Các thuốc điều trị đái tháo đường

17-03-2024 09:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Cho đến nay, bệnh đái tháo đường chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Các biện pháp điều trị hiện nay nhằm kiểm soát đường huyết ở vùng an toàn nhằm ngăn ngừah biến chứng. Có những loại thuốc nào và khi uống cần lưu ý những gì?

Đái tháo đường (ĐTĐ) bao gồm đái tháo đường type 1, ĐTĐ type 2, ĐTĐ thai kỳ và một số thể đái tháo đường hiếm gặp khác. Trong bài viết này chỉ đề cập ĐTĐ type 2 - là loại thường gặp nhất và ảnh hưởng bởi các yếu tố gia đình, lối sống...

1. Các thuốc điều trị đái tháo đường

Các nhóm thuốc điều trị đái tháo đường được phân thành hai nhóm chính: Nhóm insulin (thuốc tiêm) và nhóm thuốc viên hạ đường huyết thông qua đường uống.

1.1 Nhóm insulin điều trị đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, đặc trưng của bệnh là tăng đường máu mạn tính cùng với rối loạn chuyển hóa carbonhydrate (chất đường), lipide (chất béo), proteine (chất đạm). Nguyên nhân của bệnh do thiếu insulin có kèm hoặc không kèm kháng insulin với các mức độ khác nhau. Do vậy, insulin được đưa vào cơ thể để bổ sung sự thiếu hụt này.

Insulin được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh ĐTĐ type 1 do tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Insulin cũng được sử dụng trong điều trị ĐTĐ type 2 khi cần. Insulin có nhiều loại khác nhau phù hợp cho tình trạng bệnh lý của người bệnh.

Các thuốc điều trị đái tháo đường- Ảnh 1.

Kiểm tra đường huyết.

Tác dụng của insulin

ĐTĐ type 1 và type 2 có sự thiếu hụt insulin khác nhau nên cách bù insulin cũng rất khác nhau. Đối với điều trị bệnh ĐTĐ type 2 cơ bản dựa vào chế độ ăn, tập thể dục và thuốc uống.

Tuy nhiên có nhiều tình thế bắt buộc phải sử dụng insulin như: Khi bị hôn mê tăng đường máu, nhiễm trùng nặng, tai biến mạch máu não, tắc mạch, khi điều trị phẫu thuật, khi có thai, cho con bú, khi có biến chứng suy gan, suy thận, suy tim; khi cần chụp Xquang có thuốc cản quang, chụp MRI có dùng thuốc tương phản từ tĩnh mạch...

Ngoài ra, có từ 10-15% bệnh nhân ĐTĐ type 2 ngay từ đầu đã không đáp ứng với các loại thuốc đường uống nên cần dùng insulin sớm. Hàng năm lại có khoảng 5-10% bệnh nhân ĐTĐ không thể kiểm soát được đường huyết bằng thuốc uống. Sau 5 năm có 30-40% người bệnh ĐTĐ buộc phải dùng insulin nếu muốn có đường huyết ổn định tốt. Đến 10 năm sau chỉ còn khoảng 75% số bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng riêng các loại thuốc uống hạ đường huyết. Những trường hợp này cần phải tiêm insulin.

Chỉ định cho bệnh nhân ĐTĐ type 2 sử dụng insulin khi đã thực hiện chế độ ăn và luyện tập hợp lý kết hợp dùng thuốc uống đến liều tối đa nhưng đường huyết vẫn luôn cao (lúc đói > 7,8mmol/l, sau ăn > 11mmol/l; HbA1c > 8%).

Việc điều trị lúc này hoặc là chuyển hoàn toàn sang dùng insulin hoặc là dùng thuốc uống trước các bữa ăn kết hợp tiêm thêm liều nhỏ insulin bán chậm hoặc chậm trước khi đi ngủ (có thể không cần phải ăn sau tiêm). Sau một thời gian điều trị bằng insulin, bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá và quyết định xem có thể quay trở lại với chế độ dùng thuốc uống đơn độc được hay không.

Tiêm insulin càng sớm, càng có cơ hội quay trở lại với thuốc uống hạ đường huyết. Việc sử dụng insulin để điều trị không có nghĩa là bệnh nặng lên, chỉ đơn giản là cơ thể cần thêm một lượng insulin từ bên ngoài để duy trì cân bằng đường huyết.

Các thuốc điều trị đái tháo đường- Ảnh 2.

Người bệnh đái tháo đường dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Các tác dụng phụ của insulin

Insulin cũng có tác dụng phụ nhưng ít gặp, chỉ khoảng 0,1-3%. Các tác dụng phụ của insulin thường không để lại hậu quả nặng nề. Các tác dụng phụ gặp phải sẽ khác nhau giữa các bệnh nhân, thường gặp nhất là:

- Hạ đường huyết: Xảy ra khi tiêm insulin nhưng bệnh nhân ăn ít, bỏ ăn; do vận động quá nhiều bất thường; do dùng quá liều thuốc; do tương tác với các thuốc gây hạ đường huyết khác.

Khắc phục: Sau tiêm insulin nếu gặp phải triệu chứng hạ đường huyết thì chỉ cần ăn thêm chất đường (ăn một cái bánh ngọt, kẹo, uống sữa, nước đường, nước quả ngọt…) ngay thì các triệu chứng sẽ qua đi nhanh chóng.

- Nổi mẩn đỏ, ngứa nơi tiêm: Các triệu chứng này thường rất nhẹ, bệnh nhân cảm thấy khó chịu chút ít.

Khắc phục: Cách hạn chế tình trạng này là làm ấm lại lọ insulin bằng nhiệt độ trong phòng trước khi tiêm. Nếu tình trạng dị ứng nặng hơn có thể báo với bác sĩ để được hướng dẫn dùng thêm thuốc chống dị ứng. Nếu dị ứng insulin ở mức độ trung bình thì các triệu chứng bao gồm mẩn ngứa, sưng nề chỗ tiêm. Nếu nặng hơn thì sẽ thấy mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở. Trong trường hợp này cần phải đưa bệnh nhân đi đến bệnh viện ngay.

- Tăng cân: Tăng cân là tác dụng phụ nói chung của thuốc hạ đường huyết. Thông thường, bệnh nhân sẽ tăng khoảng vài cân sau khi điều chỉnh được mức đường huyết về mức mục tiêu điều trị.

Khắc phục: Khi điều chỉnh liều insulin phù hợp cùng chế độ ăn đúng, luyện tập vừa sức sẽ hạn chế được tác dụng phụ này.

2. Nhóm thuốc đái tháo đường dạng uống

Các thuốc dùng đường uống dùng cho bệnh ĐTĐ type 2 có thể sử dụng kết hợp với nhau hoặc kết hợp với insulin để đạt được hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt nhất.

2.1.Thuốc làm tăng độ nhạy cảm với insulin

Metformin là thuốc chủ yếu được sử dụng trong nhóm này, bao gồm các thuốc như: Glucophage, slucophage XR, glucofast, panfor...

Thuốc có tác dụng giúp làm giảm lượng glucose mà gan sản xuất, cải thiện cách hoạt động của insulin trong cơ thể và làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường.

Thuốc metformin có ưu điểm không gây hạ đường huyết nếu dùng đơn lẻ, không gây tăng cân. Thuốc cũng làm giảm hấp thu cholesterol xấu, triglyceride, phòng ngừa các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, không dùng thuốc cho bệnh nhân suy thận. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn.

2.2 Thuốc gây tăng tiết insulin

- Nhóm Sulfonyl Urê (SU): Bao gồm glimepiride, glipizide và glyburide có vai trò kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, ngăn gan giải phóng glucose, tăng tổng hợp glycogen. Đây là nhóm thuốc có thể làm hạ đường huyết nhanh, nên khi dùng thuốc tránh bỏ bữa để giảm nguy cơ hạ đường huyết. Bệnh nhân cần biết các biểu hiện hạ đường huyết để nhận biết và xử trí ngay kẻo gặp nguy hiểm.

- Meglitinides: Có công dụng giống SU nhưng hoạt động nhanh hơn, giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Vì vậy, thuốc này được khuyến cáo dùng ngay trước bữa ăn. Thuốc có thể dùng cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên thuốc có nguy cơ hạ đường huyết nếu không dùng đúng thời điểm.

- Nhóm đồng vận thụ thể GLP-1: Giống như hormone tự nhiên có tên là incretin, làm tăng sự phát triển của tế bào B và lượng insulin mà cơ thể sử dụng. Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Liraglutide (victoza), semaglutide (ozempic), exenatide (byetta)… Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 làm giảm sự thèm ăn, giảm lượng glucagon cơ thể sử dụng, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu.

Thuốc chỉ định cho một số bệnh nhân ĐTĐ nhưng lại mắc thêm những bệnh lý về tim mạch do xơ vữa động mạch, suy tim hoặc bệnh thận mãn tính. Trường hợp này, Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo nên sử dụng một số chất đồng vận thụ thể GLP-1 như một phần của phác đồ điều trị hạ đường huyết.

- Thuốc ức chế men dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4): Giúp GLP-1 không bị phá hủy, nên kéo dài hoạt động của incretin, giúp giảm lượng đường trong máu. Các thuốc nhóm này bao gồm sitagliptin (anuvia), saxagliptin (onglyza), vildagliptin, goldagtin, usabetic VG5, vildagold… và linagliptin (trajenta, lintab, traneta, linadus…). Bằng cách tăng cường mức độ incretin hoạt động, thuốc làm tăng giải phóng insulin và giảm mức glucagon phụ thuộc vào glucose.

Khi dùng thuốc nhóm này cần lưu ý các tương tác với các thuốc khác. Chẳng hạn như các thuốc ketoconazole, itraconazole, ritoonavir, clarithromycin, có thể làm thay đổi dược động học của sitagliptin ở bệnh nhân suy thận nặng hoặc ESRD.

Thuốc chống chỉ định với người mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc là hạ đường huyết, đau đầu. Ít gặp hơn là chóng mặt, táo bón, ngứa…

2.3 Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột

- Nhóm ức chế men alpha - glucosidase bao gồm acarbose (glucobay), miglitol (glyset) làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách trì hoãn sự phân hủy carbohydrate và giảm sự hấp thụ glucose ở ruột non. Chúng cũng ngăn chặn một số enzym để làm chậm quá trình tiêu hóa một số loại tinh bột. Để có kết quả tốt nhất, nên dùng các loại thuốc này trước bữa ăn.

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Đầy hơi, tiêu chảy, gây tắc nghẽn đường ruột có thể xảy ra ở người cao tuổi và những người đã phẫu thuật đường tiêu hoá.

Hạ đường huyết có thể xảy ra khi dùng thuốc này kết hợp với loại thuốc điều trị đái tháo đường khác.

Rối loạn chức năng gan cũng có thể gặp. Vì thế cần phải theo dõi cẩn thận và thực hiện kiểm tra chức năng gan thường xuyên.

- Thuốc ức chế SGLT2 (sodium glucose cotransporter 2 inhibitor) bao gồm: Canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin… giúp giảm tái hấp thu glucose tại ống thận, giúp cơ thể loại bỏ glucose nên giúp giảm đường huyết, đồng thời giúp huyết áp và cân nặng kiểm soát tốt hơn.

Nhóm thuốc này có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, giảm nguy cơ suy thận và tử vong ở những người tiểu đường có biến chứng thận. Một số thuốc trong nhóm đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.

Các thuốc nhóm ức chế SGLT2 có hiệu quả kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Tránh dùng các thuốc nhóm này nếu có tiền sử toan ceton, nhiễm trùng tiết niệu hay tái phát hoặc trong tình trạng mất nước hoặc có nguy cơ mất nước.

Các thuốc điều trị đái tháo đường- Ảnh 4.

Người bệnh đái tháo đường cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh.

3. Lưu ý khi dùng thuốc ở người đái tháo đường

- Về thời điểm dùng thuốc

Người bệnh nên tuân thủ liều lượng đã được bác sĩ kê đơn. Nên uống thuốc vào một giờ cố định trong ngày. Uống thuốc đều đặn hằng ngày, liên tục, không được tự ý bỏ thuốc.

- Tương tác thuốc và hướng dẫn xử trí

Thông thường, bệnh nhân ĐTĐ phải sử dụng nhiều thuốc cùng một lúc. Bên cạnh thuốc kiểm soát đường huyết, bệnh nhân có thể còn phải điều trị đồng thời các bệnh lý mắc kèm và phòng ngừa biến chứng tim mạch bằng các nhóm thuốc khác bao gồm: Thuốc điều trị rối loạn lipid máu, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc điều trị rối loạn tâm thần….

Các thuốc này có thể ảnh hưởng đến đường huyết hoặc tương tác với các thuốc kiểm soát đường huyết mà bệnh nhân đang được sử dụng. Giảm thiểu các nguy cơ do tương tác thuốc cũng là một mục tiêu quan trọng trong chăm sóc thuốc cho bệnh nhân ĐTĐ. Đây là lĩnh vực mà dược sĩ lâm sàng và bác sĩ điều trị cần chú trọng để tránh nguy cơ cho bệnh nhân.

Trong số các nhóm thuốc điều trị ĐTĐ, nhóm thuốc SU là nhóm có nguy cơ xảy ra nhiều tương tác do có đặc tính liên kết protein cao, là cơ chất của CYP2C9 và p - glycoprotein. Bác sĩ điều trị luôn phải rà soát lại khi bệnh nhân được thêm hoặc bớt bất kỳ thuốc nào trong quá trình điều trị.

Đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhĐái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS- Đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate (glucid), protein (protid) và lipid, đặc trưng bởi tăng glucose trong máu do giảm tương đối hoặc tuyệt đối tiết insulin, hiệu quả hoạt động insulin hoặc cả hai. Khi tăng đường huyết vượt quá ngưỡng thận sẽ xuất hiện đường niệu (glucose trong nước tiểu).

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đái tháo đườngCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đái tháo đường

SKĐS - Đái tháo đường là chứng bệnh có trị số đường huyết cao do hậu quả thiếu hụt insulin ở tuyến tụy. Dưới đây là những thắc mắc về căn bệnh ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại.

Bài tập cho người bệnh đái tháo đườngBài tập cho người bệnh đái tháo đường

SKĐS - Tập thể dục là một thành phần quan trọng trong liệu pháp lối sống để phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường type 2. Đối với bệnh đái tháo đường type 1, tập thể dục có thể làm giảm các biến chứng liên quan đến bệnh…

Chế độ ăn trong bệnh đái tháo đườngChế độ ăn trong bệnh đái tháo đường

SKĐS - Không có chế độ ăn kiêng cụ thể cho bệnh đái tháo đường nhưng lựa chọn thực phẩm và cách tiêu thụ có thể tạo ra sự khác biệt đối với mức đường huyết cũng như khả năng kiểm soát bệnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS



TS.BS.Nguyễn Vinh Quang
Ý kiến của bạn