Để điều trị nám da, cần xác định rõ nguyên nhân gây nám, sau đó điều trị kết hợp với dự phòng tái phát bằng các loại thuốc bôi và thuốc uống.
Cụ thể, nếu nám da do bẩm sinh, di truyền phải hiệu chỉnh trong cấu trúc gen bệnh. Nếu nám da do nhiễm khuẩn hay viêm nhiễm phải dùng kháng sinh và các thuốc chống viêm.
Nếu nám da do hóa chất hay thuốc thì cần ngừng không sử dụng thuốc hay hóa chất gây nám da (trong trường hợp buộc phải dùng thuốc hoặc hóa chất thì sau khi ngưng điều trị, tình trạng nám da cũng sẽ dần được hồi phục).
Nếu nám da do các khối u thì phẫu thuật hoặc dùng laser loại bỏ; nám da do rối loạn nội tiết phải dùng thuốc điều hòa nội tiết… Nếu do cháy nắng, rám nắng khi đi ra ngoài trời có biện pháp bảo vệ bằng kem chống nắng, áo dài tay, mũ rộng vành, kính...
1. Một số thuốc điều trị nám da
- Hydroquinone trị nám da
Hydroquinone là một trong những thuốc sử dụng đầu tay trong điều trị nám. Trên da có tế bào hắc tố melanocytes sản sinh ra melanin. Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu dài, melanin được tạo ra nhiều hơn dẫn đến tình trạng nám da, tàn nhang…
Hydroquinone có tác dụng hạn chế và làm giảm hoạt động của melanocytes; kiểm soát và ức chế quá trình tăng sinh của tế bào hắc tố melanocytes. Ngoài ra, hợp chất này còn hỗ trợ cải thiện sắc tố và làm da sáng đều hơn.
Tuy nhiên, hydroquinone chỉ giúp ức chế quá trình sản xuất sắc tố melanin chứ không thể loại bỏ sắc tố này trong da. Do đó có thể xảy ra hiện tượng nám da do dùng hydroquinone. Hiện tượng này là do khi tế bào hắc tố chết đi, tích tụ trên da trước khi bị loại bỏ hẳn trên bề mặt da. Do vậy sau khi dùng hydroquinone vài tuần, tình trạng sạm da có thể tăng lên, sau đó da mới dần cải thiện và sáng trở lại.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ khác như khô da, kích ứng, viêm da… Khi dùng hydroquinone nồng độ cao và không có hướng dẫn giám sát của bác sĩ có thể dẫn đến tính trạng kháng thuốc. Hậu quả của vấn đề này là các tế bào hắc tố sản sinh quá mức để đáp ứng thuốc. Do vậy da trở nên sạm hơn do dùng hydroquinone quá liều.
Việc sử dụng hydroquinone làm sáng da chỉ hiệu quả khi sử dụng đúng chu kỳ, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Không dùng chung hydroquinone với benzoyl peroxide vì có thể gây nên hiện tượng đen da. Benzoyl peroxide một loại thuốc điều trị mụn da, có thể có trong các sản phẩm sữa tắm, sữa rửa mặt. Do vậy khi dùng hydroquinone cũng nên lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt, sữa tắm không chứa benzoyl peroxide.
Không sử dụng hydroquinone quá 5 tháng liên tục trong một chu kỳ điều trị. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có ý định mang thai hoặc đang mang thai cần đặc biệt tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các sản phẩm làm đẹp chứa hydroquinone.
- Retinoic acid
Là chất tổng hợp được đưa vào cơ thể bằng đường uống hoặc bôi. Thuốc bôi trên da làm gián đoạn sự vận chuyển những hạt sắc tố melanin đã được hình thành trong tế bào sắc tố sang tế bào tạo sừng, nhất là tế bào sừng lớp đáy và cận đáy góp phần làm giảm sắc tố da. Đối với các bệnh da có tăng sắc tố, thuốc được dùng chủ yếu dưới dạng kết hợp với 1 hoặc 2 thuốc khác.
Lưu ý, tất cả các trường hợp muốn dùng thuốc này đều phải tuân theo chỉ định của bác sĩ da liễu. Do thuốc dễ gây kích ứng khi có ánh nắng mặt trời, nên dùng thuốc vào ban đêm, trước khi đi ngủ khoảng nửa tiếng, trong tình trạng da phải thật khô.
Sau khi thoa thuốc xong cần rửa sạch tay bằng xà phòng để tránh bôi thuốc lên các vùng da khác không bị bệnh, đặc biệt là vùng mắt. Thuốc không được dùng cho những trường hợp dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Không dùng chung với các sản phẩm chứa hương liệu hay cồn. Phụ nữ có thai và cho con bú thì không nên dùng thuốc này.
Trong quá trình bôi thuốc, có thể gặp đỏ da, bong vảy và ngứa nhẹ... Tình trạng này sẽ thuyên giảm nếu được bôi mỡ corticoid. Tuy nhiên, nếu tình trạng dị ứng thuốc xảy ra nặng hơn thì cần ngừng bôi thuốc và báo lại với bác sĩ chuyên khoa.
- Corticoid
Kem bôi ngoài da có chứa corticoid có thể được chỉ định trong điều trị nám da từ nhẹ đến trung bình như hydrocortisol. Trường hợp nhẹ chỉ cần bôi 1 loại thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ 1 lần. Trường hợp trung bình hoặc nặng thì nên phối hợp 1 hoặc 2 loại thuốc có thể là thuốc giảm sắc tố da với kem chống nắng hoặc vitamin A acid hay mỡ corticoid.
Không dùng mỡ corticoid quá 10 ngày. Nếu có tác dụng phụ như mẩn đỏ, da bị kích ứng… thì cần ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ.
Nếu tình trạng nám da không cải thiện bằng thuốc bôi hoặc thuốc uống, có thể dùng các phương pháp lột da bằng hóa chất và liệu pháp laser.
- Lột da hóa học
Phương pháp này sử dụng các chất như axit glycolic, axit alpha-hydroxy và axit salicylic để loại bỏ lớp bề mặt của da có chứa sắc tố dư. Tác động của lột da hóa học chỉ là tạm thời, vì quy trình này loại bỏ một lớp da mà không làm giảm sản sinh sắc tố để tái tạo các lớp sâu hơn.
- Liệu pháp laser
Liệu pháp laser có thể phá hủy các tế bào sắc tố trong da, làm sáng các vết thâm nám. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ phương pháp điều trị nám khác, có nhiều nguy cơ tái phát sau điều trị.
2. Lưu ý khi dùng thuốc
Các loại thuốc điều trị nám da chỉ được dùng sau khi được bác sĩ khám và kê đơn. Phụ nữ mang thai, đang cho con bú; người thường xuyên phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời, đang sử dụng các thuốc điều trị bệnh khác cần thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Đối với các thuốc bôi ngoài da, cần vệ sinh da sạch sẽ: Tẩy trang, rửa sạch mặt bằng tay một cách nhẹ nhàng, không dùng khăn chà xát mạnh vì tăng nguy cơ kích ứng cho da.
Cần thử thuốc ở trên vùng da nhỏ, tốt nhất là vùng da mặt trong cánh tay để kiểm tra phản ứng của da với thuốc. Nếu thấy da mẩn ngứa hoặc có bất kỳ biểu hiện kích ứng nào, nên rửa sạch và ngừng sử dụng. Thoa thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Chỉ sử dụng một lượng kem/gel vừa đủ, không nên sử dụng quá nhiều vì tác dụng không tốt hơn mà nguy cơ gây kích ứng da cao hơn.
Không để thuốc dính vào mắt, mũi, miệng, đặc biệt là mắt. Nếu không may thuốc bị dính vào các vùng da đó, cần vệ sinh ngay bằng nhiều nước sạch, nếu thấy bất ổn cần liên hệ với bác sĩ ngay.
Các thuốc điều trị nám da có thể khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Do đó da cần được bảo vệ bằng kem chống nắng với chỉ số SPF 30+ để tránh tình trạng da sạm đen hơn. Tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Mời bạn đọc xem thêm: