Hà Nội

Các thuốc điều trị cúm A, dùng sao cho đúng?

23-07-2022 16:10 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh cúm A có thể lây truyền từ người sang người. Hiện các ca cúm A đang có dấu hiệu gia tăng. Vậy dùng thuốc và phòng ngừa bệnh như thế nào?

1. Cúm A là gì?

Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp. Virus cúm lây nhiễm sang người có thể được phân thành ba nhóm chính: A, B và C. Nhiễm cúm loại A (cúm A) có thể nghiêm trọng hơn và gây ra các đợt bùng phát và dịch bệnh trên diện rộng.

Phần lớn cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên một số trường hợp nặng, cúm loại A có thể đe dọa tính mạng.

2. Các triệu chứng cúm A

Không giống như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm thường xảy ra với các triệu chứng khởi phát đột ngột.

photo-1658566237075

Nghẹt mũi, đau đầu là triệu chứng phổ biến của cúm A

Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng cúm bao gồm:

  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Đau cơ (nhức mỏi cơ thể)
  • Mệt mỏi
  • Đau họng
  • Ho…

Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm: Người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nên đi khám ngay lập tức.

Bệnh cúm có thể gây ra:

3. Các thuốc trị cúm

3.1 Thuốc kháng virus

Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Tuy nhiên, đối với nhiễm cúm nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng.

Các thuốc kháng virus phổ biến bao gồm: Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu)…

Những loại thuốc này, được gọi là chất ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm.

Điều trị cúm A là điều trị triệu chứng, trong đó các thuốc kháng virus chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ, chứ không dùng đại trà những thuốc này…

photo-1658566239424

Chỉ dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ

-Oseltamivir: Chất này có tác dụng ức chế enzym neuraminidase của virus là enzym có vai trò thiết yếu giải phóng các hạt virus cúm type A mới được hình thành trong tế bào bị nhiễm và làm virus lan truyền khắp cơ thể.

Thuốc dùng điều trị cúm typ A ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cho người lớn, đã có triệu chứng điển hình của cúm không quá 48 giờ, trong thời gian có cúm virus lưu hành. Chỉ định được khuyến cáo đặc biệt đối với người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi hoặc có 1 trong những bệnh sau: Bệnh hô hấp mạn kể cả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim - mạch nặng trừ bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường).

Dự phòng cúm (trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm và trong thời gian có dịch cúm) cho người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt đối với người có nhiều nguy cơ (chưa được bảo vệ hữu hiệu bằng vaccin cúm, nhân viên y tế chăm sóc trực tiếp người bệnh và có thể bắt đầu dùng oseltamivir trong vòng 48 giờ sau phơi nhiễm).

Uống thuốc viên với nhiều nước. Phải uống đủ liều và đủ thời gian quy định ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Có thể uống thuốc lúc no hoặc lúc đói nhưng uống lúc no sẽ làm bớt khó chịu ở dạ dày. Trẻ em dưới 12 tuổi nên dùng thuốc dạng dung dịch và phải dùng thìa hoặc dụng cụ đong bán kèm thuốc để đong thuốc nước cho đúng liều lượng.

Một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc như: Buồn nôn, nôn, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy; nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt; viêm kết mạc…

-Zanamivir: Có ở dạng hít định liều, sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir.

Điều trị bằng zanamivir nên bắt đầu càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng cúm, như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Thuốc giúp làm giảm bớt các triệu chứng của cúm và rút ngắn thời gian hồi phục khoảng 1-2 ngày.

Zanamivir cũng được dùng để ngăn ngừa bệnh cúm nếu bạn đã tiếp xúc với người mắc bệnh (như một thành viên trong gia đình bị ốm) hoặc nếu có dịch cúm bùng phát cộng đồng.

Một số bất lợi khi dùng thuốc bao gồm: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ớn lạnh, đau khớp…

Lưu ý:

- Trong trường hợp nặng bác sĩ có thể kết hợp oseltamivir và zanamivir.

- Trường hợp đáp ứng chậm với thuốc kháng virus: Thời gian điều trị có thể kéo dài đến khi xét nghiệm hết virus.

- Cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

Mặc dù hiệu quả, những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ. Nếu người dùng gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số tác dụng phụ của thuốc hoặc nếu tình trạng cơ thể trở nên tồi tệ hơn, hãy thông báo cho bác sĩ biết để được xử trí thích hợp.

3.2 Điều trị hỗ trợ cúm A

photo-1658566241807

Bổ sung đủ nước cho cơ thể rất quan trọng hỗ trợ trị bệnh

-Hạ sốt, giảm đau: Chỉ dùng paracetamol để hạ sốt, giảm đau (trị các triệu chứng của cúm). Không dùng thuốc hạ sốt nhóm salicylate như aspirin. Mặc dù là thuốc không kê đơn, nhưng người bệnh cũng không nên lạm dụng thuốc.

Chỉ dùng thuốc khi có sốt trên 38.5 độ C; tuân thủ khoảng cách giữa các liều dùng thuốc. Người bệnh không dùng quá liều khuyến cáo của nhà sản xuất (hoặc của bác sĩ), bởi nếu lạm dụng rất dễ dẫn tới ngộ độc gan do thuốc.

-Bổ sung đủ nước: Đảm bảo cơ thể luôn đủ nước, giúp làm lỏng chất nhầy trong đường hô hấp, bù lượng nước bị mất (do sốt, nôn, tiêu chảy…) và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Có thể sử dụng các loại nước lọc, nước trái cây hay đồ uống bổ sung chất điện giải. Nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì chúng có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể bạn mất nước nhiều hơn.

-Dinh dưỡng: Nên dùng thức ăn dạng lỏng như súp gà, cháo gà… giúp tăng cường miễn dịch, có thể giúp làm giảm các triệu chứng của cúm.

-Nghỉ ngơi đầy đủ: Nghỉ ngơi cũng là cách hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả và giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt. Vậy nên, bạn cần phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm khi bị cảm cúm.

4. Phòng ngừa cúm như thế nào?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm chủng hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể bảo vệ chống 3 đến 4 type cúm khác nhau trong mùa cúm đó.

Ngoài ra để ngăn ngừa sự lây lan của cúm cần:

  • Mang khẩu trang khi mắc bệnh
  • Rửa tay thường xuyên
  • Tránh tụ tập đông người, đặc biệt là trong thời gian bùng phát dịch cúm
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh hô hấp, súc miệng - họng bằng các thuốc sát khuẩn theo khuyến cáo của y tế…
Triệu chứng của cúm có thể giống với cảm lạnh thông thường, nhưng có thể gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn. Nếu bạn nghi ngờ mình mắc cúm, nên đi khám để có tư vấn chăm sóc, điều trị… phù hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ



DS Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn