Sự tích tụ sắt trong một thời gian dài sẽ làm tổn thương một số cơ quan trong cơ thể (tim, gan, tụy...) và gây ra các bệnh lý suy gan, suy tim... có thể đe dọa đến tính mạng!
Sắt có vai trò quan trọng trong cơ thể: thành phần cấu tạo nên huyết sắc tố (haemoglobin) của hồng cầu, là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi và trẻ em trong giai đoạn dậy thì. Ngoài ra, sắt còn tham gia sản sinh ra bạch cầu, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch…
Thực phẩm là nguồn cung cấp chủ yếu sắt cho cơ thể. Sắt có nhiều trong gan, thịt, ngũ cốc, cá, rau xanh… Đối với người trưởng thành, lượng sắt cần thiết cho nhu cầu hàng ngày là 14mg.
Khi cơ thể thiếu sắt sẽ gây ra bệnh thiếu máu (anemia). Nhưng khi cơ thể thừa sắt sẽ gây ra bệnh ứ sắt (hemochromatosis). Lượng sắt dư thừa sẽ tích tụ trong các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là tim, gan, tụy. Sự tích tụ sắt trong một thời gian dài sẽ làm tổn thương các cơ quan này và gây ra các bệnh lý suy gan, suy tim, đái tháo đường, ung thư gan… có thể đe dọa đến tính mạng!
Lượng sắt cần thiết cho nhu cầu hàng ngày là 14mg
Nguyên nhân và triệu chứng
Nguyên nhân:
Bệnh ứ sắt được chia làm hai loại: nguyên phát và thứ phát.
Nguyên phát: do đột biến gen kiểm soát lượng sắt hấp thu từ nguồn thực phẩm, khiến cho cơ thể hấp thu quá nhiều sắt từ đường tiêu hóa.
Thứ phát: do biến chứng của các bệnh lý như viêm gan, xơ gan… gây rối loạn hấp thu sắt hoặc tình trạng ứ sắt do truyền máu nhiều lần ở những người mắc các bệnh lý về máu như thalassaemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm…
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh ứ sắt:
Di truyền: trong gia đình có người thân bị bệnh thường có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bệnh lý: người mắc các bệnh lý ở gan: viêm gan, xơ gan hay ở máu: thalassaemia, thiếu máu hồng cầu hình liềm… thường có nguy cơ cao.
Giới tính: nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Tuổi tác: bệnh ứ sắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người từ 40 - 60 tuổi.
Chủng tộc: người da trắng ở các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy…) có nguy cơ mắc bệnh cao so với các chủng tộc có màu da khác.
Lối sống: uống nhiều rượu cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Triệu chứng:
Trong giai đoạn đầu khi sắt tích tụ chưa nhiều, triệu chứng bệnh chưa xuất hiện. Khi hàm lượng sắt tăng lên, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Mệt mỏi.
- Đau khớp.
- Sạm da.
- Đau bụng.
- Giảm ham muốn tình dục…
Khi lượng sắt tích tụ trong cơ thể quá nhiều, sẽ gây ra các biến chứng:
- Rối loạn cương dương.
- Đái tháo đường.
- Suy tim.
- Suy gan…
Các thuốc điều trị bệnh ứ sắt
Các phương pháp điều trị bệnh ứ sắt đều nhắm đến mục tiêu:
- Giảm lượng sắt thừa và duy trì nồng độ sắt trong cơ thể đến mức bình thường.
- Ngăn chặn sự tổn thương các cơ quan do sự tích tụ sắt gây ra.
- Điều trị các biến chứng.
Phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh ứ sắt là trích ly máu qua đường tĩnh mạch (phlebotomy) giúp thải lượng sắt thừa theo máu ra khỏi cơ thể. Phương pháp này tương tự như quá trình hiến máu, một lượng máu khoảng 500ml được lấy ra từ 1 - 2 lần mỗi tuần tùy theo mức độ tích tụ sắt.
Phương pháp dùng thuốc để điều trị bệnh ứ sắt (liệu pháp chelation) thường được tiến hành khi không thể áp dụng phương pháp trích ly máu qua đường tĩnh mạch. Các thuốc được sử dụng như desferoxamin (đường tiêm), deferiprone và deferasirox (đường uống), là những tác nhân khi vào cơ thể sẽ gắn kết với sắt thừa, tạo thành những phức chất được thải ra ngoài theo đường tiểu.
Cần lưu ý: liệu pháp chelation có thể gây ra các tác dụng phụ làm rối loạn thị giác, ngứa, nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp…
Ngoài các phương pháp điều trị trên, cần áp dụng các biện pháp sau để giảm lượng sắt tích tụ trong cơ thể.
- Hạn chế lượng thức ăn giàu chất sắt và tránh dùng các thuốc bổ sung sắt hay các thuốc vitamin có chứa sắt.
- Tránh sử dụng nhiều vitamin C, vì vitamin C gia tăng hấp thu sắt trong thực phẩm.
- Tránh uống rượu vì rượu làm gia tăng nguy cơ tổn thương gan ở người mắc bệnh ứ sắt.
- Tránh dùng hải sản (cá, tôm, sò…) sống vì gia tăng nguy cơ nhiễm trùng từ nguồn vi khuẩn có trong hải sản.