Hà Nội

Các thuốc điều trị bệnh trầm cảm

24-05-2019 13:01 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Theo một số liệu thống kê từ năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 300 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh này.

Riêng ở nước ta, 3,6 triệu người mắc bệnh (chiếm 4% dân số).Mỗi năm, khoảng 5.000 người Việt Nam và 800.000 người trên toàn thế giới tự tử. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng trên.

Tìm hiểu về bệnh trầm cảm

Trầm cảm (TC) là một dạng rối loạn tâm trạng kéo dài với các biểu hiện buồn chán, tuyệt vọng, không còn hứng thú, quan tâm đến cuộc sống… ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ, hành động và sinh hoạt hàng ngày của người mắc bệnh!

TC có thể xảy ra ở bất kỳ ai (chiếm 80% khả năng mắc bệnh ở mỗi người vào một giai đoạn nào đó), ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở độ tuổi từ 18 - 45 và nữ giới thường chiếm đa số.

Nguyên nhân

Hiện nay, y học vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh TC, nhưng có nhiều yếu tố liên quan gây bệnh:

- Di truyền: khả năng mắc bệnh TC tăng cao trong những người có cùng quan hệ huyết thống.

- Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong não: nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, thay đổi chức năng và tác dụng của các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, dopamine, norepinephrin… đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra TC.

- Rối loạn hormon: sự mất cân bằng nội tiết tố estrogen trong thời kỳ mãn kinh, sau khi sinh con… là một trong những nguyên nhân gây ra TC.

- Thuốc: một số loại thuốc khi sử dụng một thời gian dài, sẽ gây ra tác dụng phụ TC như thuốc an thần, thuốc ngừa thai…

- Căng thẳng, stress trong cuộc sống, mất người thân, bệnh tật…

Các thuốc điều trị bệnh trầm cảm

Triệu chứng

- Cảm giác buồn chán, trống rỗng, tuyệt vọng.

- Khó tập trung suy nghĩ hay quên.

- Hay tức giận, cáu gắt.

- Cảm giác mệt mỏi, vô dụng, không xứng đáng…

- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều.

- Mất hứng thú hay quan tâm đến các sở thích trước đây như hoạt động tình dục, thể thao…

- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều.

- Thường suy nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự tử…

Các thuốc điều trị bệnh trầm cảm

Có nhiều nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị TC và các loại thuốc này thường phát huy hiệu quả điều trị sau 2 - 3 tuần. Các bác sĩ thường sử dụng hai nhóm thuốc với nhau cùng phối hợp với các thuốc chống loạn thần, thuốc rối loạn lo âu… để tăng hiệu quả điều trị.

Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): citalopram, fluoxetine, paroxetine, sertralin…

Đây là nhóm thuốc thường được các thầy thuốc chọn lựa để điều trị TC, vì có hiệu quả cao và ít gây ra tác dụng phụ so với các loại thuốc chống trầm cảm khác.

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc nảy là ức chế sự tái hấp thu serotonin, là một chất dẫn truyền thần kinh có trong não, nên có tác dụng làm giảm các triệu chứng TC

Nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI có thể gây ra các tác dụng phụ: buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn chức năng tình dục, khô miệng, tiêu chảy, giảm cân, mất ngủ…

Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin (SNRI):Desvenlafaxin, duloxetin, venlafaxine…

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc nảy là ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrin trong não.

Nhóm thuốc SNRI thường gây ra các tác dụng phụ: buồn nôn, chóng mặt, đổ mồ hôi, rối loạn chức năng tình dục, táo bón..

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): amitriptylin, desipramine, doxepin, imipramine…

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng tuy mang lại hiệu quả cao trong điều trị, nhưng do gây ra nhiều tác dụng phụ nên hiện nay ít dược sử dụng.

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc TCA tương tự như SNRI: hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrin trong não. Ngoài ra, còn ngăn chặn các thụ thể muscarinic M1, histamine H1 và alpha-adrenergic.

Nhóm thuốc này thường gây ra các tác dụng phụ: khô miệng, táo bón, mờ mắt, bí tiểu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, suy giảm trí nhớ, hạ huyết áp, rối loạn chức năng tình dục…

Nhóm thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI): tranylcypromin, phenelzin, isocarboxazid…

Đây là nhóm thuốc thường gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, nên chỉ được sử dụng khi các nhóm thuốc khác không có tác dụng điều trị.

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ngăn chặn sự hoạt động của enzym monoamin oxydase, là một loại enzyme phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrin, serotonin và dopamin trong não

Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc MAOI: hạ huyết áp tư thế, tăng cân và rối loạn chức năng tình dục.

Nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình (Atypical antidepressants): bupropion, mirtazapin, trazodon…

Tương tự với các thuốc chống trầm cảm khác, cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh dopamin, serotonin và norepinephrin trong não

Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc này: khô miệng, táo bón, chóng mặt, an thần, hạ huyết áp…

Để nâng cao hiệu quả điều trị TC, bên cạnh việc dùng thuốc, cần kết hợp với các phương pháp khác như tâm lý trị liệu hay sốc điện


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn