Dưới đây là một số nhóm thuốc dùng trong điều trị HIV/AIDS và các tác dụng phụ phổ biến. Để ngăn ngừa tương tác với các loại thuốc khác, bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang dùng, đồng thời báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng mới, bất thường hoặc kéo dài.
Thuốc ARV là một phần không thể thiếu được trong điều trị HIV giúp người nhiễm HIV khỏe mạnh và sống lâu hơn…
1. Thuốc ức chế men sao chép ngược nucleoside (NRTIs)
Thuốc ức chế men sao chép ngược nucleoside (NRTIs) ngăn không cho HIV nhân rộng bằng cách ngăn chặn một loại enzyme được gọi là men sao chép ngược. Điều này giúp làm giảm tải lượng virus HIV trong cơ thể của một người, gồm:
- Abacavir (ziagen, triumeq, trizivir): Tác dụng phụ thường gặp phản ứng quá mẫn, tăng cholesterol, tăng nguy cơ mắc bệnh tim… Do đó, cần thực hiện xét nghiệm di truyền trước khi bạn bắt đầu dùng thuốc này.
- Emtricitabine (emtriva, atripla, descovy, truvada…): Thường gặp phát ban và sạm da ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
- Lamivudine (epivir, combivir, delstrigo, trizivir): Có thể gây phát ban da.
- Tenofovir disoproxil fumarate – TDF (viread, truvada): Gây tổn thương thận và xương. Do đó, không sử dụng cho người có vấn đề về thận.
- Tenofovir alafenamide – TAF: Tăng cholesterol LDL (có hại), gây tăng cân.
- Zidovudine – còn gọi là AZT (retrovir, combivir, trizivir): Gây thiếu máu, buồn nôn, nôn, nhiễm axit lactic, tăng cholesterol, giảm mỡ ở tay, chân hoặc mặt, gan nhiễm mỡ…
2. Thuốc ức chế men sao chép ngược không nucleoside (NNRTI)
Các chất ức chế men sao chép ngược không nucleoside (NNRTI) ngăn không cho HIV sao chép bằng cách liên kết và thay đổi men sao chép ngược mà HIV sử dụng để sao chép. Điều này làm giảm tải lượng virus HIV trong cơ thể người bệnh, gồm:
- Doravirine (pifeltro, delstrigo): Phát ban da, tăng cân.
- Efavirenz (sustiva, atripla): Có thể gây những giấc mơ sống động, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, nổi mẩn da, tổn thương gan, có ý định tự tử. Không nên dùng ở người bị trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác.
- Etravirine (intelence): Gây phát ban da.
- Rilpivirine (edurant, odefsey): Phát ban da, tổn thương gan, trầm cảm, khó ngủ, nổi mẩn da, có ý định tự tử… Không nên sử dụng ở những người có vấn đề về gan, hoặc ở phụ nữ có CD4 lớn hơn 250 hoặc ở nam giới có CD4 lớn hơn 400. Sủ dụng cùng với thức ăn.
3. Thuốc ức chế protease (PI) trị HIV
Các chất ức chế protease (PI) ngăn không cho HIV nhân lên bằng cách ngăn chặn một loại enzyme gọi là protease. HIV cần enzym này để tái tạo, gồm các thuốc:
- Aatazanavir (reyataz, evotaz): Gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, vàng da, sỏi mật và thận, tổn thương gan, nổi mẩn da, tăng cholesterol, thay đổi nhịp tim. Người bệnh nên dùng thuốc cùng với thức ăn.
- Darunavir (prezista): Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi mẩn da, tăng cholesterol xấu, tổn thương gan. Nên dùng thuốc cùng với thức ăn.
- Lopinavir/ritonavir (kaletra): Gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nổi mẩn da, tăng cholesterol, tổn thương gan. Nên dùng thuốc cùng với thức ăn.
- Ritonavir (norvir): Buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị. Nên dùng thuốc cùng với thức ăn. Ở liều thấp để tăng cường các loại thuốc PI (thuốc ức chế protease) khác, không gây ra các bất lợi này.
4. Thuốc ức chế integrase
Thuốc ức chế Integrase ngăn chặn DNA HIV được tích hợp vào ADN của người, gồm:
- Cabotegravir: Sốt, mệt mỏi, phồng rộp, đau cơ hoặc khớp, sưng ở mắt, miệng và mặt. Những người có tiền sử nhiễm virus viêm gan B hoặc C hoặc những người có những thay đổi nhất định trong xét nghiệm chức năng gan có thể có nhiều khả năng phát triển những thay đổi mới hoặc trầm trọng hơn.
- Cabotegravir và rilpivirine (cabenuva): Phản ứng tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ xương, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, phát ban.
- Dolutegravervir (tivicay, dovato, triumeq): Mất ngủ, trầm cảm, nổi mẩn da, có ý định tự tử, tăng cân.
- Elvitegravervir (vitekta): Mất ngủ, buồn nôn, tiêu chảy, trầm cảm, nổi mẩn da, có ý định tự tử, tăng cholesterol, tăng cân.
5. Một số thuốc khác
- Chất ức chế hợp nhất (FI) như enfuvirtide (fuzeon): Để tái tạo thành công, HIV phải xâm nhập vào một tế bào trong một quá trình gọi là hợp nhất. Thuốc ức chế hợp nhất là loại thuốc ngăn không cho HIV xâm nhập vào các tế bào bạch cầu, được gọi là tế bào CD4. Tác dụng phụ là đỏ, ngứa, sưng, đau hoặc nổi cục cứng ở chỗ tiêm.
- Chất ức chế xâm nhập như maraviroc (selzentry): Phát ban, phản ứng quá mẫn, tổn thương gan. Thực hiện xét nghiệm để xác định xem tế bào CD4 của bạn có thụ thể phù hợp hay không.
- Chất ức chế Capsid như lenacapavir (sunlenca): Buồn nôn, đỏ hoặc đau ở chỗ tiêm.
Lưu ý, người bệnh không được tự ý ngừng thuốc. Khi gặp bất kỳ triệu chứng khó chịu nào trong quá trình dùng thuốc, cần thông báo cho bác sĩ biết để được tư vấn cách ứng phó thích hợp. Trong một số trường hợp nếu tác dụng phụ nặng nề cần phải thay thế thuốc ARV khác phù hợp hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Phát Huy Vai Trò Của Các Nhóm CBO Trong Phòng Chống HIV/AIDS Cho Nhóm MSM |SKĐS