây ra tên là Candida, thường là Candida albicans. Nhiễm nấm Candida có thể gây tổn thương ở miệng, da, bộ phận sinh dục và trường hợp hiếm gặp sẽ ảnh hưởng đến máu rồi di chuyển đến các cơ quan khác nếu không được điều trị kịp thời.


DS. Nguyễn Thu Phương
dược sĩ
Ý kiến của bạn