Hà Nội

Các thuốc điều trị dị ứng mắt

16-03-2023 14:43 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Dị ứng mắt nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho mắt như viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng, viêm bên trong nhãn cầu…

Dị ứng mắt: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránhDị ứng mắt: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh

SKĐS - Dị ứng mắt gây ra do một phản ứng miễn dịch bất lợi với một dị nguyên nhất định. Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất, mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân gây hại.

1. Vì sao mắt bị dị ứng vào mùa Xuân?

PGS.TS.BS. Trần Hải Yến (Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch) cho hay, dị ứng mắt (hay còn gọi là viêm kết mạc dị ứng) là bệnh dị ứng thường gặp. Bệnh khởi phát khi có các dị nguyên như phấn hoa, lông vật nuôi, khói, bụi, nấm mốc… Lúc này mắt bị sưng, đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Đa số các trường hợp dị ứng mắt thường kết hợp với dị ứng ở mũi với các biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi…

Dị ứng mắt thường xảy ra vào mùa xuân, hè khi cây, cỏ và hoa lá nở rộ. Ngoài ra, một số dị ứng khác cũng có thể gây ra các triệu chứng ở mắt: Dị ứng thức ăn, tác dụng phụ của mỹ phẩm, các thuốc nhỏ mắt…

Dị ứng mắt thường có một số triệu chứng như: Mắt đỏ, sưng, ngứa, chảy nước mắt, có rỉ mắt, mí mắt bị sưng húp... Ngoài ra, nhiều trường hợp có kèm theo chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, ngứa mũi, miệng hoặc cổ họng, đau đầu do tắc nghẽn xoang...
Lựa chọn thuốc điều trị dị ứng mắt - Ảnh 2.

Dị ứng mắt nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho mắt.

Nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho mắt như viêm giác mạc, viêm kết mạc dị ứng, viêm bên trong nhãn cầu… có thể gây mù lòa.

2. Các thuốc trong điều trị dị ứng mắt

Theo PGS.TS.BS. Trần Hải Yến, để điều trị dị ứng mắt tốt nhất nên là tránh các nguyên nhân gây dị ứng. Khi không thể tránh khỏi, sẽ phải dùng thuốc để giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt:

- Nhóm kháng histamine: Các thuốc nhỏ mắt kháng histamine (levocabastine, azelastine và emedastine) giúp ức chế phản ứng viêm, giảm ngứa, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi. Thuốc ít tác dụng phụ và có hiệu quả tốt trong điều trị viêm kết giác mạc dị ứng, nhất là khi phối hợp tại chỗ với các thuốc co mạch.

- Thuốc co mạch: Các thuốc co mạch (phenylephrine, naphazoline, tetrahydrozoline) có tác dụng giảm xung huyết, giúp co mạch, làm giảm sưng niêm mạc mắt, đỏ mắt, phù nề mi mắt, mũi. Tuy nhiên, loại thuốc này không trị tận gốc được nguyên nhân gây bệnh.

Lưu ý, không dùng thuốc này cho các bệnh nhân bị tăng nhãn áp. Khi dùng thuốc có thể gặp một số tác dụng phụ như: cay mắt, rát mắt. Ngoài ra, nếu dùng kéo dài các thuốc co mạch, có thể gây tác dụng ngược, khiến các mạch máu giãn to hơn ban đầu và mắt càng đỏ hơn.

Lựa chọn thuốc điều trị dị ứng mắt - Ảnh 3.

Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Thuốc ổn định màng tế bào mast: Thuốc ổn định màng tế bào mast (như cromolyn, lodoxamide, pemirolast, olopatadine, nedocromil), khi được dùng tại chỗ có hiệu quả để giảm bớt sưng đỏ trong viêm kết mạc dị ứng. Thuốc có tính an toàn cao và có tác dụng lâu dài.

- Thuốc nhỏ mắt chống viêm không steroid: Các thuốc nhỏ mắt chống viêm không steroid có thể giúp giảm viêm, giảm sưng tấy và các triệu chứng của viêm kết mạc dị ứng theo mùa và viêm kết giác mạc mùa xuân. Thuốc nhỏ mắt nhóm này có hiệu quả khá nhanh.

Tuy nhiên, PGS.TS.BS. Trần Hải Yến nhấn mạnh, nhóm thuốc này chỉ nên sử dụng khi tất cả các nhóm thuốc trên không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng một số biện pháp không dùng thuốc để giảm các triệu chứng khó chịu tại mắt: Đắp khăn ẩm, mát có thể làm nhẹ triệu chứng cho mắt bị dị ứng. Đặt khăn lên mắt (nhắm kín) nhiều lần trong ngày giúp giảm khô cũng như kích ứng mắt. Việc sử dụng các loại nước mắt nhân tạo cũng có thể giúp loại bỏ dị nguyên gây bệnh cũng như các triệu chứng của dị ứng mắt.

3. Lời khuyên thầy thuốc

Để sử dụng các loại thuốc điều trị dị ứng mắt an toàn, PGS.TS.BS. Trần Hải Yến khuyên:

- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Trong khi dùng thuốc nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để phòng dị ứng mắt, những người có cơ địa dị ứng nên:

- Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên.

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh ẩm mốc, bụi bặm.

- Tránh xa chó mèo.

- Tránh đi đến nơi có nhiều hoa, rừng cây...

- Khi đi ra ngoài nên mang kính râm, đeo khẩu trang.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn