Thông thường, quá trình dậy thì ở trẻ gái sẽ xuất hiện khi trẻ được 9 - 12 tuổi. Dậy thì sớm được định nghĩa là khi dấu hiệu dậy thì xuất hiện sớm hơn bình thường ở trẻ gái trước 8 tuổi.
Giai đoạn đầu tiên của tuổi dậy thì bắt đầu phát triển vú, ngay sau đó là do xuất hiện lông mu, lông nách và sau đó là giai đoạn có kinh nguyệt đầu tiên, thường xảy ra sau 2 đến 3 năm sau khi bắt đầu phát triển tuyến vú. Trẻ có biểu hiện tăng nhanh vọt của chiều cao, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể...
Dậy thì sớm gồm có hai nhóm:
- Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não – tuyến yên (nơi sản xuất hormon kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng sản xuất hormon sinh dục) – tuyến sinh dục là buồng trứng ở trẻ gái.
- Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái...
Sau khi được chẩn đoán và phân loại dậy thì sớm, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Việc phát hiện và kiểm soát dậy thì sớm đúng cách có vai trò đặc biệt quan trọng. Các trẻ gái dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau.
Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ gái, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu trẻ được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
Trẻ gái dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
1. Các thuốc điều trị dậy thì sớm trung ương ở trẻ gái
Đối với dậy thì sớm trung ương, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thuốc chủ vận GnRH. Thuốc có tác dụng ức chế dậy thì do ức chế bài tiết các hormon LH, FSH của tuyến yên và steroid sinh dục, do đó có tác dụng ức chế dậy thì sớm và giảm tốc độ trưởng thành của xương. Nhìn chung, các thuốc thuộc nhóm này đều chỉ gây tác dụng phụ nhẹ, không kéo dài như đau đầu, khó chịu, cảm giác nóng bừng…
Thuốc được sử dụng bằng nhiều cách như tiêm mỗi 3 hoặc 4 tuần một lần hoặc cấy ghép dưới da cánh tay trong của trẻ 12 tháng một lần để giải phóng dần dần vào cơ thể. Trẻ sẽ được dùng thuốc cho đến khi thích hợp để tiếp tục dậy thì. Nghiên cứu cho đến nay chỉ ra rằng, khi ngừng điều trị, tuổi dậy thì sẽ tiếp tục và tiến triển bình thường.
Các loại thuốc dùng điều trị dậy thì sớm ở trẻ gái điển hình như:
- Lupron Depot - Ped có 2 dạng thuốc điều trị, dùng thuốc 3 tháng một lần và dùng thuốc 1 tháng một lần. Với liều 3 tháng, trẻ sẽ được tiêm 4 mũi mỗi năm thay vì 12 mũi bắt buộc với liều hàng tháng.
Thuốc có thể gây tác dụng phụ như phản ứng tại chỗ tiêm (sưng, đau, áp xe), tăng cân, nhức đầu, thay đổi tâm trạng (khó chịu, bồn chồn, tức giận, hung hăng…). Bên cạnh đó, dù rất hiếm gặp, thuốc có thể làm tăng một số hormone, dẫn đến các triệu chứng như tăng nhẹ kích thước tuyến vú, ra máu âm đạo trong 2-4 tuần đầu tiên điều trị.
- Supprelin LA là phương pháp điều trị duy nhất mỗi năm một lần cho giai đoạn dậy thì sớm trung ương. Một liều supprelin LA duy nhất cung cấp đủ 1 năm thuốc trong 1 lần cấy ghép để giúp ức chế các hormone sinh dục.
Trong vài tuần đầu sử dụng supprelin LA có thể làm tăng một số hormone trong thời gian ngắn. Trẻ có thể có các dấu hiệu như ra máu âm đạo nhẹ và vú to ở trẻ em gái. Sau 4 tuần điều trị, các dấu hiệu này sẽ dừng lại.
Tác dụng phụ thường gặp là phản ứng da tại nơi cấy ghép như bầm tím, đau nhức, đau, ngứa ran, ngứa và sưng tấy. Những phản ứng này thường tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 2 tuần.
Chống chỉ định ở những người quá mẫn với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận GnRH .
- Triptorelin được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận cho điều trị dậy thì sớm trung ương cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, cung cấp liều lượng 6 tháng một lần, được sử dụng bằng một mũi tiêm bắp (IM) duy nhất.
Trong vài tuần đầu điều trị, thuốc có thể làm tăng một số hormone trong thời gian ngắn, dẫn đến các triệu chứng như ra máu âm đạo... Ngoài ra, thuốc có thể gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, rối loạn cảm xúc, rối loạn thị giác, co giật ở người có tiền sử co giật, động kinh… Một số trường hợp có thể xảy ra phản ứng quá mẫn như sốc phản vệ, phù mạch, nổi mày đay…
Triptorelin chống chỉ định ở những bệnh nhân quá mẫn cảm với hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) hoặc các chất tương tự chủ vận hormone GnRH.
- Fensolvi (leuprolide acetate) dạng hỗn dịch tiêm là phương pháp điều trị tiêm dưới da đầu tiên và duy nhất kéo dài 6 tháng cho trẻ dậy thì sớm trung ương. Fensolvi sử dụng một cây kim ngắn và thể tích tiêm nhỏ cho phép tiêm dưới da thay vì sâu vào cơ.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi điều trị fensolvi bao gồm đau/mẩn đỏ tại chỗ tiêm, đau họng, sốt, nhức đầu, ho, đau dạ dày, buồn nôn, táo bón, nôn mửa, thở khò khè, nóng bừng mặt… Trẻ có thể thay đổi về cảm xúc như khóc, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, tức giận và hung hăng.
Trong thời gian đầu điều trị fensolvi có thể làm tăng một số hormone, dẫn đến triệu chứng như ra máu âm đạo... Những triệu chứng này có thể biến mất sau vài tuần.
2. Điều trị dậy thì sớm ngoại biên
Đối với trường hợp dậy thì sớm ngoại biên ở trẻ gái, việc điều trị hoàn toàn khác, phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Trong một số trường hợp, cần thiết phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng.
3. Lưu ý trong quá trình điều trị dậy thì sớm ở trẻ gái
Thuốc điều trị dậy thì sớm ở trẻ gái ở dạng nội tiết tố cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp. Việc điều trị sẽ dừng lại khi trẻ được 10- 11 tuổi, hoặc sớm hơn tuỳ từng bé. Khi dừng điều trị, hormon sinh dục lại được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường sẽ lại bắt đầu, kinh nguyệt bắt đầu hoặc có trở lại sau 12 đến 18 tháng ngừng điều trị ở trẻ gái.
Bên cạnh đó, trẻ gái dậy thì sớm cần duy trì chế độ ăn uống khoa học, lối sống lạnh mạnh và thường xuyên luyện tập các bài tập thể dục thể thao giúp phát triển thể chất một cách toàn diện.