Các thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

28-07-2024 09:02 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus là bù nước điện giải, điều trị hỗ trợ (men vi sinh, kẽm), điều trị triệu chứng, kháng sinh.

Virus Rota có thể sống lâu trong môi trường nên khả năng lây nhiễm rất cao.

    1. Danh mục thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus tập trung chủ yếu vào việc giảm triệu chứng và ngăn ngừa mất nước và điện giải. Hiện nay, không có thuốc chuyên biệt để chữa trị virus Rotavirus mà chủ yếu là các biện pháp hỗ trợ và điều trị các triệu chứng. 

Dưới đây là những phương pháp điều trị thường được áp dụng:

  • Thay thế nước và điện giải: Điều quan trọng nhất là giữ cho trẻ không bị mất nước và điện giải do tiêu chảy. Điều này có thể thực hiện bằng cách cho trẻ uống nước, nước muối và các dung dịch điện giải (ORS - Oral Rehydration Solution) để bù đắp.
  • Thuốc kháng sinh: Không nên sử dụng kháng sinh để điều trị tiêu chảy do Rotavirus, vì chúng không có tác dụng đối với virus này và chỉ nên sử dụng khi có các biến chứng nhiễm trùng.
  • Vaccine: Hiện tại có Vaccine phòng ngừa virus Rotavirus cho trẻ em, được khuyến cáo sử dụng để ngăn ngừa bệnh lây nhiễm.
Các thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus- Ảnh 1.

Virus Rota có thể sống lâu trong môi trường nên khả năng lây nhiễm rất cao.

    2. Tác dụng thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

- Bù nước điện giải: Oresol là thuốc điều trị tốt và rẻ nhất cho tất cả bệnh nhi bị tiêu chảy cấp do rotavirus. Đặc điểm của tiêu chảy cấp là nôn, tiểu chảy cấp phân tóe nước rất nhiều lần trong ngày, gây tình trạng mất nước cấp tính. Vì vậy vấn đề bù nước điện giải là quan trọng hàng đầu trong điều trị. Oresol hiện tại sẵn có, dễ mua, giá thành rẻ. Vì vậy nên sẵn có trong tủ thuốc của tất cả các gia đình hiện nay. 

Dung dịch oresol được pha từ gói oresol theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trẻ nên được bù oresol sớm ngay khi bắt đầu có triệu chứng. Tùy theo tuổi và mức độ bệnh, lượng oresol dùng cho trẻ khác nhau.

- Men vi sinh: Một số chủng men vi sinh có thể có tác dụng trong hỗ trợ điều trị tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy do Rotavirus. Theo khuyến cáo từ Hội Nhi khoa Việt Nam và Hội Tiêu hóa – Dinh dưỡng – Gan mật Nhi khoa Châu Âu, các chủng men vi sinh như Lactobacillus reuteti, Lactobacillus rhammosus GG, Schacromices bourlardi với các loại biệt dược như Bioflora, Normagut, Biogaia… Men vi sinh nên được sử dụng sớm khi bị tiêu chảy, thời gian kéo dài 5-7 ngày.

- Kẽm: Bổ sung kẽm là cần thiết cho trẻ bị tiêu chảy, nhất là tiêu chảy do Rotavirus. Kẽm có tác dụng làm hồi phục niêm mạc ruột, vốn bị tổn thương rất nhiều do tiêu chảy. Kẽm nên được bổ sung sớm khi bị tiêu chảy và kéo dài từ 10-14 ngày, kể cả khi đã hết triệu chứng tiêu chảy. Dạng kẽm tốt nhất là kẽm dạng gói bột hoặc viên nén, hạn chế sử dụng kẽm dạng dung dịch siro (chứa nhiều đường) vì có thể là nặng thêm tình trạng tiêu chảy thẩm thấu.

Về liều lượng, với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mỗi ngày dùng 10mg kẽm, còn với trẻ trên 6 tháng tuổi, liều dùng là 20mg kẽm mỗi ngày, có thể chia thành 1 hoặc 2 lần/ngày.

- Kháng virus: Hiện nay, trên thị trường có sản phẩm Anaferon, là các Interferon tái tổ hợp, có tác dụng điều trị một số bệnh lý do virus, trong đó có Rotavirus. Thuốc này có thể sử dụng trong điều trị hỗ trợ tiêu chảy do Rotavirus với chi phí rẻ, dễ sử dụng, an toàn và gần như không có tác dụng phụ.

- Thuốc giảm tiết, cô đặc phân: Các thuốc giảm tiết như Racecadotril (Hidrasec) có thể được dùng để làm giảm tần suất và lượng nước trong phân khi trẻ bị tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy do Rotavirus. Hidrasec chỉ thực sự hiệu quả trong các trẻ tiêu chảy phân tóe nước, lượng nhiều. Vì vậy sau khoảng 3-5 ngày, khi triệu chứng giảm có thể ngừng sử dụng thuốc. Về liều lượng, Hidrasec được sử dụng với liều 1,5mg/kg/lần x 3 lần/ngày. Ngoài ra, nhóm thuốc Smectite (Smecta 3g) cũng có thể sử dụng để giảm lượng nước trong phân ở trẻ trên 2 tuổi, với liều lượng 1 – 2 gói/ngày.

- Thuốc giảm nôn: Thông thường triệu chứng nôn trong bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus thường tự hết sau 1-3 ngày. Nếu trẻ bị nôn quá nhiều, ảnh hưởng đến quá trình uống oresol và thuốc, có thể sử dụng các thuốc giảm nôn như Ondasetron, Espumisal, Motilium M. Ondasetron được chỉ định với liều 4-8mg/lần, ngày 2-3 lần. Motilium M siro được sử dụng với liều 0,25mg/kg/lần, ngày 2-3 lần. Các thuốc giảm nôn nên được uống trước ăn ít nhất 30 phút để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.

- Kháng sinh: Kháng sinh là thuốc diệt khuẩn, có thể sử dụng trong một số bệnh lý tiêu chảy cấp do vi khuẩn. Tuy nhiên, trong tiêu chảy cấp do Rotavirus, kháng sinh không nên được sử dụng thường quy. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có bệnh lý nhiễm khuẩn đi kèm như viêm tai giữa cấp mủ, viêm phổi… hoặc trẻ đại tiện phân có lẫn máu nhầy (hội chứng lỵ). Loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng kháng sinh nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Các thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus- Ảnh 2.

Gói Oresol thường (cũ) và Oresol nồng độ thẩm thấu thấp (mới).

    3. Tác dụng phụ thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Kẽm: Nôn, buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp nhất của kẽm. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả điều trị, nên lựa chọn loại kẽm dễ uống và cho trẻ uống thuốc khi đói.

Thuốc giảm nôn: Các nhóm Espumisal, Ondasetron hầu như không có tác dụng phụ gì đáng kể. Nhóm thuốc Motilium M có thể gây hội chứng ngoại tháp ở trẻ em, vì vậy trong quá trình sử dụng nếu trẻ có dấu hiệu kích thích, run tay chân… cần ngừng thuốc ngay và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được xử trí phù hợp.

Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định ở trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus có thể làm quá trình điều trị kéo dài do làm tổn thương hệ vi sinh đường ruột ở trẻ em.

Các thuốc Oresol, men vi sinh, kháng virus hầu như không gây ra tác dụng phụ đáng kể nào, an toàn khi sử dụng trong điều trị tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em.

4. Chống chỉ định thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Oresol, kẽm không có chống chỉ định trong điều trị tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em.

Men vi sinh: Cần thận trọng khi sử dụng men vi sinh ở trẻ có bệnh nền là suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, trẻ đang điều trị các thuốc có tính ức chế hệ miễn dịch.

Nhóm thuốc giảm tiết: Thận trọng khi sử dụng Hidrasec ở trẻ dưới 1 tháng tuổi. Nhóm thuốc Smectite chống chỉ định sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi. Không sử dụng Loperamid và các dẫn xuất của Opioid cũng như các thuốc giảm nhu động ruột trong điều trị tiêu chảy do Rotavirus ở trẻ em.

Các thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus- Ảnh 3.

Khi trẻ bị tiêu chảy do virus điều trị bằng thuốc kháng sinh là không cần thiết.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Oresol: Dung dịch Oresol dễ sử dụng, không có tác dụng phụ, không có chống chỉ định ở trẻ em. Tuy nhiên khi sử dụng dung dịch oresol cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Luôn pha đúng oresol với lượng nước theo quy định của nhà sản xuất. Tuyệt đối không pha nửa gói hay 1/3 gói thuốc. Uống oresol pha không đúng tỉ lệ không những không có tác dụng điều trị bệnh mà còn làm nặng hơn tình trạng mất nước và rối loại điện giải của bệnh nhi.
  • Dung dịch oresol chỉ bảo quản trong vòng 24h, dịch đã pha quá 24h phải bỏ đi và pha dung dịch mới.
  • Uống oresol bằng thìa hoặc cốc nhỏ, uống theo nhu cầu của trẻ. Tránh cho trẻ uống quá nhanh, quá nhiều, dễ khiến trẻ bị nôn, tiêu chảy nặng hơn.
  • Chỉ sử dụng oresol dạng gói hoặc viên, không nên sử dụng các dung dịch oresol đóng chai, đặc biệt các sản phẩm không có hoặc thành phần điện giải không đúng quy định của Bộ Y tế.

Men vi sinh: Men vi sinh nên được uống sau ăn để đảm bảo hấp thu tốt nhất. Các chủng men S. bourlardi (Normagut, Bioflora…) cần chú ý bỏ vỏ viên nang, hòa tan bột vào nước nguội hoặc sữa nguội để cho trẻ uống. 

Các chủng men vi sinh khác cũng có thể pha vào nước, sữa nguội để dùng, không pha vào nước nóng, sữa nóng là chết vi sinh vật, làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.

Thuốc điều trị triệu chứng: Các nhóm thuốc giảm nôn (Motilium M, Espumisal…), giảm tiết (Hidrasec), làm đặc phân (Smecta) có tác dụng điều trị triệu chứng, có thể được sử dụng sớm trong giai đoạn đầu của bệnh, thường kéo dài 3-5 ngày. Giai đoạn sau của bệnh, khi các triệu chứng đã giảm, có thể ngưng sử dụng các nhóm thuốc này.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và  điều trịTiêu chảy cấp do Rotavirus: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và điều trị

SKĐS - Tiêu chảy cấp do Rotavirus, hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ.


ThS.BS Nguyễn Hoài Nam
Phó trưởng Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn