1. Điều trị mụn trứng cá mức độ nhẹ
Mụn trứng cá mức độ nhẹ là những sang thương không viêm, bao gồm: Mụn đầu đen, mụn đầu trắng. Tình trạng mụn trứng cá này có thể được điều trị bằng các loại thuốc dưới đây:
- Retinoid: Là nhóm dẫn xuất của vitamin A, phổ biến trong điều trị mụn là kem thoa tretinoin và adapalene. Hoạt chất này tác động vào quá trình thay mới tế bào sừng của da, làm giảm sự hoạt động của tuyến dầu, tăng đào thải và tiêu giảm mụn nhân, giúp thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa sự hình thành của mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
- Acid azelaic: Hoạt chất này có thể tác động làm giảm viêm, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn; giúp ngăn chặn sự sản xuất bã nhờn quá mức, giảm bít tắt lỗ chân lông và giảm sự hình thành mụn trứng cá.
- Benzoyl peroxide: Là nhóm chất oxy hóa mạnh với nồng độ từ 2.5% đến 10% giúp diệt vi khuẩn gây mụn, giảm sừng hóa da, đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới, làm chậm sự tiết bã nhờn trên da.
- BHA (beta-hydroxy acid): Là acid salicylic giúp thẩm thấu sâu trong các lỗ chân lông, giúp giảm bít tắc, điều hòa nhờn bã, giảm viêm và kháng khuẩn. Chất này hỗ trợ khắc phục mụn đầu đen và mụn đầu trắng, đồng thời giảm viêm sưng ở những nốt mụn lớn hơn.
- AHAs: Nhóm alpha-hydroxy acid có tác dụng tẩy tế bào chết hóa học, giúp giảm bít tắc cổ nang lông, điều hòa tiết bã nhờn trên da, giúp giảm tình trạng trứng cá.
- Resorcinol: Là một loại thuốc chống vảy nến, được chỉ định trong điều trị đau và ngứa do vết cắt và vết xước nhỏ, vết bỏng, vết côn trùng cắn, trị mụn trứng cá. Trong điều trị trứng cá, thuốc có tác dụng phá vỡ các mụn đầu đen và mụn đầu trắng li ti.
- Niaciamide: Giúp phục hồi và bảo vệ làn da, giảm viêm và điều hòa nhờn bã trên da.
- Sulfur (lưu huỳnh): Lưu huỳnh giúp loại bỏ bớt các tế bào chết giúp thông thoáng cổ chân lông và giúp giảm bã nhờn.
2. Điều trị mụn trứng cá mức độ trung bình đến nặng
Là mụn trứng cá với những sang thương có viêm như: Sẩn viêm (đây là dạng khởi phát viêm mức độ nhẹ nhất); mụn mủ (từ sang thương viêm sẽ diễn tiến thành mụn tụ mủ); mụn bọc (sang thương viêm sưng tấy đỏ, mụn mủ); mụn dạng nang nốt (sang thương viêm sưng tấy đỏ, đau nhức).
Khi trứng cá ở mức độ này, cần đến khám tại chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn thuốc bôi, kết hợp thuốc uống và một số liệu pháp khác (nếu cần thiết). Tuyệt đối tránh nặn mụn, thoa thuốc tự chế (có thể dẫn đến nhiễm khuẩn nặng hơn)… Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc sau:
- Kháng sinh: Thường được kê toa từ khoảng 1 tháng đến tối đa là 6 tháng. Mục tiêu của sử dụng kháng sinh là giảm sự phát triển của vi khuẩn. Trong đó P. Acnes là vi khuẩn phổ biến nhất ký sinh trên da gây mụn. Nếu như sử dụng kháng sinh lâu dài và không đúng theo hướng dẫn, P.Acnes có thể kháng thuốc và đòi hỏi loại kháng sinh mạnh hơn.
Nên sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ. Erythromycin và tetracyclin là hai loại kháng sinh được dùng phổ biến nhất trong điều trị mụn trứng cá.
Các loại thuốc kháng khuẩn tại chỗ clindamycin, natri sulfacetamide cũng có mục đích giảm sự phát triển của vi khuẩn ở các bệnh nhân có mụn trứng cá từ trung bình đến nặng.
- Isotretinoin: Là một loại retinoid mạnh đường uống, thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá nặng khi các phương pháp điều trị khác không đáp ứng. Thuốc có tác dụng phụ: Da mặt, môi khô; chảy máu cam; thay đổi tâm trạng bất thường. Không sử dụng trong thời kỳ mang thai.
- Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai đường uống được chỉ định điều trị mụn trứng cá khá phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ. Cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai là ức chế tuyến dầu hoạt động quá mức, từ đó có thể kiểm soát sự phát triển của mụn trứng cá.
Mặc dù đây là phương pháp khắc phục và phòng ngừa mụn trứng cá lâu dài, nhưng cần đi khám phụ khoa trước khi dùng thuốc.
3. Các bước hỗ trợ điều trị mụn trứng cá
Các thói quen sinh hoạt xấu và chế độ ăn uống hàng ngày cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của mụn trứng cá, nên ngoài việc dùng thuốc điều trị, nên thực hiện các bước sau hằng ngày:
- Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya quá.
- Uống đủ nước.
- Tránh các chất kích thích (trà, cà phê), thực phẩm ngọt…
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Nên ăn thực phẩm chứa nhiều kẽm.
- Vệ sinh da sạch thường xuyên, dùng sữa rửa mặt ngày 2 lần (sáng, tối).
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống nắng mỗi ngày.
- Tẩy da chết bằng cách chà sát nhẹ trên da khi tắm hoặc sử dụng kem tẩy dạng hạt hoặc loại bỏ tế bào chết bằng một số loại acid như AHA, BHA...
Mời độc giả xem thêm video:
Trẻ mầm non đi học trở lại: Khó khăn giáo viên nghỉ việc, đồ chơi hoen gỉ