Các thuốc điều trị hội chứng thận hư

31-07-2023 06:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hội chứng thận hư là tình trạng bệnh khá phổ biến. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, điều trị được các nguyên nhân và tránh các biến chứng của thuốc…

‏1. Hội chứng thận hư là bệnh gì?‏

‏Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể thực hiện chức năng lọc máu và đào thải những chất độc hại ra ngoài thông qua đường tiểu. ‏

‏Hội chứng thận hư là tình trạng khi xuất hiện khi có tổn thương viêm ở cầu thận.

Các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng thận hư bao gồm:

‏- Phù, tiểu ít, nước tiểu có bọt, tăng cân, có thể có khó thở do tràn dịch đa màng;‏

‏- Protein niệu > 3.5g/24h;‏

‏- Protein máu < 60 g/l;‏

‏- Albumin máu < 30 g/l;‏

‏- Cholesterol máu > 6.5 mmol/l.‏

‏Dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng thận hư thì ta thấy bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm thông qua việc khám sức khỏe định kỳ.

BSCKII Trịnh Hùng, Phó Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8 đưa ra một số lưu ý trong điều trị hội chứng thận hư.

2. Nguyên tắc trong điều trị hội chứng thận hư‏

‏Mục tiêu trong điều trị hội chứng thận hư là:

  • Giảm phù
  • ‏Giảm hiện tượng mất protein qua nước tiểu‏
  • ‏Giảm viêm ở cầu thận

‏Hội chứng thận hư có thể được chia thành 2 nhóm là nguyên phát và thứ phát. Nếu là hội chứng thận hư thứ phát thì điều trị theo nguyên nhân gây bệnh. Đối với trường hợp bệnh nguyên phát, điều trị cơ bản là sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong đó lựa chọn đầu tiên là đơn trị liệu với corticoid. Ngoài ra, tùy trường hợp có thể phối hợp với các thuốc ức chế miễn dịch khác.‏

photo-1690673859717

‏Hội chứng thận hư là tình trạng khi xuất hiện tổn thương viêm ở cầu thận.‏

‏3. Lưu ý khi điều trị hội chứng thận hư‏

‏Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc đông y. Các bài thuốc dân gian cũng như y học cổ truyền cũng có rất nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, bệnh lý thận có nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi, suy tim, suy thận, huyết khối, tắc mạch thậm chí đe dọa tính mạng. ‏

‏Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu của bệnh thận người dân cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xét nghiệm và tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp.‏

‏- Liệu pháp corticoid

‏Đối với hội chứng thận hư nguyên phát, người bệnh thường được điều trị bằng corticoid. Liệu pháp corticoid thường dùng là prednisolon với liều duy nhất trong ngày và liều dùng theo cân nặng. Liều tấn công cần được duy trì tối thiểu 4 tuần nếu có đáp ứng hoàn toàn và tối đa là 16 tuần nếu không có đáp ứng. ‏

‏Nếu bệnh nhân có đáp ứng với corticoid thì cần giảm liều dần theo giai đoạn. Bên cạnh đó cần lưu ý các tác dụng không mong muốn của thuốc như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương…‏

‏Để sử dụng corticoid an toàn, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ định và liều lượng. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý nên uống corticoid sau bữa ăn, không uống lúc bụng đói và nên uống sau 8 giờ sáng. Nên uống thuốc cùng thời điểm trong các ngày, tránh bỏ quên liều.‏

‏- Thuốc ức chế miễn dịch

‏Trong trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, kém đáp ứng với corticoid, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc ức chế miễn dịch như cyclophosphamide, cyclosporine, mycophenolate, rituximab… ‏

‏Khi dùng những thuốc ức chế miễn dịch, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, do đó cần tránh những tổn thương để tránh nhiễm trùng da, vì khả năng lành bệnh và chống nhiễm trùng của cơ thể sau khi dùng thuốc rất kém. ‏

‏- Thuốc lợi tiểu

‏Thuốc lợi tiểu phổ biến trong điều trị hội chứng thận hư là furosemid và spironolactone. Cả hai thuốc đều có tác dụng giảm phù hiệu quả. Người bệnh không dùng 2 liều thuốc lợi tiểu liên tục trong vòng 6-8 tiếng vì nguy cơ gây mất nước quá nhiều, rối loạn cân bằng nước điện giải.‏

‏Nếu gặp các tác dụng phụ như dị ứng, chuột rút, mất nước và điện giải nhiều gây khô môi - miệng quá mức thì cần báo ngay cho bác sĩ để giảm liều sao cho phù hợp. Không nên sử dụng thuốc vào buổi tối để tránh mất ngủ.‏

‏- Thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II

‏Các thuốc ức chế men chuyển như lisinopril, captopril... và chẹn thụ thể angiotensin II như valsartan, losartan... được dùng cho 2 mục đích là hạ huyết áp và giảm hiện tượng mất protein qua nước tiểu.‏

‏Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng các thuốc ức chế men chuyển cho người cao tuổi bởi có tác dụng phụ gây ho khan và tăng kali máu. Nếu dùng thuốc gặp phải tác dụng phụ gây ho nặng hoặc có tiểu ít và kali máu cao thì phải ngừng sử dụng và thay bằng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II.‏

‏Ngoài ra, có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, dị ứng thuốc, khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp tim... thì cần báo ngay cho bác sĩ để có những điều chỉnh kịp thời.‏

‏Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh hội chứng thận hư cần lưu ý:

  • Ăn nhạt, giảm tối đa muối trong các bữa ăn để cải thiện tình trạng tăng huyết áp và phù.‏
  • ‏Chọn các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt gia cầm, cá, cua, tôm, các loại đậu; cần giảm thịt đỏ. Hạn chế chất béo, ăn ít mỡ.‏
  • ‏Hạn chế nước uống khi đang phù.‏
  • ‏Hạn chế chất béo, ăn ít mỡ. Không sử dụng các loại chất béo bão hòa trong sữa, mỡ động vật; đồ ăn chế biến sẵn.‏
  • ‏Ăn nhiều trái cây tươi và rau quả giàu chất xơ.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Phòng Ngừa Bệnh Thận Bằng Cách Nào? | SKĐS

BSCKII Trịnh Hùng
Phó Trưởng khoa Nội Thận Khớp, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn