Một số nguyên nhân gặp phổ biến nhất trong lâm sàng gây suy tim là: Tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, rối loạn nhịp tim và đái tháo đường type 2...
1. Điều trị tăng huyết áp giúp giảm nguy cơ suy tim
Việc điều trị tăng huyết áp phải đạt được 2 mục đích:
- Giữ huyết áp duy trì ổn định ở mức huyết áp mục tiêu (thông thường là ≤140/90 mmHg), phòng ngừa lâu dài các biến chứng của bệnh.
- Nếu đã xảy ra các biến chứng thì điều trị tích cực chống tái phát và hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
Khi dùng thuốc cần đúng nguyên tắc là: ĐÚNG - ĐỦ - ĐỀU:
- Đúng: Tức là đúng thuốc, giúp cải thiện triệu chứng và không có tác dụng phụ. Lưu ý là thuốc tốt với bệnh nhân này, không phải cũng sẽ tốt với các bệnh nhân khác. Do vậy, không nên tự ý dùng thuốc, không khuyên người khác dùng thuốc theo mình.
- Đủ: Nghĩa là liều lượng thuốc phải đảm bảo giúp bệnh nhân ổn định huyết áp mục tiêu (có thể dùng một hay nhiều loại thuốc do bác sỹ chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân).
- Đều: Nghĩa là điều trị tăng huyết áp là một điều trị suốt đời. Khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường, người bệnh vẫn phải tuân thủ nguyên tắc điều trị liên tục. Trên thực tế, một số bệnh nhân sau khi uống thuốc một thời gian, thấy khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường, huyết áp khá ổn định thì lại bỏ không uống thuốc. Đến khi xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao, lúc đó mới lại dùng thuốc thì đã là quá muộn.
2. Điều trị bệnh lý mạch vành
Khi bệnh nhân có biểu hiện của bệnh lý mạch vành hoặc nghi ngờ với các biểu hiện: Đau thắt ngực, tức nặng ngực trái, khó thở đột ngột… trước hết cần đảm bảo loại trừ hội chứng mạch vành cấp. Vì đây là hội chứng ưu tiên xem xét can thiệp càng sớm càng tốt chứ không phải điều trị nội khoa.
Việc điều trị nội khoa suy mạch vành phải nhằm mục tiêu giả quyết các vấn đề sau:
- Làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim
- Phân bố lại máu có lợi cho vùng cơ tim bị thiếu oxy
- Tăng cung cấp oxy cho cơ tim.
- Bảo vệ tế bào cơ tim bị thiếu máu.
Để đạt mục tiêu trên, có rất nhiều nhóm thuốc điều trị, trong đó lưu ý một số nhóm chính:
2.1. Nhóm nitrat
Thuốc thường dùng như nitroglycerin dạng uống hoặc xịt dưới lưỡi. Lưu ý nhóm này có thể gây tụt huyết áp tư thế và hạ huyết áp. Do vậy không dùng khi huyết áp thấp, hoặc lưu ý khi kết hợp với các thuốc hạ huyết áp.
2.2. Nhóm thuốc ức chế beta và chẹn kênh calci
Các thuốc như acebutolol, atenolol, metoprolol, bisoprolol, propranolol... có tác dụng làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp, giảm tiêu thụ oxy cơ tim. Nhóm này có nhiều chống chỉ định, do vậy phải tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ, nhất là khi bệnh nhân có hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhịp tim chậm….
2.3. Nhóm thuốc hạ cholesterol máu
Các statin thường được sử dụng để hạ cholesterol máu. Các thuốc này ngoài hạ cholesterol máu còn giúp ổn định mảng vữa xơ, thậm chỉ giảm kích thước và thể tích mảng vữa xơ nữa. Nhóm này chủ yếu phải lưu ý đến tổn thương gan, do vậy nếu có viên gan, tăng men gan thì phải lưu ý chống chỉ định khi dùng.
2.4 Nhóm các thuốc chống kết vón tiểu cầu
Phổ biến nhất là aspirin và clopidogrel. Các thuốc này cần hết sức lưu ý vì tác dụng phụ gây chảy máu (xuất huyết). Do vậy các bệnh nhân có tiền sử chảy máu, tiền sử bệnh lý dạ dày tá tràng hoặc đang dùng các thuốc chông đông phải lưu ý.
3. Điều trị rối loạn nhịp tim
Loạn nhịp tim có thể là nguyên nhân gây suy tim, nhưng cũng có thể là biến chứng của suy tim. Các thuốc chống loạn nhịp hiện đang được sử dụng còn có nhiều hạn chế do hiệu quả không thực sự cao và độc tính của nó.
Trong hầu hết các nghiên cứu với thuốc chống loạn nhịp về tỷ lệ tử vong người ta chưa đưa ra được lợi ích một cách rõ ràng. Mặt khác giới hạn giữa liều có hiệu quả điều trị và liều độc của thuốc tương đối hẹp. Vì vậy cả người bệnh lẫn người thầy thuốc buộc phải hiểu rõ dược lý lâm sàng, liều dùng và các tác dụng bất lợi của các thuốc chống loạn nhịp.
Lưu ý quan trọng nhất khi sử dụng thuốc chống loạn nhịp là:
- Không tự ý sử dụng thuốc do các thuốc chống loạn nhịp có chỉ định rất chặt chẽ, chỉ định sai có thể nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
- Phải luôn đảm bảo cân bằng điện giải tốt trước và khi sử dụng thuốc chống loạn nhịp, do các rối loạn điện giải, đặc biệt là ion kali, có thể làm nặng nề thêm các rối loạn nhịp tim khi sử dụng thuốc chống loạn nhịp.
- Các thuốc chống loạn nhịp hầu hết là làm chậm nhịp tim, do vậy những bệnh nhân có nhịp tim chậm, hay đã từng có lúc bị mạch chậm thì phải hết sức thận trọng khi sử dụng. Nếu mạch chậm quá sẽ làm giảm cung lượng tim, giảm tưới máu nội tạng trong đó có não và tim do vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
4. Điều trị đái tháo đường
Bệnh nhân suy tim trên nền bệnh đái tháo đường rất cần được điều trị để luôn giữ mức đường huyết ổn định, nhằm tránh tiến triển các nguy cơ của đái tháo đường và gây ảnh hưởng xấu đến tim nặng nề hơn. Tùy theo loại đái tháo đường cũng như tình trạng bệnh hiện tại, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dạng uống, thuốc tiêm hoặc kết hợp cả hai.
Hiện tại có rất nhiều nhóm thuốc chữa đái tháo đường, nhưng có một số điểm cần hết sức lưu ý khi điều trị bệnh nhân đái tháo đường trên nền suy tim:
- Không tự ý điều trị mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu chỉ định không đúng, các thuốc điều trị đái tháo đường có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh như: Gây tụt đường huyết; gây biến chứng như tăng áp lực thẩm thấu, tăng ceton… Đây là những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí đúng và kịp thời.
- Phải kiểm tra thường xuyên chức năng gan thận, vì các thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan thận.
- Gần đây các thuốc nhóm ức chế SGLT2 (như forxigar; jardian) là nhóm thuốc không những cải thiện các triệu chứng về đái tháo đường, giúp duy trì ổn định đường máu mà còn rất tốt cho suy tim; thậm chí có thể chỉ định cho cả các bệnh nhân suy tim không bị ĐTĐ.
Mời độc giả xem thêm video:
Hé lộ nội dung tài liệu thu được sau buổi khám nhà CEO Nguyễn Phương Hằng | SKĐS