Các thuốc điều trị nấm móng

14-06-2023 11:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nấm móng tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và rất khó điều trị. Việc điều trị nấm móng sớm, đúng cách có thể giúp giảm thiểu các hệ lụy do căn bệnh này gây nên…

Nấm móng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừaNấm móng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa

SKĐS - Nấm móng là bệnh khá phổ biến, thường gặp ở người làm việc chân tay, làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với điều kiện vệ sinh kém, ẩm ướt.

1. Bệnh nấm móng là gì?

Nấm móng là tình trạng nhiễm nấm ở móng (móng tay, móng chân hoặc cả hai). Thường nhiễm nấm ở móng chân có tỷ lệ cao hơn so với nấm móng tay vì móng chân có lưu lượng máu ít hơn và chân dễ tiếp xúc với chất bẩn nhiều hơn.

Nấm móng có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng thường xuất hiện hơn ở người lớn tuổi (> 65 tuổi), người suy giảm miễn dịch, có tiền sử bệnh loạn dưỡng móng (vảy nến...), bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh đái tháo đường hoặc tiếp xúc với người bị nấm da hay nấm móng.

Bệnh do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida).

Chủng nấm Dermatophyte là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh (60-80%), ngoài ra còn có các chủng nấm khác như Fusarium, Aspergillus, Scopulariopsis. Đối với những người suy giảm miễn dịch, nhiễm nấm Candida ở da và niêm mạc cũng có thể phát triển thành nấm móng.


Các thuốc điều trị nấm móng - Ảnh 2.

Nấm móng tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và rất khó điều trị.

2. Các triệu chứng thường gặp của bệnh nấm móng

Các triệu chứng của nấm móng:

  • Bề mặt móng xù xì, các đốm màu vàng hoặc trắng xuất hiện dưới đầu.
  • Móng dễ mủn và dễ gãy. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, móng sẽ bị đổi màu, dày lên và vỡ vụn ở rìa móng.

Nấm móng gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho người bệnh. Những người bị nặng hơn thì móng có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Bệnh có thể lây lan đến những vùng da xung quanh, lây sang các bộ phận khác và thậm chí còn lây từ người này sang người khác.


3. Khi nào cần điều trị nấm móng?

Bệnh nấm móng nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và không gây biến chứng thì không nhất thiết phải điều trị.


Cần điều trị trong các trường hợp:

  • Những người thường xuyên bị nhiễm trùng ở chân do nấm móng tạo đường vào cho vi khuẩn gây bệnh.
  • Người có nguy cơ nhiễm trùng cao như đái tháo đường.
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch do nấm có thể vào trong cơ thể gây nhiễm nấm toàn thân cũng như có nguy cơ cao nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ...
Các thuốc điều trị nấm móng - Ảnh 3.

Có thể sử dụng lase để điều trị nấm móng.

4. Các phương pháp điều trị nấm móng

Phương pháp điều trị nấm móng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như chủng nấm gây ra. Điều trị nấm móng thường lâu dài, nấm móng tay đáp ứng nhanh và hiệu quả hơn so với nấm móng chân. Thời gian điều trị trung bình là 6 tuần đối với nấm móng tay và 12 tuần với nấm móng chân. Bệnh nhân cần kiên trì, tuân thủ đúng liệu trình bởi nếu không điều trị triệt để, bệnh sẽ diễn biến dai dẳng và dễ tái phát.

Các thuốc thường dùng điều trị nấm móng bao gồm thuốc uống tác dụng toàn thân và thuốc bôi tại chỗ.

4.1.Thuốc uống

Điều trị kháng nấm đường uống chỉ nên được kê đơn sau khi đã khẳng định chẩn đoán bằng nhuộm và xét nghiệm tìm vi nấm trong móng. Thuốc kháng nấm đường uống có hiệu quả nhanh hơn so với thuốc bôi, được chỉ định khi nhiễm nấm móng nặng. Các thuốc bao gồm: Terbinafine, itraconazole giúp móng mới mọc không bị nhiễm nấm, dần dần thay thế phần móng bị nhiễm bệnh.

- Terbinafine đường uống thường là thuốc đầu tay trong điều trị bệnh nấm móng đã xác định. Tuy nhiên, terbinafine có thể gây ra bệnh gan nghiêm trọng (có thể gây tử vong) nhưng tỷ lệ rất hiếm gặp. Cần liên hệ với cơ sở y tế ngay lập tức nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào của tổn thương gan như: Buồn nôn/nôn ói không ngừng, chán ăn, đau dạ dày/bụng dữ dội, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sẫm màu.

Một số tác dụng không mong muốn khác của thuốc như: Tiêu chảy, đau bụng, thay đổi thị lực, thay đổi tâm thần, chảy máu/bầm tím không rõ nguyên nhân, mệt mỏi bất thường, dấu hiệu của các vấn đề về thận (như thay đổi lượng nước tiểu).

Lưu ý, cần hạn chế hoặc không sử dụng đồ uống có cồn vì việc sử dụng rượu hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng do thuốc terbinafine.

- Itraconazole là một triazole kháng nấm, thuốc rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như da. Thuốc có nồng độ cao trong mô do có ái tính với protein, đặc biệt là chất sừng, có hoạt phổ rộng kháng nhiễm nấm da, Candida và Aspergillus. Trong điều trị nấm móng, có thể sử dụng itraconazole.

Thuốc kháng nấm đường uống có thể gây ra các tác dụng phụ như phát ban da, tổn thương gan. Do liệu pháp điều trị kéo dài, bệnh nhân cần xét nghiệm đánh giá chức năng gan định kỳ trong quá trình dùng thuốc. Nên thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc người bệnh đang dùng để điều trị các bệnh lý khác nhằm phòng tránh các tương tác thuốc có thể xảy ra khi dùng đồng thời với thuốc chống nấm.

Các thuốc điều trị nấm móng - Ảnh 4.

Sử dụng các thuốc trị nấm móng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

4.2. Thuốc bôi tác dụng tại chỗ

Một số thuốc bôi điều trị nấm móng thường gặp bao gồm: Ciclopirox (ciclodan, penlac, loprox), efinaconazole (jublia), naftifine (naftin), tavaborole (kerydin), terbinafine (lamisil).

Khi dùng thuốc, cần phải bôi liên tục trong thời gian dài. Để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất, cần rửa và cạo sạch phần móng bị tổn thương, bôi duy trì từ 2 - 3 lần/ngày và nên dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ, dùng băng nhựa bịt để giữ thuốc qua đêm. Sau khi bôi thuốc, tránh rửa tay và để tay tiếp xúc với các vật dụng khác để thuốc không bị rửa trôi.

Các tác dụng không mong muốn của thuốc bôi thường nhẹ như sưng, đỏ, châm chích hoặc nóng rát tại chỗ.

5. Các phương pháp phòng ngừa tái phát nhiễm nấm móng

- Giữ gìn vệ sinh móng tay, móng chân sạch sẽ, cắt móng định kỳ.

- Tránh dùng chung các dụng cụ cắt móng tay, chân, khử dùng dụng cụ sau mỗi lần sử dụng.

- Tránh dùng giày dép của người khác, giặt giày dép thường xuyên để tránh tình trạng bào tử nấm ẩn nấp trong giày dép. Chọn các loại giày thoáng khí.

- Dùng những loại tất thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt.

- Tránh đi chân trần ở nơi công cộng vì nấm gây bệnh có thể có trên sàn nhà.

- Hạn chế tiếp xúc với nước có chất tẩy rửa như xà bông, nước rửa chén. Chỉ tiếp xúc với nước khi cần thiết do môi trường ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Uống trà tâm sen có tốt không?

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn