1. Giãn phế quản là gì?
Giãn phế quản là tình trạng tổn thương đường dẫn khí trong phổi (còn gọi là phế quản) mạn tính, dẫn đến việc thành đường thở dày lên, giãn rộng hơn bình thường, không thể khôi phục.
Triệu chứng của giãn phế quản là ho kéo dài, hay tái phát. Ho ra nhiều đờm đặc màu vàng, xanh, có mùi hôi hoặc ho ra đờm có máu; khó thở, đau ngực. Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát có thể gây ra các triệu chứng toàn thân như sốt, đổ mồ hôi đêm, chán ăn, sụt cân, thiếu máu, dễ mệt mỏi...
Giãn phế quản là bệnh lý không nên xem nhẹ. Nếu không chữa trị kịp thời, triệt để sẽ gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu có những triệu chứng trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị.
2. Điều trị giãn phế quản như thế nào?
Giãn phế quản do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phát hiện chính xác nguyên nhân gây giãn phế quản sẽ góp phần vào việc điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh cũng như biểu hiện ở mỗi người sẽ có cách điều trị khác nhau. Các biện pháp điều trị được áp dụng bao gồm:
- Thay đổi lối sống
- Điều trị bằng thuốc: Thuốc kháng sinh, long đờm, giãn phế quản...
- Các bài tập hỗ trợ hô hấp
- Điều trị nguyên nhân gây giãn phế quản
- Các điều trị chuyên sâu...
3. Thuốc điều trị giãn phế quản
Việc lựa chọn thuốc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tần suất các triệu chứng và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa sẽ là người tư vấn, quyết định phương án điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Vì vậy khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mình bị giãn phế quản người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám điều trị, không tự ý dùng thuốc.
3.1 Các thuốc thường được sử dụng để điều trị phế quản bao gồm
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng được chỉ định trong trường hợp viêm cấp có bội nhiễm. Các loại kháng sinh có thể được chỉ định bao gồm amoxicillin-clavulanate, doxycycline, ciprofloxacin, levofloxacin, azithromycin…
- Thuốc làm loãng đờm: Làm loãng đờm, giảm độ dính của chất nhầy trong phổi, từ đó dễ dàng tống xuất đờm ra ngoài. Các thuốc thường dùng là N-acetylcysteine dạng uống hoặc hít qua đường khí dung; bromhexine làm loãng đờm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khạc đờm.
- Thuốc giãn phế quản: Giúp mở rộng đường dẫn khí, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn, đặc biệt có co thắt phế quản kèm theo. Các loại thuốc giãn phế quản như salbutamol (ventolin), terbutaline, được sử dụng khi có triệu chứng cấp tính. Thuốc kháng cholinergic như ipratropium hoặc tiotropium làm giãn cơ trơn phế quản.
- Thuốc corticosteroid: Trong quá trình điều trị nếu như bệnh nhân thường xuyên ho, ho không dứt cơn... bác sĩ có thể kê thêm thuốc corticoid dạng xịt nhằm giảm viêm, ngăn ngừa cơn co thắt phế quản và giảm tắc nghẽn đường hô hấp.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc
Khi sử dụng thuốc điều trị giãn phế quản, có một số lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
4.1 Dưới đây là các lưu ý chính khi dùng thuốc điều trị giãn phế quản
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh chỉ được sử dụng khi có bằng chứng nhiễm trùng, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Không lạm dụng để tránh kháng thuốc. Người bệnh cần hoàn thành toàn bộ liệu trình kháng sinh ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc. Kháng sinh có thể gây các tác dụng phụ như tiêu chảy, dị ứng, hoặc nhiễm trùng nấm. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ.
- Thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản dạng hít (như salbutamol, ipratropium) cần được sử dụng đúng cách để đảm bảo thuốc tiếp cận tối đa vào phổi. Bệnh nhân nên được hướng dẫn kỹ thuật hít đúng, đặc biệt là với các thiết bị như bình xịt định liều hoặc máy phun khí dung.
Thuốc giãn phế quản có thể gây run tay, đánh trống ngực, hoặc nhịp tim nhanh. Nếu các triệu chứng này trở nên nghiêm trọng, cần thông báo với bác sĩ để giảm liều hoặc đổi sang loại thuốc khác.
- Thuốc corticosteroid: Không lạm dụng corticosteroid. Thuốc dạng hít ít tác dụng phụ hơn, nhưng cần lưu ý nguy cơ nhiễm nấm miệng (nấm Candida). Bệnh nhân cần súc miệng sau khi sử dụng để giảm nguy cơ này. Sử dụng corticosteroid dài hạn cần theo dõi định kỳ huyết áp, đường huyết và chức năng xương để kiểm soát các biến chứng.
- Thuốc long đờm, loãng đờm: Thuốc hoạt động hiệu quả hơn khi bệnh nhân uống đủ nước. Uống nhiều nước, chất nhầy trong phổi được làm loãng và tống ra ngoài dễ hơn. Sử dụng quá nhiều thuốc long đờm có thể gây khó chịu cho dạ dày hoặc gây ho, đặc biệt là ở người cao tuổi hoặc người suy yếu.
- Tương tác thuốc: Bệnh nhân giãn phế quản thường có các bệnh lý nền khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc loãng xương. Các thuốc điều trị giãn phế quản có thể tác động đến các bệnh này, nên cần được theo dõi và điều chỉnh liều lượng.
4..2 Nguyên tắc sử dụng thuốc tại nhà
+ Điều trị giãn phế quản là một quá trình dài hạn và yêu cầu phối hợp giữa thuốc và các phương pháp điều trị không dùng thuốc. Khi được bác sĩ kê đơn thuốc người bệnh cần lưu ý các điểm sau:
+ Uống thuốc theo hướng dẫn đi kèm với thuốc: Các hướng dẫn bao gồm thời gian và phương pháp dùng thuốc. Nếu không có hướng dẫn dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ.
+ Thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác đang dùng, bao gồm cả thuốc điều trị, thuốc thảo dược hoặc không kê đơn.
+ Dùng thuốc đúng theo quy định, không vượt quá liều quy định.
+ Ngừng hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động.
+ Bệnh nhân nên tiêm vaccine cúm mùa hàng năm, vaccine phế cầu, vaccine COVID-19 và vaccine chống virus hô hấp hợp bào (RSV).
+ Che mũi, miệng, giữ ấm cổ vào những ngày lạnh hoặc có gió.
+ Những bệnh nhân giãn phế quản thường có các bệnh đồng mắc như hen suyễn, COPD, hoặc bệnh phổi khác. Việc quản lý các bệnh này cần được phối hợp để tối ưu hóa hiệu quả điều trị.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải | SKĐS