Hà Nội

Các thuốc điều trị hội chứng Raynaud

13-02-2019 20:11 | Thông tin dược học
google news

SKĐS -Các thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud là những thuốc có tính chất giãn mạch, giúp tăng cường sự lưu thông máu

Các thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng Raynaud là những thuốc có tính chất giãn mạch, giúp tăng cường sự lưu thông máu và làm giảm các triệu chứng gây ra do tình trạng co thắt đột ngột các mạch máu nhỏ ở ngoại  biên của Hội chứng Raynaud.

Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud (HCRN) được đặt theo tên của một bác sĩ người pháp Maurice Raynaud (1834 - 1881), là người đầu tiên phát hiện bệnh này vào năm 1862.

HCRN là tình trạng co thắt đột ngột các mạch máu nhỏ ở ngoại biên khi gặp lạnh hay do stress, khiến các mạch máu hẹp lại và hạn chế sự lưu thông máu đến các mô. Quá trình này thường xảy ra chủ yếu ở ngón tay, ngón chân nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở mũi, tai, núm vú… gây ra những biến đổi màu sắc và cảm giác.

HCRN hiếm gặp ở nam giới, thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trẻ từ 20 - 40 tuổi.

Các thuốc điều trị hội chứng Raynaud

Phân loại:

HCRN được chia làm 2 loại:

Nguyên phát (còn được gọi là bệnh Raynauld): đây là dạng thường gặp, ít nghiêm trọng, không do một bệnh lý nào đó gây ra.

Thứ phát (còn gọi là hiện tượng Raynaud): đây là dạng ít phổ biến. nhưng hay đưa đến tình trạng nghiêm trọng và thường do một bệnh lý tiềm ẩn gây ra.

Nguyên nhân:

Cho đến nay, y học vẫn chưa được xác định nguyên nhân gây ra HCRN nguyên phát. Nhưng với HCRN thứ phát, có nhiều nguyên nhân gây bệnh được xác định:

Bệnh lý: biến chứng của các bệnh lý như bệnh xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, lupus… gây ra.

Thuốc: một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, ergotamine, methylsergid... khi sử dụng một thời gian dài có tác dụng phụ gây ra HCRN.

Chấn thương: gãy tay hay chân…

Lối sống: hút thuốc lá nhiều làm co các mạch máu, gây ra HCRN.

Các thuốc điều trị hội chứng RaynaudThuốc lá và cà phê làm gia tăng co thắt mạch máu

Triệu chứng:

- Khi gặp lạnh hay stress, các mạch máu co thắt hạn chế sự lưu thông máu, nên các ngón tay, ngón chân có màu trắng. Và khi sự lưu thông máu được cải thiện, các ngón tay, ngón chân chuyển sang xanh rồi đến đỏ.

- Các ngón tay, ngón chân có cảm giác ngứa ran, tê cứng, nóng và đau.

- Trong trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến lở loét và hoại tử.

Thuốc điều trị

Việc sử dụng thuốc trong điều trị HCRN phụ thuộc vào tần suất, thời gian, mức độ nghiêm trọng của HCRN. Các thuốc được sử dụng trong điều trị HCRN là những thuốc có tính chất giãn mạch, giúp tăng cường sự lưu thông máu, làm ngưng sự co thắt các mạch máu nhỏ ở ngoại biên, nên được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của HCRN.

Sau đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị HCRN:

- Nhóm thuốc đối kháng canxi: amlodipin, verapamil, ditilazem…

- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II: losartan, valsartan…

- Nhóm thuốc chẹn alpha: alfuzosin, doxazosin, prazosin…

- Nhóm thuốc nitrat: glyceryl trinitrat, isosorbid mononitrat, isosorbid dinitrat…

- Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5 (PDE-5): sildenafil, tadalafil, vardenafil…

- Nhóm thuốc chống trầm cảm: fluoxetin, paroxetin…

Cần lưu ý khi sử dụng các nhóm thuốc trên trong điều trị HCRN:

- Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ đau ngực, chóng mặt, buồn nôn, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, phù…

- Không sử dụng các thuốc trên cho người mắc bệnh huyết áp thấp hay đang bị thiếu máu nghiêm trọng, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú…

- Không được sử dụng đồng thời nhóm thuốc nitrat với nhóm thuốc ức chế enzym PDE-5 (sildenafil, tadalafil, vardenafil…) vì gây ra tác hại nguy hiểm trên tim.

- Các thuốc được sử dụng trong điều trị HCRN là những thuốc kê đơn và có nhiều tác dụng phụ, nên phải được chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc, hạn chế cà phê (thuốc lá và cà phê làm gia tăng co thắt mạch máu), giữ ấm cơ thể, chăm sóc tốt ngón tay, ngón chân, tránh căng thẳng, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao… sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa và điều trị HCRN.


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn
Tags: