1.Vì sao bị dị ứng?
Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể bằng cách tìm và diệt các tác nhân "lạ" (kháng nguyên "lạ") xâm nhập vào bên trong cơ thể - vi khuẩn, virus, nấm, độc chất…. Để thực hiện được điều này, các tế bào tại vị trí bị xâm nhiễm tiết một loạt hóa chất trung gian, gây ra phản ứng viêm. Như vậy, phản ứng viêm bảo vệ cơ thể với bốn triệu chứng viêm kinh điển: Sưng, nóng, đỏ và đau.
Dị ứng xảy ra khi cơ thể đáp ứng miễn dịch quá mức và bất thường chống lại một tác nhân không lây nhiễm (không phải vi sinh vật). Yếu tố gây dị ứng (dị nguyên) rất đa dạng, có thể là bụi, phấn hoa, cỏ, lông động vật, nọc ong, nhựa latex, hóa chất, thuốc, thành phần trong thức ăn (trứng gà, sữa, đậu phộng…). Khi đó, phản ứng viêm mãnh liệt và mau chóng xảy ra tại nơi tiếp xúc với dị nguyên.
2. Triệu chứng của dị ứng
Biểu hiện của dị ứng đa dạng tùy theo nơi xảy ra phản ứng. Với viêm da cơ địa, vị trí da dị ứng sưng phù, xuất hiện mụn nước, chảy dịch, đỏ và ngứa. Việc gãi đi gãi lại làm tổn thương thêm hàng rào da tại chỗ: Gây viêm thêm và dị nguyên càng dễ xâm nhập gây dị ứng nặng nề hơn. Tình trạng này lặp đi lặp lại làm da ngày càng dày và cứng. Trong trường hợp đường thở, biểu mô đường thở sau khi bị kích thích bởi dị nguyên sẽ trở nên phù nề, tiết dịch.
Bệnh nhân viêm mũi dị ứng sẽ biểu hiện ra tình trạng chảy mũi, hắt hơi và ngứa mũi. Bệnh nhân hen xuất hiện khò khè, khó thở, ho và đàm nhớt do đường thở phù nề và ứ dịch làm cản trở trao đổi khí. Còn ở đường tiêu hóa, dị ứng thức ăn gây sưng và ngứa môi, vòm miệng sau tiếp xúc dị nguyên, phù nề và tiết dịch biểu mô ruột gây ra tình trạng đau bụng, tiêu chảy.
Điều đáng chú ý là phản ứng dị ứng không bị giới hạn ở nơi tiếp xúc dị nguyên. Trong trường hợp dị ứng nặng, phản ứng dị ứng có thể lan ra toàn cơ thể. Ví dụ, bệnh nhân dị ứng đậu phộng ăn phải thực phẩm này với lượng lớn, không chỉ đau bụng, tiêu chảy mà có thể xuất hiện sưng nề và đỏ da toàn thân, khó thở, thậm chí là tụt huyết áp, đe dọa tính mạng.
Trong trường hợp dị ứng nặng, phản ứng dị ứng có thể lan ra toàn cơ thể.
3. Các thuốc điều trị dị ứng
3.1.Thuốc kháng histamine
Đây là thuốc chính trong điều trị các tình trạng dị ứng. Histamin là một trong những chất trung gian trong phản ứng dị ứng. Histamin được dự trữ nhiều nhất trong các tế bào mast ở các mô (chủ yếu ở phổi, ruột, da) và trong các hạt bài tiết của tế bào ưa kiềm.
Các thuốc kháng histamin H1 đóng vai trò là đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích. Histamin không gắn được với thụ thể nên không có tác dụng trên tế bào nên có tác dụng chống dị ứng (phân biệt với thuốc kháng histamin H2 giúp giảm tiết acid dạ dày). Hiện có nhiều loại thuốc kháng histamin H1 trên thị trường bao gồm 2 nhóm chủ yếu là thuốc thế hệ 1 và thuốc thế hệ 2.
Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 như promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin... là loại cổ điển, ra đời từ những năm 1930. Các thuốc này qua được hàng rào máu não nên có tác dụng phụ gây buồn ngủ. Thời gian thuốc tác dụng ngắn nên người dùng phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày.
Thuốc kháng histamin thế hệ 2 phổ biến như loratadin, cetirizin, fexofenadin... ít tác dụng phụ gây buồn ngủ hơn thuốc thế hệ 1 nên được sử dụng rộng rãi hơn trong điều trị.
Tác dụng phụ cần chú ý trên lâm sàng thường gặp gồm gây buồn ngủ nên thường bị cấm dùng cho người vận hành máy móc. Ít gặp hơn là chóng mặt, ù tai, mờ mắt và run, khô miệng, bí tiểu, mờ mắt và táo bón. Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, Glôcôm, tắc nghẽn ống tiêu hóa và đường tiểu hoặc dị ứng thuốc.
Sử dụng thuốc điều trị dị ứng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3.2. Thuốc chống viêm
Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng. Do thuốc thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên tình trạng lạm dụng corticoid gây ra rất nhiều tác dụng phụ đáng báo động.
Một số loại thông dụng hiện nay như hydrocortisone, prednisolone, methylprednisolone, prednisone, fluocinolone, betamethasone, dexamethasone... Thông thường các nhóm thuốc corticoid thường có đuôi "sone" ("son") hoặc "olone" ("olon"). Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như budesonide.
Corticoid dạng hít qua miệng, xịt mũi và dạng kem, gel, thuốc mỡ, dung dịch... dùng tại chỗ (bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai...) là những loại hay sử dụng trong điều trị dị ứng nhất. Sử dụng corticoid trong thời gian ngắn (1 – 2 tuần) thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Một số tác dụng phụ nhẹ có thể gặp khi sử dụng đợt ngắn gồm: Kích ứng dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng, khó ngủ. Tác dụng phụ dễ xảy ra hơn nếu dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng đợt ngắn nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhìn chung, liều càng cao, nguy cơ gặp tác dụng phụ càng lớn. Nguy hiểm có thể kể đến như loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng đường huyết, hội chứng Cushing, đặc biệt là suy thượng thận - một trong những cấp cứu nội khoa khi ngưng đột ngột corticoid sau một thời gian dài dùng thuốc dẫn đến tuyến thượng thận bị ức chế.
3.3. Thuốc ổn định tế bào mast (dưỡng bào)
Nhóm thuốc này giúp ổn định tế bào mast ngăn chặn việc giải phóng các chất trung gian (histamin, serotonin…) từ các tế bào mast. Thuốc ổn định tế bào mast được sử dụng khi các nhóm thuốc khác như kháng histamin, corticoid tại chỗ... không có hiệu quả hoặc không dung nạp tốt.
Một số loại theo đường dùng phổ biến như đường uống (cromolyn), nhỏ mũi (azelastine, cromolyn), nhỏ mắt (azelastine, cromolyn, lodoxamide, ketotifen, nedocromil, olopatadine, pemirolast).
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm đắng miệng, ít gặp như châm chích, ngứa, hắt hơi và chảy máu cam, kích ứng nhẹ thoáng qua ở mắt. Hiếm gặp hơn là các phản ứng quá mẫn như phát ban, ngứa, mày đay. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.
3.4.Thuốc kháng leukotriene
Leukotriene là một nhóm các hoạt chất trung gian có vai trò không nhỏ trong các phản ứng viêm dị ứng và có thể trực tiếp gây ra nhiều triệu chứng dị ứng như co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết dịch nhày, giãn mạch...
Hiện nay khá nhiều thuốc kháng leukotriene ra đời như montelukast, zafirlukast, zileuton. Hiệu quả và tính an toàn của các thuốc này đã được chứng minh trong điều trị các bệnh dị ứng như mày đay mạn tính, viêm mũi dị ứng, hen phế quản. Thuốc có tính kháng viêm trung bình, chỉ dùng với trẻ em > 12 tuổi và giá thành cao. Tác dụng phụ chủ yếu là tăng men gan.
3.5.Thuốc kháng IgE
Kháng thể IgE có vai trò hết sức quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của hen phế quản và nhiều bệnh lý dị ứng khác. Sự kết hợp của kháng thể này với kháng nguyên gây bệnh sẽ khởi động chuỗi phản ứng viêm dị ứng.
Các thuốc kháng IgE tổng hợp như omalizumab có khả năng liên kết và bất hoạt các kháng thể IgE tự do, gây giảm nồng độ kháng thể IgE tự do trong máu tới 90%. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy omalizumab có hiệu quả tốt trong điều trị các trường hợp hen phế quản nặng, không đáp ứng với các thuốc điều trị khác.
4. Phòng các bệnh dị ứng thế nào?
Có thể phòng bệnh bằng cách tránh các tác nhân gây dị ứng:
- Sử dụng chăn gối bằng sợi tổng hợp và nệm không thấm nước.
- Thường xuyên giặt ga trải giường, vỏ gối và chăn bằng nước nóng.
- Thường xuyên lau nhà để hạn chế bụi bẩn.
- Diệt gián.
- Sử dụng máy hút ẩm trong các tầng hầm và không gian ẩm ướt khác.
- Tránh thực phẩm gây dị ứng.
- Hạn chế vật nuôi.
- Đối với những người bị dị ứng theo mùa nghiêm trọng, có thể di chuyển đến một khu vực khác có khí hậu phù hợp hơn.
- Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
5. Lời khuyên của thầy thuốc
Để sử dụng thuốc điều trị các bệnh dị ứng, người bệnh cần lưu ý:
- Chỉ sử dụng thuốc khi đã được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là nhóm corticoid.
- Khi uống thuốc gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng giải quyết kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hậu COVID-19 - Thay đổi trong lối sống sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn